Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Công đoàn giáo dục Việt Nam; các cục, vụ, viện, văn phòng Bộ GD&ĐT; đại diện các trường đại học sư phạm, các khoa sư phạm và lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT trong cả nước.
Cách làm mới và hiệu quả mới
Tại hội nghị, Văn phòng Bộ và các cục/ vụ chức năng đã có những báo cáo cụ thể, chi tiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ theo kết luận của Bộ trưởng tại buổi làm việc với Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố; công tác phối hợp truyền thông với các Sở GD&ĐT; công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; sơ kết đánh giá công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp; công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất; tình hình thực hiện nhiệm vụ học kỳ I và nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2016 - 2017 về giáo dục mầm non, tiểu học và trung học.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016 – 2017, trong đó đưa ra rất rõ 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã trực tiếp làm việc với Giám đốc Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành và đưa ra 10 nhiệm vụ cụ thể. Nhìn chung, các Sở GD&ĐT đã phối hợp với các cục, vụ, văn phòng thực hiện nghiêm túc kết luận của Bộ trưởng.
Đánh giá cao công tác phối hợp thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia 2016, khi chia sẻ về kết quả học kỳ I năm học 2016 - 2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời nhắc đến phối hợp trong chỉ đạo để chỉnh sửa một số văn bản quản lý điều hành, trong đó có Thông tư 22, tạo ra thay đổi đáng kể trong đánh giá học sinh tiểu học. Cùng với đó, rà soát lại một số mô hình mới, ví dụ như VNEN và có những điều chỉnh phù hợp...
Ngoài ra, quan hệ trao đổi thông tin và phối hợp giữa các Sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT có chuyển biến tích cực; đã hình thành một cách phối hợp trong quản lý.
Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết có kế hoạch đi đến hết 63 tỉnh thành để trực tiếp làm việc với lãnh đạo địa phương về các vấn đề giáo dục.
“Có trực tiếp đi, làm việc thì những vấn đề giáo dục của từng địa phương mới rõ; theo đó mới có phối hợp chỉ đạo hiệu quả. Nếu chỉ văn bản chung chung thì không sát được” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế; trong có những hạn chế đáng lẽ chúng ta có thể làm tốt hơn như công tác trao đổi thông tin báo cáo; việc chủ động rà soát, báo cáo các vấn đề của địa phương cho Bộ trưởng làm chưa tốt…
|
Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 khối Sở GD&ĐT |
Tiếp tục tập trung vào những vấn đề căn cốt
Tại hội nghị, nhiều nội dung quan trọng của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đã được đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT chia sẻ như vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ, đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, quy hoạch mạng lưới trường lớp, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017…
Những vấn đề này được Bộ trưởng trực tiếp trao đổi lại; đồng thời Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, đại diện lãnh đạo các cục, vụ đều có những ý kiến lưu ý rất cụ thể đến các địa phương.
Nhiệm vụ trong 6 tháng sắp tới, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát 10 nhiệm vụ theo kết luận của Bộ trưởng tại buổi làm việc với các giám đốc Sở GD&ĐT, bám sát vào 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trong Chỉ thị đầu năm học.
Cần khắc phục ngay những hạn chế, như xây dựng kế hoạch truyền thông, rà soát lại với các địa phương đã có kế hoạch; Giám đốc Sở phải trực tiếp phụ trách truyền thông.
Bên cạnh đó, phải quan tâm sâu sắc đến vấn đề giáo viên. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, gắn kết các trường sư phạm với các Sở và các trường CĐ thành một chuỗi.
Chương trình đào tạo sư phạm các cấp sẽ tiến tới một chương trình chuẩn, thống nhất, gắn với chương trình, SGK mới. Các trường sư phạm phải căn cứ vào chương trình này để soạn, đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại… đội ngũ giáo viên hiện có và chỉ giao một số cơ sở đào tạo có uy tín...
Về điều kiện về trường lớp, thiết bị, Bộ trưởng cho rằng, ngân sách trung ương rất khó khăn, mặc dù Chính phủ cố gắng ưu tiên cho giáo dục, nhưng phải đặt vấn đề chia sẻ trung ương, địa phương và xã hội, còn tập trung kinh phí cho các tỉnh khó khăn. Tổng kinh phí vẫn có thể là 20% ngân sách, nhưng cơ cấu lại theo hướng tập trung nhiều cho vùng khó khăn, hoặc đầu tư vun cao.
Riêng thời gian mấy tháng cuối năm học và trong năm 2017, Bộ trưởng đề nghị đặt trọng tâm bồi dưỡng đội ngũ CBQL, mà trước hết là giám đốc, phó giáo đốc các Sở GD&ĐT.
Bộ trưởng giao Học viện Quản lý giáo dục nhanh chóng xây dựng các chuẩn, trước mắt có một số lớp bồi dưỡng, cung cấp thông tin quản lý, để làm sao công tác thông tin, nắm bắt tình hình và kỹ năng điều hành của đội ngũ này được tăng cường.
Cùng với đó là vấn đề thi THPT quốc gia, Bộ trưởng nhấn mạnh làm sao kỳ thi thực hiện đúng mục đích, khách quan, công bằng, gọn nhẹ.
Người đứng đầu ngành Giáo dục đề nghị Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ Giáo dục Trung học phối hợp với các cục vụ liên quan xây dựng các hướng dẫn chi tiết, cả về kế hoạch cũng như nội dung từng công việc và nhiệm vụ để các giám đốc Sở rõ và có chương trình huấn luyện, theo hướng cán bộ cốt cán để lãnh đạo giáo dục ở các địa phương có thể thay Bộ trưởng trả lời những vấn đề rất căn bản.