Sở dĩ có điều này là do người Mỹ luôn tin rằng, lao động tốt lúc nhỏ tạo sức bật thành công trong sự nghiệp khi trưởng thành. Nói cách khác, thói quen làm việc tốt khi còn trẻ là sự đảm bảo giàu sang trong tương lai. Một số chuyên gia giáo dục Mỹ ngay từ giữa thế kỷ trước đã bắt đầu một nghiên cứu theo dõi dài hơi qua 456 trẻ em của thành phố Boston về quá trình trưởng thành, trong đó có nhiều em gia đình rất nghèo hoặc bố mẹ ly dị. Tới nay những người này đều đã có nghề nghiệp, con cháu đoàn tụ đông vui. Đối chiếu và phân tích cuộc sống lúc trẻ và khi trưởng thành, các chuyên gia phát hiện sự thực so sánh rõ ràng: những trẻ ngay từ nhỏ bất kể hệ số IQ cao hay thấp, gia đình giàu nghèo khác nhau, nếu chịu lao động, tỷ lệ thành công trong sự nghiệp cao hơn gấp 3 lần so với trẻ chây lười, ỷ lại.
Người phụ trách nhóm nghiên cứu – nhà nghiên cứu tâm lý, hành vi Mỹ Goocge Velande cho hay: Điều này không có gì là lạ cả. Trẻ em qua làm việc gia đình hoặc công việc xã hội không những làm các em tháo vát, giỏi giang mà ngay từ nhỏ đã biết tự lập, không ỷ lại và có ý thức trách nhiệm với gia đình, xã hội. Vì thế các em luôn biết phấn đấu để tiến bộ, hướng thiện và luôn được người lớn và xã hội ủng hộ, công nhận. Sự công nhận của xã hội càng khuyến khích và cổ vũ trẻ cố gắng tiến bộ hơn cho đến khi thành công trong sự nghiệp.
Nhóm nghiên cứu đã từng gặp mặt 4 nhóm tuổi: 25, 31, 47 và 60 theo dõi điều tra để đối chiếu cuộc sống và trạng thái tinh thần hiện nay với thói quen lao động, mức độ hoạt động thể dục, thành tích học tập, khả năng giải quyết vấn đề cùng nhiều khía cạnh khác thời trẻ ghi chép lại. Kết quả phát hiện: thói quen chăm chỉ, yêu lao động của trẻ lúc nhỏ có quan hệ rất lớn tới hạnh phúc và thu nhập nhiều ít khi trưởng thành. So sánh giữa những người cực kỳ chăm chỉ lao động thời trẻ và những người lười lao động cho thấy ở người lười lao động đến tuổi trung niên rủi ro thất nghiệp trung bình cao gấp 15 lần, bị đi tù cao gấp 9 lần và mắc bệnh tinh thần cao gấp 8 lần, chết sớm cao gấp 3 lần đồng thời của cải khi về hưu chỉ bằng 25%; trạng thái hạnh phúc chỉ bằng 10%. Các chuyên gia còn chứng minh rõ được một cách tương đối; hệ số IQ, mức độ giáo dục, gia đình giàu nghèo thực ra không ảnh hưởng mấy tới khả năng thành đạt của trẻ sau này.
Chuyên gia giáo dục trẻ Goocge Velande mở rất nhiều “xưởng thợ trẻ em” trên toàn nước Mỹ để giáo dục trẻ yêu lao động. Ông cho hay: Những ông bố, bà mẹ thích “bao biện” cho trẻ thì chỉ làm chúng thêm hư. Đối với trẻ, cha mẹ cần làm tốt 3 điều: không đánh chúng quá nhiều, không chửi mắng chúng quá nhiều và cũng không làm thay chúng quá nhiều.
Trong quá trình giáo dục ý thức lao động cho trẻ, rất nhiều gia đình Mỹ đều tuân thủ các nguyên tắc sau:
Có mục đích rõ ràng: Cho trẻ làm một ít việc nhà không phải để bớt việc cho người lớn, thậm chí cũng không phải để “luyện tay nghề” mà là để trẻ thấy được trách nhiệm với gia đình, nâng cao tính tự tin, tự tôn, tự lập, tự chủ. Tất cả đều nhằm bảo đảm có được một nhân cách lành mạnh cho trẻ sau này.
Bắt đầu ngay từ nhỏ: Ngay khi chập chững biết đi trẻ đã phải có ý nghĩ biết giúp cha mẹ lấy một vài thứ đồ vật nhỏ, nếu tháo vát trẻ còn biết phân loại quần áo bẩn cho mẹ để mẹ giặt…
Không yêu cầu quá cao: Tất nhiên người lớn làm việc sẽ nhanh và dễ dàng hơn con trẻ. Tuy nhiên, nóng vội khi thấy trẻ làm việc mà quát mắng thì không nên bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới lòng tự trọng và tính tích cực của trẻ.
Không được dùng tiền làm phần thưởng: Phần thưởng tốt nhất với trẻ chăm lao động là lời khen ngợi. Có khi là lời nói “cảm ơn”, cũng có thể là một thứ đồ vật, quà nhỏ mà trẻ yêu thích nhưng tuyệt đối tránh dùng tiền bởi điều này sẽ làm giảm giá trị và phẩm chất của trẻ.
Đưa trẻ ra ngoài xã hội dần dần: Trẻ càng lớn thì phạm vi lao động của trẻ cũng nên mở rộng. Từ trong nhà ra ngoài xã hội, làm việc giúp gia đình, tiến tới hoạt động ngoài phố phường như dọn vệ sinh, quét rác giúp gia đình, người già yếu… Những công việc này sẽ giúp trẻ tiếp xúc với xã hội, qua đó bồi dưỡng cho chúng ý thức phục vụ và trách nhiệm đối với tập thể, xã hội và cộng đồng.