Tại buổi họp báo trước thềm năm học mới do Bộ Giáo dục- Đào tạo tổ chức ngày 4-9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng đinh: Áp dụng đề thi đánh giá năng lực theo hình thức trắc nghiệm không phải là mới. Hình thức này được tổ chức 3 năm ở Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chứng minh là tốt nên nhân rộng một bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Thi trên giấy, chấm trên máy, khắc phục việc không nghiêm túc làm bài, chấm thi và việc học lệch.
Bộ trưởng Nhạ cho biết: “ Bộ Giáo dục- Đào tạo đã có tổ công tác rà soát kỹ lưỡng phương án thi 2016. Tổ công tác là các chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm, đã lấy ý kiến trực tiếp các Sở Giáo dục- Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng và rất nhanh đi đến thống nhất về một số điểm cải tiến trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
Chủ trương của Bộ Giáo dục- Đào tạo là thực hiện tiếp phương án của năm 2016. Tuy nhiên, có một số điểm xét thấy cần cải thiện để tốt lên. Ví dụ, việc tổ chức thi, năm 2016 tổ chức theo hai cụm các trường và các địa phương. Qua thực tế cho thấy, các địa phương hoàn toàn chủ động được việc tổ chức thi tuyển.
Liên quan đến việc xét tuyển, thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, năm 2017 kỳ thi THPT quốc gia sẽ vẫn là kỳ thi hướng tới 2 mục đích. Theo Bộ trưởng Nhạ, các trường đại học, cao đẳng dù theo luật được tự chủ tuyển sinh nhưng nhiều trường không có kinh nghiệm và Bộ có trách nhiệm kiểm soát chất lượng. Phương thức này không mới mà đã được làm 3 năm, đã tốt và có thể nhân rộng.
Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết: Hiện nay, chỉ tiêu các trường là dựa vào việc xem xét năng lực đào tạo khiến chỉ tiêu nhiều hơn năng lực thực tế. Thí sinh “ảo” ngay từ chỉ tiêu. Năm nay, Bộ sẽ xem xét chỉ tiêu phụ thuộc vào nhu cầu ngành nghề thị trường lao động và điều kiện đào tạo chất lượng. Bộ sẽ kiểm tra đảm bảo chất lượng, tăng cường hỗ trợ thông tin, đào tạo ngành nghề của thị trường để các trường có chỉ tiêu tuyển chính xác hơn”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm học mới, Bộ Giáo dục- Đào tạo đặc biệt quan tâm đến đảm bảo chất lượng đào tạo”.