Trên cơ sở khoa học GD, GS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã có những trao đổi với phóng viên báo GD&TĐxung quanh những điều chỉnh trong đánh giá HS, nhân dịp Thông tư có hiệu lực thực thi.
Vai trò quan trọng của người giáo viên
Thưa GS.TS Phạm Hồng Quang, ông có thể giúp cho bạn đọc hiểu hơn về những kết quả tốt đẹp của việc đánh giá HS không bằng điểm số?
Nguyên tắc của đánh giá là dựa trên những bộ quy chuẩn. Trên nhiều khía cạnh khác nhau, xét ở góc độ thành tích, nhiều người mong muốn tất cả HS đều đạt chuẩn, xét về mặt lợi ích thì mọi người học cũng đều có mong muốn như vậy.
Tuy nhiên, trên thực tế mỗi HS là một chủ thể, nhân cách độc lập, cái khó là đánh giá những chủ thể đó. Đây là cái khó của GD. Điểm xuất phát mỗi HS đều khác nhau như nhận thức, tâm lý, xu hướng, năng lực, xét cho cùng ở từng môn học cũng tương tự như vậy.
Muốn đánh giá năng lực của 10 HS thì trong đó, ít nhất phải có mấy nhóm khác nhau. Các nhóm đó có thể cao hơn, thấp hơn, chính vì vậy một trong những nguyên tắc chúng ta phải duy trì là đánh giá vì sự tiến bộ của người học.
Lấy hình ảnh sau làm ví dụ: 10 HS cùng leo một chuỗi cầu thang, có 7 em là số đông leo bình thường, nhưng có 2, 3 em bị khuyết tật chỉ leo đến 5, 7 bậc, chúng ta động viên các em leo tiếp, đấy là sự tiến bộ, cần tôn vinh.
Một hai em nữa có điều kiện thể chất bình thường, nhưng trong suy nghĩ, trong cảm giác, trong nhận thức, các em có thể sợ hãi, chúng ta động viên, các em từng bước hoàn thành leo cầu thang. Như vậy có ba nhóm khác nhau, chúng ta phải chú ý đến nhóm đặc biệt này, trong dạy học gọi là dạy học phân hóa.
Đánh giá HS đòi hỏi ở kỹ thuật đánh giá, công cụ đánh giá của giáo viên rất nhiều; công tác này hiện nay được sự hỗ trợ tối đa từ công nghệ, những công việc rất quan trọng đảm bảo tính khách quan, công bằng trong kiểm tra, đánh giá. Nhưng còn ý nữa là cái tâm, là trách nhiệm của người thầy, trước đánh giá, trong đánh giá và sau đánh giá.
Đặc biệt là trong đánh giá, có thể kết quả không cao nhưng chúng ta phải có trách nhiệm, có suy nghĩ để làm sao HS yếu kém không quá hổ thẹn, có ý chí để vươn lên (đánh giá có tác dụng thúc đẩy); làm sao để các em đang ở trên đỉnh vinh quang không kiêu ngạo tự phụ, tìm một con đường khác để vươn cao hơn nữa, đấy là tính nhân văn của phương pháp đánh giá. Trong đánh giá HS hiện nay, hai khía cạnh trên đây phải được những người thầy hết sức trân trọng.
Còn một điều nữa, trong kiểm tra, đánh giá cần hạn chế việc phân loại người này hơn người kia. Mỗi người đều có một thế mạnh khác nhau, điều này giống như trong một lớp học, một HS có thể làm thơ rất hay, em khác có thể giải toán sáng tạo, hay em khác có thể vẽ rất đẹp.
Nói như vậy để thấy được rằng trong đánh giá kết quả của HS, chúng ta phải trân trọng năng lực của các em, đấy mới là giá trị của đánh giá.
Nhiều khi không thể so sánh vẻ đẹp của bức tranh với một câu thơ hay các em vừa làm. Chính vì vậy không thể so sánh kết quả làm việc một cách tuyệt đối được mà phải tạo cho HS một niềm hứng khởi và nhà GD phải tạo được niềm hứng khởi cho HS thông qua đánh giá.
Những điều chỉnh hợp lý gắn với thực tiễn
Vậy GS có nhận xét như thế nào về Thông tư 22 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 30) đã được Bộ GD&ĐT ban hành và chính thức đưa vào đánh giá HS tiểu học từ ngày 6/11?
- Thông tư 22 về đánh giá HS tiểu học, sửa đổi, bổ sung Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, giảm những áp lực ghi chép của giáo viên.
Có một thực tế mấy năm trước khi mới thực hiện đánh giá HS không bằng điểm số theo Thông tư 30, bản thân HS và gia đình chưa thấy sự tiến bộ ở ngưỡng nào để phấn đấu. Mô hình lớp học quá đông cũng đã gây khó khăn nhất định cho việc đánh giá HS.
Những hạn chế này đã được khắc phục trong Thông tư 22 sửa đổi, đã hướng đến mô hình có thể nói là hài hòa giữa đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét, không bằng điểm số. Ít nhiều thông qua mô hình, phương pháp đánh giá này bản thân HS, gia đình đã nhận ra được sự tiến bộ của quá trình học để có đích tiếp theo để phấn đấu, đấy là điểm cốt lõi mà Thông tư 22 đã tiếp cận được.
Thông tư 22 đã có những chỉ dẫn cụ thể hơn, giảm được áp lực, giúp cho giáo viên có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Có thể thấy rằng toát lên từ Thông tư 22 là những giá trị nhân văn, giá trị GD thúc đẩy quá trình phát triển, đây là giá giá trị quan trọng nhất mà Thông tư 22 đã kế thừa và tiếp tục phát huy từ Thông tư 30.
Chúng ta có thể nói về phương pháp đánh giá có thể thay đổi về mặt kỹ thuật nhưng ý nghĩa GD của Thông tư 30 vẫn được bảo tồn. Chắc chắn, trong quá trình thực hiện, những nhà giáo, cán bộ quản lý cảm được hết những giá trị nhân văn sâu sắc của phương pháp đánh giá này sẽ có những hành động tốt hơn, triển khai thực hiện tốt hơn việc đánh giá theo Thông tư 22.
Theo GS, làm thế nào để chuyển tải những ý nghĩa tốt đẹp trên đây đến với các bậc cha mẹ HS và các tầng lớp nhân dân trong xã hội để họ hiểu rõ hơn và có sự đồng thuận với những công tác ngành đang thực hiện?
- Đối với dư luận xã hội, có thể nói lo lắng là tâm trạng chung. Tuy nhiên điều cần thiết ở đây là phải coi trọng tính chuyên nghiệp của ngành; nếu con ốm phải gặp bác sĩ, phải vào bệnh viện khám chữa bệnh, nhờ vào kết luận khoa học của các nhà chuyên môn.
Ở đây, khi con ốm lại tìm đến những người không có chuyên môn để được khám chữa bệnh là rất nguy hiểm. Với dư luận xã hội chúng ta lắng nghe, thấu hiểu như khi các thầy cô giáo trải nghiệm hoạt động đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 22, dần dần xã hội sẽ hiểu được giá trị đích thực của đánh giá, đó là vấn đề nhân văn sâu sắc, thúc đẩy, coi trọng sự tiến bộ của người học.
Khi giá trị nhân văn ấy được lan tỏa, hình thành trong thực tiễn, chắc chắn trong xã hội từ người hiểu sâu về GD đến những người chưa thấu hiểu được những việc ngành đang thực hiện đều cảm thấy điều này hoàn toàn đúng, có niềm tin. Đây là điều rất quan trọng khi xã hội tin thì giá trị sẽ được lan tỏa.
Khi xã hội chưa hiểu, chưa tin thì với tư cách là nhà khoa học GD, chúng ta phải phân tích, chỉ dẫn, chứng minh cho xã hội hiểu được giá trị của phương pháp đánh giá mới này, giải tỏa được tâm lý của cả xã hội tin vào cách làm của ngành.
Xin cảm ơn Giáo sư!
“Nếu không tạo được niềm hứng khởi thì kết quả đánh giá sẽ rơi vào cái ô thành tích, kết quả chỉ dành cho người dạy chứ không dành cho sự tiến bộ của người học. Bài toán chống bệnh thành tích hình thức là bài học lớn trong GD, thông qua phương pháp kiểm tra đánh giá”.
GS.TS Phạm Hồng Quang