Chúng tôi xin đăng tải một status của anh Káp Thành Long, hiện đang học Master of Global Media Communication tại The University of Melbourne, một trong những đại học hàng đầu của Australia.
Dưới đây là bài viết của anh Káp Thành Long đưa lên Facebook cá nhân chiều 9/4 (giờ Việt Nam).
Hôm nay biết tin Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ được bầu làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, mình thấy nhen lên hi vọng.
Là người đứng đầu Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi đang có những cải tiến mạnh mẽ về nghiên cứu và đào tạo, ông có thể áp dụng những kinh nghiệm trong việc điều hành một trong những đại học lớn nhất cả nước vào việc cải tiến nỗi bức xúc về giáo dục đại học của Việt Nam. Bắt đầu từ công tác tuyển sinh: Đại học Quốc gia Hà Nội
đã có cách tuyển sinh khoa học và hiệu quả, vốn đang được nhiều trường học tập.
Điều đáng hi vọng hơn, với trải nghiệm từng học ở Anh và Mỹ, ông Phùng Xuân Nhạ có nhiều khả năng sẽ áp dụng những chính sách tiến bộ về giáo dục của các nước này vào đổi mới nền giáo dục nước nhà. Việc tuyển sinh sẽ đơn giản, công bằng và ổn định hơn.
Với kinh nghiệm về hợp tác quốc tế trong giáo dục, hi vọng ông sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế và giáo dục trực tuyến để sinh viên Việt Nam có thêm cơ hội được học với nhiều giáo sư giỏi của nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy hoặc qua môi trường Internet.
Đặc biệt, chắc chắn hơn ai hết ông hiểu rằng ngoại ngữ sẽ là cánh cửa để hòa mình vào dòng chảy tri thức toàn cầu. Ông sẽ đưa ra những quyết sách chiến lược về dạy và học ngoại ngữ để những đứa trẻ nghèo ở Sơn La, Hà Giang, Cà Mau cũng có thể học được những bài giảng của giáo sư hàng đầu thế giới ở Anh, Mỹ qua môi trường Internet. Chỉ cần người học có ngoại ngữ.
Tôi tâm đắc với góc nhìn của ông đối với giáo viên khi ông trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội. Chúng ta cần có chính sách để tuyển những người giỏi học ngành sư phạm, để tạo ra một thế hệ giáo viên tài năng và tâm huyết.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra chiến lược: Đào tạo - Tuyển dụng - Hỗ trợ giáo viên để tạo nên những “great teacher”. Trong bài phát biểu với chủ đề “Teaching our Kids in 21 st Century Economy" từ năm 2005, Barack Obama, khi đó mới là thượng nghị sĩ, nói: “After we recuit great teacher, we need to pay them better” và “Teachers don’t just need more pay, they need more support”.
Bây giờ ngành sư phạm ở Việt Nam đang khó tuyển người tài vì lương giáo viên thấp quá, và họ cũng thiếu những hỗ trợ cần thiết.
Mẹ tôi đã có hơn 20 năm bám bản dạy cho trẻ em người dân tộc thiểu số ở Hoà Bình với đồng lương còm cõi, nhưng niềm vui của bà là những bài làm xuất sắc của những đứa trẻ nghèo. Bà từng bị học trò nghịch ngợm bỏ rắn vào nón nhưng bà vẫn trèo đồi lội suối đến từng gia đình cho các em tới trường.
Đi viết bài về giáo viên bám bản ở Sa Pa (Lào Cai), tôi cũng hiểu rằng chính những giáo viên người bản địa vốn lớn lên với làng bản, sau khi được đào tạo ở những trường đại học nơi thành phố, họ trở về và sẽ làm tốt hơn ai hết, việc truyền lại kiến thức cho chính con cháu họ đang ở những bản làng xa xôi.
Hàng ngàn giáo viên bám bản ở miền núi hay những thầy cô giáo ở nông thôn, vẫn đang nhận những đồng lương còm cõi, và sự hỗ trợ còn quá ít ỏi so với nhu cầu và những gì họ đã cống hiến.
Giáo viên Việt đúng là đang rất rất cần “more pay” và “more support”.
Những quyết sách của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai đất nước trong 10 - 15 năm tới. Một đất nước có tương lai hay không, hãy nhìn vào nền giáo dục ở quốc gia đó. Nhìn vào Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore để thấy rằng lịch sử phát triển một quốc gia đến thịnh vượng không thể tách rời sự phát triển của nền giáo dục tại quốc gia đó.
Hàng triệu học sinh, sinh viên và gia đình mỗi học sinh sinh viên đó cũng đang mong chờ sự đổi mới căn bản của ngành giáo dục, để hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho nguồn nhân lực Việt Nam.
Vẫn biết làm mới khó, nhưng tôi tin rằng tân Bộ trưởng là con người hành động.