Chủ tịch Hội LHTNVN Nguyễn Phi Long và Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa là những người đã đưa ra ý tưởng và tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” mong muốn qua động viên, khích lệ đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết đối với việc sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Những người đã hy sinh tuổi trẻ, vượt qua những khó khăn về vật chất và tinh thần để đem “con chữ” đến với các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Mỗi câu chuyện, một tình yêu!
Với thông điệp ý nghĩa của chương trình là “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” và giáo dục tình yêu của thế hệ trẻ với các thầy cô giáo, chương trình đã thực sự lay động trái tim của rất nhiều thầy cô giáo, học sinh và nhân dân cả nước. Mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau, đến từ các miền quê khác nhau nhưng họ đều chung tình yêu nghề, yêu trò và sự tận tâm trong quá trình công tác.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến (sinh năm 1987) đang công tác tại trường Tiểu học và Trung học Cái Chiên, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Học trò vừa học vừa phải tranh thủ thời gian để về phụ giúp cha mẹ đi biển, hay là mò cua bắt ốc. Điện ở trên đảo cũng không đầy đủ nên học trò phải học dưới ngọn đèn leo lét.
Sống ở đảo tôi phải học đánh cá để hoà nhập vào cuộc sống của người dân nơi đây. Để cô trò thêm gần gũi, giờ ra chơi cô trò chúng tôi ngồi tết tóc cho nhau, tôi nghe các trò kể chuyện và hiểu thêm về các em”.
Thầy Lê Xuân Quyết - sinh năm 1990 là một trong những thầy cô giáo xung phong ra đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa. Điều khiến thầy Quyết quyết định ra công tác tại đảo là: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình rất nghèo. Từ khi còn học Tiểu học, tôi đã chứng kiến nhiều người bạn có hoàn cảnh giống mình dần dần nghỉ học. Từ đó, tôi nuôi dưỡng ước mơ trở thành một thầy giáo dạy cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Để thực hiện ước mơ, sau khi tốt nghiệp, tôi thường đến Sở GD&ĐT Khánh Hoà để hỏi khi nào có đợt tuyển giáo viên ra Trường Sa. May mắn có dịp tuyển và tôi được chọn. Tôi đã khóc khi nhận được quyết định ra đảo dạy học, dù khi đó tôi chưa biết hoàn cảnh cụ thể trên đảo ra sao.
Lần đầu tiên tôi lên tàu ra đảo tôi say sóng vật vờ trên tàu gần như không biết gì nhưng đến bây giờ thì đã quen. Khi đặt chân lên đảo, tôi không ngờ một ngôi trường lại thô sơ như vậy và càng thêm thương các trò.
Mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt trẻ thơ của học trò, tôi lại thấy muốn gắn bó thật lâu với Trường Sa. Nhiều người hỏi tôi về việc làm cách nào để được ra Trường Sa công tác, tôi thấy rất ấm lòng và xúc động. Tôi hi vọng sẽ có nhiều thế hệ thanh niên, giáo viên tiếp nối chúng tôi đến với Trường Sa”.
Thầy Nguyễn Đỗ Quang Liêm (sinh năm 1981), là giáo viên trường Tiểu học Mỹ Khê, đảo Phú Quý, Bình Thuận giãi bày: “Nhiều lúc áp lực công việc quá lớn tôi muốn từ bỏ nhưng vì học trò, vì nụ cười các em tôi lại lên lớp. Nhiều hôm đến giờ học các em lại đi biển, tôi phải phụ giúp các em”.
Bên cạnh giảng dạy, thầy Liêm đóng góp sức mình cho công tác Đoàn, Đội, phát động những phong trào hoạt động ngoại khoá bổ ích cho học sinh.
Sự nỗ lực của thầy giáo được đơn vị đánh giá cao, trao cho thầy danh hiệu Lao động tiên tiến nhiều năm liền, Giấy khen trong phong trào thi đua yêu nước, Giấy khen giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi các năm, bằng khen của TW Đoàn thanh niên Cộng sản HCM về công Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2015.
Năm 2016, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tuyên dương 42 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo trong cả nước. Trong đó có 25 cô giáo và 17 thầy giáo; người nhiều tuổi nhất là cô giáo Phan Hồng An, sinh năm 1962, giáo viên trường THCS Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận); người trẻ tuổi nhất là cô giáo Quảng Thị Thúy Ngân, sinh năm 1991, giáo viên trường Mầm non Thạnh An (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh); người công tác tại đảo lâu năm nhất là cô giáo Nguyễn Thị Hợi, sinh năm 1966, giáo viên trường THCS Bản Sen (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) với thời gian công tác trên đảo là 29 năm 7 tháng.
Tại Chương trình, mỗi giáo viên được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Kỷ niệm chương và một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016, vào sáng 11/11/2016, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam đã gặp mặt, động viên và tặng quà cho Đoàn đại biểu giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo.
Sáng 13/11/2016, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt và tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 42 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo.
Trước đó, trong tháng 9 - 10/2016, Ban Tổ chức Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2016 đã tổ chức các đoàn công tác ra thăm các giáo viên đang công tác ở các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo tại ba miền đất nước. Cụ thể, tại miền Bắc, Ban Tổ chức Chương trình đã đến thăm huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh); ở miền Trung là huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và ở miền Nam là xã đảo Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).