Cụ thể, công tác bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện theo các văn bản hiện hành.
Cần bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu về nội dung bồi dưỡng, điều kiện tổ chức thực hiện bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và nhiệm vụ năm học.
Chú ý xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện bồi dưỡng một cách khoa học, hiệu quả, tổ chức đánh giá và cấp giấy chứng nhận kết quả bồi dưỡng theo quy định.
Việc bồi dưỡng phải tập trung vào nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp.
Cần thực hiện nghiêm túc việc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, làm căn cứ để cá nhân đề xuất các nội dung bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả.
Việc lựa chọn nội dung, chuyên đề bồi dưỡng cần chú ý lựa chọn những nội dung, chuyên đề gắn với định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phù hợp với đặc thù của từng môn học, cấp học trên tinh thần chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của các vụ bậc học, các nội dung triển khai của các chương trình, dự án.
Cần chủ động xây dựng kế hoạch, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nội dung 2 (nội dung dành cho các địa phương) thật tốt. Tăng cường ứng dụng CNTT trong việc quản lý, tổ chức, đánh giá kết quả bồi dưỡng.
Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và việc tổ chức bồi dưỡng của các nhà trường trong năm học. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nêu gương điển hình trong công tác này.
Việc báo cáo hàng năm cần thực hiện nghiêm túc theo quy định. Ngoài ra, để thống nhất trong quản lý và nhân rộng các mô hình tốt, các Sở GD&ĐT gửi kế hoạch bồi dưỡng hàng năm và tài liệu bồi dưỡng nội dung 2 về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) cùng báo cáo hàng năm.