Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đối với các thí sinh trước thời gian xét tuyển nguyện vọng 2 vào ĐH, CĐ năm nay.
Lưu ý quan trọng sau đợt 1 xét tuyển
- Bộ GD&ĐT có lưu ý gì đối với các trường và thí sinh trong các đợt xét tuyển bổ sung sắp tới, thưa Thứ trưởng?
Đối với thí sinh đã trúng tuyển vào ĐH, CĐ đợt 1 phải nhanh chóng nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường mình quyết định nhập học. Thời hạn cuối nộp giấy này là hết ngày 19-8. Sau thời hạn trên, thí sinh nào không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi thì xem như không chấp nhận vào học tại trường và nhà trường sẽ gọi thí sinh bổ sung.
Ngay cả khi thí sinh trúng tuyển vào một trường cũng phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học. Thí sinh có thể nộp qua đường bưu điện bằng thư phát chuyển nhanh hay nộp theo phương thức khác do trường quy định.
Đối với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 (hay thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường) theo dõi thông tin tuyển sinh bổ sung trên các trang thông tin điện tử của các trường.
Sau ngày 19/8 các trường thống kê số lượng thí sinh chính thức nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung vào các ngành cũng như điều kiện nhận đăng ký xét tuyển.
Do có thí sinh ảo nên nhiều ngành tuy có số lượng thí sinh đăng ký nhiều trong đợt 1 vẫn có thể tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Do vậy thí sinh chưa trúng tuyển vẫn còn nhiều cơ hội được xét tuyển vào các ngành/trường mà mình yêu thích.
Đối với các trường, Bộ GD&ĐT yêu cầu công khai, minh bạch thông tin xét tuyển, thực hiện nghiêm quy chế và hướng dẫn công tác tuyển sinh, đảm bảo đúng thời gian và lịch trình các đợt xét tuyển, không được đặt ra bất kỳ một quy định ngoại lệ nào gây khó cho thí sinh.
Đợt xét tuyển đầu tiên thành công tốt đẹp
"Đến thời điểm này có thể nói, chúng ta đã có một kỳ thi THPT Quốc gia, tuyển sinh ĐH 2016 thực sự khoa học và thành công. Chúng ta đã tổ chức rất tốt kỳ thi ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, tiếp theo đó chúng ta công bố kết quả thông suốt, công tác xét tuyển diễn ra nhẹ nhàng, không gây áp lực đối với thí sinh và xã hội, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà trường, thí sinh giữ quyền quyết định việc nhập học của mình".
- Thưa Thứ trưởng, đợt 1 xét tuyển vào ĐH năm nay vừa kết thúc, ông đánh giá như thế nào về đợt xét tuyển này?
Đến thời điểm này có thể nói, chúng ta đã có một kỳ thi THPT Quốc gia, tuyển sinh ĐH 2016 thực sự khoa học và thành công.
Thành công đó có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tinh thần đổi mới của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng như sự đồng tình ủng hộ của các địa phương, các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông và của toàn xã hội. Thành công này cũng thể hiện rõ sự cầu thị, lắng nghe ý kiến dư luận và quyết tâm của ngành giáo dục trong thực hiện đổi mới.
Cũng như kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá là thành công, đợt 1 xét tuyển vào ĐH năm 2016 đã diễn ra suôn sẻ, khoa học, an toàn và trật tự. Những quy định được điều chỉnh trong xét tuyển đã phát huy hiệu quả, khắc phục những điểm còn hạn chế của kỳ tuyển sinh năm 2015.
Những quy định mới dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi và tôn trọng tối đa sự chọn lựa của thí sinh về phương thức đăng ký xét tuyển, về chọn ngành, trường mình yêu thích, chứ không nhằm tạo điều kiện cho thí sinh “cố” để đậu đại học bất cứ ngành nào.
Sự thành công đầu tiên của đợt xét tuyển ĐH năm nay là việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển và trong xét tuyển. Bộ đã chuẩn bị rất kỹ về điều kiện kỹ thuật, phần mềm, chạy thử nghiệm nhiều lần trước khi sử dụng chính thức. Nhờ vậy những trục trặc kỹ thuật đã được hạn chế tối đa. Trong suốt quá trình đăng ký xét tuyển và truyền tải dữ liệu, hệ thống chạy ổn định, không xảy ra nghẽn mạng.
Thứ hai, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh khi thực hiện đăng ký xét tuyển, theo đó các trường linh hoạt tùy điều kiện của mình quy định những phương thức nhận đăng ký xét tuyển riêng, ngoài qui định chung của Bộ. Nhờ vậy việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh diễn ra suôn sẻ, lưu lượng giảm dần vào những ngày cuối, không gây ùn tắc.
Thứ ba, kết quả kỳ thi được công khai minh bạch để thí sinh và xã hội được biết, trên cơ sở đó quyết định việc chọn trường, chọn ngành phù hợp.
Thứ tư, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các trường trong thu hút những thí sinh chất lượng cao khi trao cho thí sinh quyền lựa chọn thông qua việc nộp Giấy chứng nhận kết quả thi.
Cuối cùng, chúng tôi muốn nói đến sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương đã luôn phối hợp rất chặt chẽ, đồng hành cùng với Bộ, ngành để chuyển tải các thông tin về kỳ thi THPT quốc gia nói chung và tuyển sinh đại học, cao đẳng nói riêng một cách kịp thời, chính xác đến đông đảo phụ huynh, thí sinh và toàn xã hội.
- Đợt 1 xét tuyển vào ĐH năm nay kết thúc tốt đẹp. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng, còn nhiều giải pháp tuyển sinh khác có thể đem lại kết quả tốt hơn nữa. Vậy, đâu là lý do để Bộ GD&ĐT quyết định chọn phương án như năm nay?
Bộ cũng đã bàn và áp dụng nhiều giải pháp. Việc công khai thông tin đăng ký xét tuyển cho thí sinh biết để rút/nộp hồ sơ như đã áp dụng năm 2015 là giải pháp có lợi cho cả thí sinh lẫn nhà trường. Song giải pháp này buộc thí sinh phải theo dõi thông tin, gây áp lực tâm lý căng thẳng mà chính dư luận xã hội đã phản ứng, không đồng tình.
Giải pháp thứ hai là xét tuyển chung trong cả nước, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường theo thứ tự ưu tiên và chạy phần mềm xét tuyển chung. Giải pháp này lý tưởng, quyền lợi thí sinh được đảm bảo tối đa, không áp lực tâm lý và các trường cũng không có thí sinh ảo.
Bộ đã đưa ra thảo luận giải pháp này 2 năm nay nhưng nhiều trường không đồng tình vì mỗi trường đều muốn tự chủ xử lý cụ thể vấn đề tuyển sinh của trường mình.
Sau khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, trong công tác tuyển sinh Bộ làm đúng vai trò cơ quan quản lý nhà nước, ban hành qui chế tuyển sinh và hỗ trợ các trường thực hiện qui chế một cách tốt nhất.
Vì thế để một mặt vẫn đảm bảo quyền lợi của thí sinh và mặt khác giúp các trường giảm bớt khó khăn khi thực hiện tự chủ tuyển sinh, năm 2016 Bộ đã áp dụng giải pháp trung gian. Với giải pháp này quyền lợi của thí sinh được đảm bảo và tỉ lệ ảo của các trường ở mức có thể chấp nhận được.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga |
Giải pháp chống ảo phát huy hiệu quả
- Khi chọn giải pháp trung gian này, Bộ GD&ĐT đã có những quy định gì nhằm hỗ trợ cho thí sinh và nhà trường, thưa Thứ trưởng?
Đối với thí sinh, Bộ hỗ trợ thông tin cần thiết để các em có thể quyết định được việc chọn ngành, chọn trường mà mình yêu thích. Khác với năm đầu tiên đổi mới tuyển sinh, năm nay các em được tham khảo điểm chuẩn vào các trường/ngành năm ngoái, kết hợp với phổ điểm kết quả thi năm nay được công bố công khai. Trên cơ sở đó, đối chiếu với kết quả thi mình các em có thể quyết định nộp đăng ký xét tuyển vào ngành/trường phù hợp.
Thực tế kết quả điểm chuẩn mà các trường vừa công bố cho thấy những tài liệu tham khảo này rất có ý nghĩa. Mức độ biến động của điểm chuẩn các trường tương ứng với độ lệch của phổ điểm năm nay so với năm ngoái.
Mặt khác qui chế cho phép thí sinh đăng ký hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng trong đợt 1 và đăng ký ba trường, mỗi trường hai nguyện vọng trong mỗi đợt bổ sung là giải pháp giảm thiểu rủi ro cho thí sinh dù các trường phải chấp nhận một tỉ lệ thí sinh ảo nhất định.
Đối với các trường, để giảm nhẹ ảnh hưởng của thí sinh ảo, Bộ đã đưa vào qui chế nhiều biện pháp giảm ảo: khuyến khích tuyển sinh theo nhóm trường, cung cấp cho các trường dữ liệu thí sinh đăng ký vào các trường/ngành cùng đợt xét tuyển, yêu cầu thí sinh nộp giấy báo kết quả thi (duy nhất) trong vòng 5 ngày kể từ khi trường công bố kết quả xét tuyển để khẳng định nhập học, không qui định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước...
- Thưa Thứ trưởng, thực tế các trường vẫn có khó khăn trong việc tiên lượng được số thí sinh ảo để xác định điểm chuẩn phù hợp. Bộ có xử lý các trường hợp tuyển vượt chỉ tiêu?
Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận ảo. Không phải ở nước ta mà ở các nước phát triển, các trường cũng phải chấp nhận thực trạng này trong tuyển sinh.
Thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Thí sinh ảo là tất yếu.
Trong cơ sở dữ liệu các trường tải về để xét tuyển, Bộ đã cung cấp thông tin về tất cả các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký trong cùng đợt để tham khảo, phán đoán và lọc ảo. Trong qui chế cũng đã bổ sung nhiều qui định hỗ trợ các trường khắc phục thí sinh ảo như đã nói ở trên.
Bộ cũng đã khuyến khích các trường thống nhất với nhau tổ chức xét tuyển chung trong cả nước hay tham gia các nhóm xét tuyển ở các vùng miền để khắc phục hay giảm thiểu ảnh hưởng của thí sinh ảo, nhưng nhiều trường còn do dự về việc này.
Bộ đã yêu cầu các trường không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đã công bố để một mặt đảm bảo chất lượng đào tạo và mặt khác không gây khó khăn về nguồn tuyển đối với các trường khác. Các trường tự chủ lựa chọn phương án xét tuyển thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành trong đó có quy định không được tuyển vượt chỉ tiêu.
Sớm công bố phương án tối ưu nhất về thi, tuyển sinh
- Thưa Thứ trưởng, bên cạnh thành công vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi hai mục đích như hiện nay. Để thể hiện rõ hơn tinh thần lắng nghe, quyết tâm đổi mới, năm 2017, hướng dự kiến của Bộ về kỳ thi và tuyển sinh sẽ như thế nào?
Hai năm qua, Bộ đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy theo tinh thần Nghị quyết số 29. Từ bốn đợt thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi năm trước đây nay chỉ còn một kỳ thi duy nhất với hai mục đích.
Việc tổ chức một kỳ thi với hai mục đích như hiện nay được thực hiện theo đúng Luật Giáo dục quy định xét tốt nghiệp THPT và đúng Luật Giáo dục Đại học quy định quyền tự chủ tuyển sinh của các nhà trường.
Mặc dù nỗ lực đổi mới thi tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được ghi nhận, nhưng đúng là vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Băn khoăn phổ biến nhất là khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khác nhau.
Thứ hai, xã hội băn khoăn rằng trên thực tế chỉ có khoảng 60-70 trường ĐH có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường ĐH, CĐ, vậy có cần thiết tổ chức thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường?
Thứ ba, nhiều người cũng đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức thi theo kiểu truyền thống như hiện nay hay chuyển sang phương thức thi hiện đại hơn theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của thí sinh với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin?
Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã nhận được văn bản của các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo.
Thống kê sơ bộ thì nhiều Sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; trong khi đó các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. Bộ GD&ĐT đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!