Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội sáng ngày 12/9 (Ảnh: Bùi Tuấn)
Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.
Trong báo cáo với Thủ tướng về tình hình hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN), Giám đốc Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất với Thủ tướng nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách nhất của ĐH QGHN hiện nay là tháo gỡ vướng mắc của dự án ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc vì dự án đã được triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay chưa xong.
Cụ thể, Giám đốc ĐH QGHN Nguyễn Kim Sơn đề xuất, chuyển giao Dự án ĐH QGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng về ĐHQG Hà Nội, đồng thời ủy quyền quyết định đầu tư cho ĐHQG Hà Nội; Đề nghị chỉ đạo bộ ngành liên quan và UBND TP Hà Nội phối hợp giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây dựng một số công trình công cộng tại Hòa Lạc, giao quyền sử dụng đất cho ĐHQG Hà Nội tại nơi giải phóng mặt bằng.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch dự án; tăng cường ngân sách giải phóng mặt bằng và tái định cư. Theo ông Sơn, dự kiến kinh phí để giải phóng 25% mặt bằng còn lại cần khoảng 1.200 tỉ đồng.
Đồng thời, ông Sơn đề nghị Thủ tướng phê duyệt dự án vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để xây dựng ĐH Việt - Nhật tại Hòa Lạc. Chính phủ ban hành quy chế đặc biệt cho dự án ĐHQG Hà Nội như đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc...
Thủ tướng xem mô hình Dự án ĐH QGHN tại Hòa Lạc (ảnh: Bùi Tuấn)
Tại buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của thầy, trò ĐH QGHN đã đổi mới đi đúng hướng hiện đại hóa, được dư luận quốc tế đánh giá tốt. ĐH QGHN đã phát huy quyền tự chủ trong hoạt động. Đặc biệt, vấn đề Khởi nghiệp đã hoạt động mạnh mẽ. Theo thống kê số lượng khởi nghiệp của ĐH QGHN cao nhất trong các trường ĐH. Đồng thời đã quy tụ những nhân tài ở lại xây dựng nhà trường...
Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với ĐH QGHN cần thảo luận và giải quyết từng bước, nhất là đối với giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục ở Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước đều cho rằng muốn phát triển đất nước phải đổi mới giáo dục đào tạo và coi đây là cội nguồn để đưa đất nước tiến lên. Do đó, tầm nhìn của các đồng chí lãnh đạo là phải đi lên từ giáo dục, trong đó ĐHQGHN đóng vai trò then chốt, quan trọng trong hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học.
Thủ tướng tin tưởng và kỳ vọng vào ĐHQGHN dẫn dắt hệ thống đại học trong đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Chính phủ chủ trương xây dựng khu đô thị đại học tại Hà Nội mà trong đó ĐHQGHN đóng vai trò nòng cốt.
“Sau này, đại học nào muốn gia nhập ĐHQGHN trên tinh thần tự nguyện, cùng hợp tác thì chúng ta càng hoan nghênh”- Thủ tướng nói.
Ngay sau buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp thực tế đến thăm cơ sở ĐHQGHN tại Hòa Lạc và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc(ảnh: Bùi Tuấn)
Trước kiến nghị của ĐHQGHN và nghe ý kiến của các thành viên đoàn công tác, Thủ tướng cho biết, ngay sau cuộc làm việc, xuống trực tiếp hiện trường thị sát công tác xây dựng dự án để đưa chủ trương, quyết tâm có một khu đô thị đại học thành hiện thực, chứ không phải “cứ ngồi hội trường bàn mãi”.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của ĐH QGHN là chuyển giao dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN. Đồng thời ủy quyền quyết định là chủ đầu tư cho ĐHQGHN; cho phép ĐHQGHN được quyền điều chỉnh các quy hoạch và dự án thành phần chi tiết 1/500 phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Thủ tướng cũng đồng ý bổ sung vốn đầu tư để GPMB xây dựng đô thị đại học; đồng ý việc lập dự án vay vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) theo cơ chế cấp phát để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, cấp bách cho ĐHQGHN tại Hòa Lạc; đồng ý phê duyệt dự án vay ODA từ Nhật Bản cho việc xây dựng Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội chỉ đạo Huyện Thạch Thất tập trung tối đa cho việc giải phóng mặt bằng với lộ trình cụ thể và tái định cư cho dự án, chống lấn chiếm và xây dựng trái phép. Đồng ý sẽ có cơ chế riêng cho việc tái định cư.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất có cơ chế đặc thù cho dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Theo đó, cơ chế phải thể hiện tầm nhìn, định hướng tốt.
Thủ tướng cho biết, quyết tâm xây dựng đô thị đại học tại Hà Nội mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Trong đó, xây dựng cơ sở vật chất của ĐHQGHN là nòng cốt của đô thị đại học, nhưng luôn gắn với chất lượng, uy tín, vị thế để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Trong xếp hạng quốc tế của ĐHQGHN có bước phát triển nhanh chóng, từ nhóm 250 năm 2010 theo Bảng xếp hạng QS châu Á, đến năm 2014, ĐHQGHN đã nằm vào nhóm 161-170, năm 2015 tiếp tục duy trì trong nhóm 151 - 200 và năm 2016 đứng thứ 139 các trường đại học hàng đầu châu Á; một số lĩnh vực của ĐHQGHN nằm trong nhóm 100 các trường đại học hàng đầu châu Á.
Bên cạnh việc công bố 560 bài báo ISI, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã có 02 công trình khoa học được đăng trên tạp chí Nature hàng đầu thế giới (năm 2013 và 2016); 12 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận.
Hiện tại, ĐHQGHN có 8 phòng thí nghiệm trọng điểm, 23 nhóm nghiên cứu mạnh, đã thực hiện 7 dự án lớn trong nước và 7 dự án lớn quốc tế.
Tính đến nay, trong tổng số 3.997 công chức, viên chức và lao động hợp đồng của ĐHQGHN có 2.212 cán bộ khoa học, trong đó 19,8% có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư; 49,5% có trình độ Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học (riêng đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế đạt trên 70%); có 87 Nhà giáo Nhân dân và gần 200 Nhà giáo Ưu tú; tỉ lệ giảng viên cơ hữu/sinh viên đạt: 1/15, gần đạt tiêu chí của ĐH nghiên cứu.