"Chân dung người học sinh mới với 6 phẩm chất và 10 năng lực thật sự là giấc mơ hoàn hảo
về những người chủ tương lai của đất nước..."
Nước ta đang trong tiến trình đổi mới giáo dục toàn diện. Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có những thay đổi đáng kể. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất vẫn là: Chương trình sẽ được thực hiện như thế nào và nó có tính khả thi?
Cần cơ cấu lại ngân sách giáo dục 80% chi cho con người
Được biết Bộ GD-ĐT đang rà soát, xây dựng các chuẩn giáo viên theo khung mới và chuẩn quản lý nhà giáo mới. Trước mắt, rà soát xem 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay đang ở đâu so với các bậc chuẩn, từ đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn tối thiểu, đáp ứng yêu cầu chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng.
Chỉ với việc tích hợp, lồng ghép các môn học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chúng ta dễ dàng nhận thấy đội ngũ giáo viên ở các cấp học hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Số giáo viên này rơi vào nhóm những người tuổi đã cao nên việc đào tạo lại khó khả thi. Một vấn đề đặt ra, giải quyết số người không nhỏ này thế nào?
Mặt khác, nhiều giáo viên lớn tuổi không thể đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn khi tiến hành đổi mới cải cách, có nguyện vọng được nghỉ sớm nhưng chưa xây dựng chính sách chế độ cho họ. Nếu bộ phận không nhỏ này còn “án ngữ” thì không có chỗ cho những người trẻ, đủ chuẩn vào làm giáo viên.
Bộ GD-ĐT đang rà soát, xây dựng các chuẩn giáo viên theo khung mới và chuẩn quản lý nhà giáo mới
Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Với số lượng giảng viên đại học tới gần 70.000, giảng viên dạy nghề 75.600, cùng giáo viên phổ thông hiện hữu lên tới 1,4 triệu người, được biết ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục hiện tới 80% là chi cho con người, còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình. Tỷ lệ này không hợp lý và cần cơ cấu lại.
Còn quá nhiều vấn đề, như nếu áp dụng chuẩn đào tạo mới thì lớp học cơ sở vật chất tăng đáng kể… Vì thế, mọi chuyện, mọi cuộc cải cách phải có bước đi lộ trình thích hợp.
Cần luật hóa ý tưởng bỏ công chức, viên chức giáo viên
Dù cải cách đổi mới giáo dục khẳng định vị thế trung tâm là học sinh, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, nhưng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động học của người thầy không thể nào xem nhẹ. Bởi khâu then chốt, quyết định chính là đào tạo người thầy. Vì vậy, chất lượng giáo viên cần được xác định là khâu then chốt cùng với nó là đổi mới quản lý giáo dục, kiện toàn cơ sở vật chất và điều kiện tổ chức hoạt động dạy - học.
Để giải quyết bài toán ùn tắc biên chế, “án ngữ” của một bộ phận giáo viên không còn khả năng thích ứng một cách căn cơ, lâu dài, bài bản, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn.
Nhìn lại, từ năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Nhưng sau 5 năm thực hiện, năm 2012, tổng số cán bộ, công chức viên chức từ Trung ương đến cấp huyện tăng 42.000 người, cán bộ công chức cấp xã tăng 14.000 người. Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012.
Cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới
Không có chương trình cải cách nào thành công nếu thể chế không đi trước một bước. Cải cách nền hành chính, tinh giảm biên chế cũng vậy. Nguyên nhân lâu nay việc này còn ì ạch, không có chuyển biến gì đáng kể vì thể chế chưa mở đường đi trước một bước.
Nhớ lại khi xây dựng Luật Cán bộ công chức (năm 2008) nhiều ý kiến đề nghị bỏ chế độ biên chế thay bằng chế độ “hợp đông linh hoạt”, công chức có lên có xuống, có vào có ra. Tuy nhiên những ý kiến này không được ban soạn thảo tiếp thu.
Có thể thấy rằng, công chức, viên chức làm việc suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển. Cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới. Phải xác định yêu cầu từng vị trí việc làm để tổ chức thi tuyển cạnh tranh vào vị trí đó.
Trên thế giới, nhiều nước từ lâu đã bỏ chế độ biên chế mà sử dụng chế độ hợp đồng đối với công chức.
Từ những năm 2000, New Zealand đã thực hiện. Họ chỉ có hợp đồng công chức chứ không có biên chế suốt đời.
Thậm chí, từ cấp thứ trưởng trở xuống cũng chỉ hợp đồng.
Trung Quốc là quốc gia có nhiều mặt tương đồng với ta cũng bỏ chế độ biên chế đối với công chức thay bằng “chế độ hợp đồng linh hoạt”…
Vì vậy, thiết nghĩ, cũng cần luật hóa ý tưởng bỏ công chức viên chức trong giáo viên trong Luật Giáo dục sửa đổi, vì nếu không sẽ vướng một rừng nghị định, quyết định, thông tư… như một mê hồn trận, sẽ “ngáng chân” khó thực hiện những ý tưởng cải cách.
Đây có thể coi là bài học kinh nghiệm rút ra được từ những thất bại trước đây – muốn cải cách thành công, thể chế phải được mở đường đi trước một bước.
Một nguyên lý có tính quy luật, khi đối tượng quản lý thay đổi (ở đây là người học và cả nền giáo dục), thì chủ thể quản lý (ở đây là cán bộ quản lý giáo dục và người dạy) cũng phải thay đổi để đủ sức quản lý sự thay đổi.
Quản lý sự thay đổi là một khoa học. Quản lý sự thay đổi thực chất là kế hoạch hóa, điều hành và chỉ đạo triển khai sự thay đổi để đạt được mục tiêu đề ra cho sự thay đổi đó.
Đây là một nhiệm vụ nặng nề đối với ngành giáo dục, cần có sự chung sức của toàn xã hội.
Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được trong một sớm một chiều mà phải có thời gian, phải có lộ trình, bước đi thích hợp.
TS Diệp Văn Sơn (chuyên gia cải cách hành chính, nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ)
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Bức xúc nhất là vấn đề tuyển dụng"
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, vấn đề chuyển giáo viên từ chế độ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng cần hết sức thận trọng.
Hiện nay xã hội bức xúc nhất với vấn đề viên chức là ở khâu thi tuyển. Thi tuyển viên chức nhưng vẫn thi như công chức. Trong khi đó, hợp đồng làm việc của viên chức và hợp đồng lao động thì không khác nhau nhiều.
Vì vậy, vấn đề cần nhất hiện nay là cải tiến khâu tuyển dụng viên chức cho gọn và linh hoạt. Còn việc chuyển hết công chức, viên chức giáo viên sang hợp đồng kiểu doanh nghiệp thì phải tính toán. Bộ GD-ĐT trao đổi thêm với Bộ Nội vụ để thống nhất cách đặt vấn đề
Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp
Theo Luật Viên chức hiện hành thì giáo viên tại các trường công lập là viên chức, còn những người giữ cương vị lãnh đạo có chức vụ, chức danh sẽ là công chức.
Thẩm quyền quy định về viên chức, giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công là viên chức do Quốc hội quyết định trên cơ sở ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức. Còn trình tự, thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức, số lượng viên chức trong các đơn vị hành chính sự nghiệp (trong đó có trường công lập) do Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 7 Luật Viên chức, chứ không phải thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Còn công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
Nếu bỏ công chức, viên chức trong giáo viên mà chuyển toàn bộ bằng chế độ hợp đồng theo quy định của Bộ luật lao động thì cần phải sửa cả Luật Cán bộ công chức và sửa các quy định của Luật Viên chức hiện hành, mà thẩm quyền sửa luật là do Quốc hội quyết định.
Như vậy, nếu Bộ GD-ĐT có đề nghị sửa Luật hiện hành để bỏ đối tượng giáo viên, hiệu trưởng là viên chức, công chức thì phải được Quốc hội chấp nhận và sửa luật, thì ý tưởng này của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới được thực hiện trên thực tế.