Thứ trưởng Bùi Văn Ga
- Số thí sinh bị đình chỉ thi chủ yếu ở cụm thi đại học khiến nhiều người nghi ngờ cụm thi tốt nghiệp không nghiêm túc. Bộ giải thích thế nào về việc này?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chúng tôi đi thanh tra thấy rằng mức độ nghiêm túc ở cụm thi tốt nghiệp tương đương cụm thi đại học, cùng có một giám thị đại học coi thi với giám thị của Sở.
Chúng ta duy trì cụm thi tốt nghiệp vì tính nhân văn tạo điều kiện cho thí sinh không có mục đích vào đại học, cao đẳng được thi tốt nghiệp ngay tại địa phương, không phải đi lại nhiều.
14 tỉnh thành năm nay không có cụm thi tốt nghiệp, tôi tin con số này chắn chắn sẽ tăng dần. Chúng ta không nên nghi ngờ tính nghiêm túc của cụm thi tốt nghiệp.
- Tại sao Bộ không giao thi tốt nghiệp cho các địa phương và thi đại học cho các trường đại học?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thành công của kỳ thi năm nay là phép thử về việc tổ chức kỳ thi cho các địa phương. Sau kỳ thi này, Bộ sẽ bàn với các ngành, các địa phương, căn cứ thực tiễn trong những năm gần đây để quyết định phương thức thi, tuyển sinh trong năm sau. Việc đổi mới thi sẽ trên tinh thần tôn trọng quyền tự chủ của các đại học, để các trường tự chủ việc thi, xét tuyển.
Những năm qua do các trường đại học chưa đủ năng lực nên Bộ Giáo dục vẫn phải đứng ra tổ chức kỳ thi chung cho tất cả các trường. Nhưng thực tế, hai năm qua ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực rất thành công. Chúng ta tiến tới bảo đảm có một kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng nhất, còn xét tuyển đại học giao các trường tự chủ.
Năm 2017, sau khi thảo luận, bàn với các trường, các sở, lấy ý kiến các nhà khoa học, kỳ thi sẽ tiếp tục được đổi mới để có một kỳ thi nhẹ nhàng nhất cho thí sinh, xã hội. Phương thức nào thì Bộ sẽ công bố sớm, có thể ngay vào đầu năm học 2016-2017 để thí sinh kịp thời học tập, ôn luyện. Còn hiện chưa thể khẳng định phương thức thi nào cho năm tới.
- Đề thi tính mở ngày càng cao, Bộ định hướng gì trong thời gian tới để thí sinh có thể thay đổi cách học, cách ôn luyện?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đề thi trong những năm qua có những bước cải tiến rất mạnh so với thi “3 chung” trước đây, minh chứng là mô hình lò luyện thi gần như đã bị loại bỏ. Thí sinh không phải học thuộc nhiều mà đòi hỏi liên hệ, vận dụng kiến thức thực tế. Vì lẽ đó việc này đã hạn chế được quay cóp, gian lận.
Đề thi bảo đảm cả hai mục đích xét tốt nghiệp và xét vào đại học là không hề dễ, cần phải có lộ trình đổi mới dần dần, tránh gây sốc cho thí sinh. Đề thi sẽ tiếp tục được đổi mới trong các năm tới.
- Khi đề mở thì hướng dẫn chấm thi sẽ theo hướng mở hay theo barem?
- Cục trưởng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh: Đề mở nhằm hướng đến đánh giá năng lực của học sinh, tăng cường vận dụng kiến thức thực tiễn. Thí sinh có thể thể hiện quan điểm, suy nghĩ, tình cảm trong các vấn đề mà đề thi đề cập. Nếu không vi phạm thuần phong mỹ tục, không trả lời sai câu hỏi thì mọi sáng tạo, ý tưởng của thí sinh đều được chấm điểm.
- Về ý thơ trong đề thi môn Văn đang tiếp tục gây tranh cãi dù Bộ Giáo dục khẳng định đúng theo nguyên bản của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Bộ nói gì về điều này?
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Cuốn sách mà tổ ra đề sử dụng để trích dẫn đoạn thơ được xuất bản năm 1985, khi cố nhà thơ còn sống. Đó là tài liệu đáng tin cậy.
Với việc đọc hiểu trong đề thi ngữ văn, ngữ điệu đưa vào đề thi rất quan trọng. Tôi khẳng định, ngữ điệu trong đề thi văn năm nay hay, bảo đảm chính xác, tin cậy. Cuốn sách Bộ dùng để làm tư liệu ra đề văn có ở thư viện quốc gia, nên việc trích dẫn là chính xác.
|
Cục trưởng Mai Văn Trinh. Ảnh: Dương Triều
|
- Công tác xét tuyển sẽ thay đổi thế nào để không xảy ra lộn xộn “như sàn chứng khoán”?
- Cục trưởng Mai Văn Trinh: Phần mềm phục vụ xét tuyển đã được xây dựng xong, được chạy thử, vận hành tốt. Bộ cũng đã yêu cầu các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên phải chuẩn bị hệ thống máy tính để hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển.
Việc xét tuyển sẽ kết thúc sớm hơn một ngày, để dành một ngày cho thí sinh nào nhỡ chưa kịp đăng ký xét tuyển có thể hoàn tất mà không bị rối loạn trong thời điểm cuối.