Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
không chỉ xét trình độ chuyên môn đầu vào, mà còn cả đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp.
Trên đây một trong những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa tại Hội nghị giao ban cụm thi đua số 9 của ngành giáo dục 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ) diễn ra sáng nay 4/3 tại Đà Nẵng.
Hội nghị giao ban Giáo dục - Đào tạo cụm 5 thành phố trực thuộc Trung ương vừa diễn ra tại Đà Nẵng sáng 4/3
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ GD-ĐT ghi nhận những điểm sáng của ngành GD ở 5 TP trực thuộc Trung ương trong quy hoạch mạng lưới trường lớp; ứng dụng công nghệ thông tin (ví dụ: tổ chức tuyển sinh trực tuyến giảm áp lực cho phụ huynh khi không phải xếp hàng, chen lấn nhau đến mức xô đổ tường trường học để nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp cho con em); chú trọng giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động giáo dục; tăng cường hội nhập quốc tế trong hoạt động giáo dục - đào tạo tại các trường học ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, ngành GD ở các thành phố lớn cũng chịu không ít áp lực như vấn đề nhập cư, quy mô mạng lưới trường lớp lớn, khó kiểm soát bao quát. Do đó, Thứ trưởng Nghĩa chỉ đạo ngành GD ở cụm thi đua số 9 bao gồm 5 TP trực thuộc Trung ương làm tốt công tác quản lý; tăng cường thanh kiểm tra thường xuyên chứ đừng để xảy ra sự cố rồi mới tiến hành thanh, kiểm tra; đảm bảo thực thi đúng luật nhà giáo, thể hiện rõ trách nhiệm của lãnh đạo trường học chứ đừng để xảy ra vụ việc thì đình chỉ công tác giáo viên là xong thì mới chỉ xử lý vụ việc ở phần ngọn; hạn chế các cuộc thi không cần thiết của các công ty, doanh nghiệp đưa vào trường học gây tốn kém, vất vả không đáng có, tạo áp lực cho học sinh...
Điểm lại các vụ việc gần đây như vụ học sinh bị gãy chân ở trường Nam Trung Yên, vụ bạo hành trẻ ở điểm mầm non Sen Vàng..., Thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh ngành giáo dục ở các địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên không chỉ xét trình độ chuyên môn đầu vào, mà còn cả đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp. Song song đó là đẩy mạnh dân chủ trong trường học.
Lãnh đạo ngành GD cũng nêu lại việc cán bộ, giáo viên xếp hàng chờ hiến máu cho em học sinh cấp 2 bị ngã từ tầng 4 của trường học xuống là một hình ảnh rất nhân văn trong môi trường giáo dục, trường học.
“Khi mà ngành giáo dục có những việc tốt như thế thì dư luận xã hội người ta cũng công nhận, nâng cao uy tín, hình ảnh của ngành” - Thứ trưởng Nghĩa nói khi nêu lại việc hàng trăm giáo viên ở TP. Hạ Long xếp hàng chờ hiến máu cho học sinh gặp nạn.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng - Trưởng cụm thi đua số 9 đại diện ngành GD ở 5 TP trực thuộc Trung ương đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét 20 kiến nghị; trong đó có các kiến nghị Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ trong các đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục; bộ tiêu chí để xây dựng mô hình trường học chất lượng cao; trong việc triển khai thông tư 22 cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao sự đồng thuận trong dư luận xã hội; sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể về thực hiện tự chủ trong trường học; đầu tư cơ sở vật chất, biên chế giáo viên tư vấn tâm lý học đường...; phương án tổ chức đảm bảo an toàn cho kỳ thi THPT quốc gia.
Đề thi THPT quốc gia đảm bảo mục đích xét tốt nghiệp phổ thông cho học sinh trước
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện Bộ GD-ĐT cũng chia sẻ thông tin về chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, cho biết, đề thi THPT quốc gia được xác định đảm bảo mục đích xét tốt nghiệp phổ thông choc học sinh trước; rồi mới xét đến căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng. Do đó không phải lo lắng quá mức về việc đề thi quá tầm học sinh.
Bộ cũng có ngân hàng đề thi trắc nghiệm với sự tham gia biên soạn của 1.600 giáo viên trong cả nước để các trường học, học sinh tham khảo, ôn tập. Lãnh đạo Bộ lưu ý các trường có thể tổ chức cho học sinh thi thử theo phưng án thi mới nhưng không lấ điểm số đưa vào điểm kiểm tra gây áp lực cho học sinh.
Trong học kỳ 2 năm học 2016 - 2017, lãnh đạo Bộ cũng đặc biệt nhấn mạnh lại việc không được cắt xén chương trình dạy học, chỉ tập trung vào các môn thi ở các khối lớp cuối cấp.