Hỗ trợ giáo dục mầm non, thay đổi chương trình đào tạo và giảng dạy của giáo viên, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp
là ba trong số những điểm quan trọng để xây dựng một hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới. Ảnh: NPR
Trang NPR ngày 9/8 đăng tin về những phát hiện với tên gọi “Không có thời gian để mất: Làm thế nào để xây dựng một hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới cho từng bang” của nhóm nghiên cứu thuộc các Viện lập pháp tiểu bang Mỹ (NCSL). Kết quả này thu được sau những nghiên cứu về hệ thống giáo dục hàng đầu trên thế giới, bao gồm các trường ở Phần Lan, Hong Kong, Nhật Bản, Ontario, Ba Lan, Thượng Hải, Singapore và Đài Loan.
Báo cáo ghi lại đầy đủ nội dung quan trọng, dưới đây là ba điểm lớn nhất.
1. Hỗ trợ nhiều hơn cho học sinh nhỏ tuổi nhất
Tại Mỹ, nghèo đói là lực cản rất lớn với học sinh nhỏ tuổi nhất. Có quá nhiều trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo thiếu kỹ năng nhận thức và xã hội. Nghiên cứu cho thấy giáo dục mầm non khi thực hiện tốt có thể tác động sâu sắc đến đời sống của trẻ. Nhưng ở Mỹ, hệ thống giáo dục mẫu giáo lại thường kém chất lượng. Roy Takumi, đại diện bang Hawaii, thành viên đảng Dân chủ và thuộc nhóm nghiên cứu của NCSL, mô tả hệ thống giáo dục mầm non của Mỹ “không tương xứng một cách đáng buồn”.
Ông Takumi cho biết, tất cả nền giáo dục hàng đầu đều đầu tư vào giáo dục mầm non. Ví dụ, Ontario miễn phí học mẫu giáo, có các lớp mẫu giáo cả ngày không chỉ dành cho trẻ 5 tuổi mà còn cho cả trẻ 4 tuổi.
Sự khác biệt tiếp theo là khi học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Mỹ vào lớp 1, những em này thường vào trường nghèo với giáo viên có trình độ thấp. Theo báo cáo, điều này không diễn ra ở các nước có hệ thống giáo dục hàng đầu. Cung cấp nguồn lực bổ sung cho các trường có học sinh hoàn cảnh khó khăn là một ưu tiên. Các trường này thường có nhiều giáo viên hơn và những giáo viên tốt nhất sẽ được giao nhiệm vụ trong những trường, những lớp thử thách nhất.
2. Giáo viên cần tốt hơn
Trong trường hợp này, “tốt hơn” là một định nghĩa rộng. Các nhà nghiên cứu cho biết “tốt hơn” cần bắt đầu từ khi giáo viên tương lai còn là sinh viên bởi vì sự chắp vá các chương trình đào tạo giáo viên ở Mỹ được biết đến là chung chung và sơ sài.
Howard Stephenson, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Utah và là thành viên của nhóm nghiên cứu NCSL, nói rằng Mỹ có quá nhiều trường yêu cầu đào tạo giáo viên nhưng trên thực tế chẳng màng đến những gì sở giáo dục muốn hoặc cần trong một lớp học. Điều này hoàn toàn khác ở các nước hàng đầu về giáo dục, nơi giáo viên thường được đào tạo tại một số ít trường đại học tốt nhất và chọn lọc nhất.
Theo báo cáo, ở một số nơi, giáo viên chỉ dành 30-35% thời gian cho công tác giảng dạy học sinh, phần còn lại dành cho các hoạt động như làm việc nhóm với những giáo viên khác để phát triển và nâng cao chất lượng bài giảng, quan sát và đánh giá lớp học, và làm việc với học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi ở Mỹ, giáo viên quá thường xuyên làm việc trong sự cô lập, không có sự kết nối với đồng nghiệp. Ngược lại, ông Stephenson cho biết, nhiều quốc gia đi đầu đã xây dựng mô hình giáo dục theo nhóm, nơi những giáo viên mới có thể liên tục quan sát giáo viên kỳ cựu và họ cũng được quan sát, tinh chỉnh kỹ năng của mình. Ở đó, quan sát là để cải thiện bản thân, không phải là nhiệm vụ.
Tốt hơn còn ở vấn đề tiền lương. Các quốc gia này có các tiêu chuẩn cao hơn cho giáo viên, nhưng đi kèm với đó là sự tôn trọng và tiền lương tương xứng, ngang hàng với các kỹ sư và kế toán.
3. Khắc phục giáo dục hướng nghiệp và giáo dục nghề (CTE)
Báo cáo cho thấy, tại Mỹ, nhiều trường học đã thất bại trong việc làm cho CTE thích ứng với nhu cầu của nền kinh tế hiện đại. Họ đang trang bị cho học sinh để làm những công việc trong quá khứ thay vì kết hợp các môn học với những yêu cầu của nhà tuyển dụng ngày nay.
Các nhà lập pháp và giáo dục Mỹ luôn nói rằng trường học ngày nay nên chuẩn bị cho học sinh để sẵn sàng vào đại học và đi làm. Nhưng trong thực tế, ông Takumi cho biết nhiều trường đã đẩy kỹ năng nghề nghiệp sang một bên. Kết quả là học sinh cần vào đại học để sẵn sàng cho việc đi làm.
Tồi tệ hơn là CTE Mỹ cũng có vấn đề nhận thức. Theo ông Stephenson, CTE được coi là lựa chọn thứ hai cho những học sinh kém. Đây là bài toán về con gà và quả trứng. Cho dù nhận thức đó tạo nên thực tế hiện tại hay ngược lại thì cả hai cũng phải thay đổi.
Theo báo cáo, trong các nước đi đầu như Singapore, CTE không được xem là một con đường cho học sinh thiếu kỹ năng học thuật xuất sắc mà là cách tiếp cận khác tới giáo dục, phát triển kỹ năng và công việc tốt. CTE được đầu tư và thích hợp với những nhu cầu lao động thực tế.