Ảnh minh họa/internet
Nội dung này được TS. Tào Thị Hồng Vân chia sẻ trong tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm".
Bài học thứ nhất mà Việt Nam có thể rút ra từ kinh nghiệm hỗ trợ giáo viên trên phương diện lý thuyết cũng như thực hành của Malaysia là họ đã tuân theo một quy trình hỗ trợ giáo viên trẻ ở phương diện các cấp từ trung ương đến cơ sở với các hình thức: hỗ trợ, đánh giá, theo dõi và động viên khuyến khích vai trò tư vấn hỗ trợ.
Để làm tốt vai trò hỗ trợ cho giáo viên trẻ, ngay từ cấp cơ sở (các trường phổ thông) phải có sự phân công rõ ràng người tư vấn cho giáo viên trẻ, để họ biết được ai là người hướng dẫn mình, họ có quyền được hỗ trợ một cách công khai và có trách nhiệm.
Điều này ở Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Qua một số nghiên cứu cho thấy giáo viên trẻ ở không ít các trường phổ thông còn tự mày mò tìm tư vấn với góc độ cá nhân, cảm thấy ai có kinh nghiệm thì đến nhờ chia sẻ.
Họ còn rụt rè, không dám chia sẻ với đồng nghiệp vì sợ lộ sự yếu kém của mình và cảm thấy lúng túng khi giải quyết khó khăn về kiến thức chuyên môn cũng như các phương pháp giảng dạy, các kỹ năng quản lý học sinh.
Điều này được minh chứng khi phỏng vấn giáo viên có kinh nghiệm cho biết giáo viên trẻ rất ngại chia sẻ với giáo viên có kinh nghiệm, họ còn e dè và thiếu chủ động trong việc tiếp cận đồng nghiệp.
Bài học thứ hai được đề cập ở đây là: Bộ Giáo dục và các cơ quan của Malaysia hướng tới việc đào tạo và đào tạo lại giáo viên để hoàn thành tầm nhìn và sứ mệnh của mình.
Các giáo viên ở Malaysia lấy sứ mệnh làm động lực để nâng cao năng lực kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học và nuôi dưỡng “những mầm ươm tương lai” trong số các sinh viên của họ.
Các biện pháp đã được thực hiện bởi Chính phủ để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để được ngang hàng với thực tiễn quốc tế tốt nhất.
Bộ Giáo dục và các cơ quan của Malaysia đã xem sự phát triển chuyên môn liên tục (CDP) và đào tạo tại chỗ (In-SeT) cũng là những khía cạnh quan trọng để duy trì tính nghề nghiệp của giáo viên tại Malaysia.
Chính phủ đã dành một phần đáng kể ngân sách giáo dục mỗi năm để thực hiện đào tạo tại chỗ cho giáo viên nói chung và giáo viên trẻ nói riêng.
Bài học thứ ba chính là tạo ra mối quan hệ khăng khít giữa nhà tư vấn và giáo viên trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Mối quan hệ này là một trong những yếu tố quan trọng cho việc hỗ trợ giáo viên trẻ.
Bài học thứ tư: Trong quá trình tư vấn lĩnh vực mà nhà tư vấn cần quan tâm hỗ trợ giáo viên trẻ đó là kiến thức về bối cảnh (biết làm thế nào để giải quyết nhu cầu học tập của học sinh phù hợp với sự khác biệt về xã hội, văn hoá và ngôn ngữ) chứ không đơn thuần là kiến thức về môn học và kiến thức sư phạm tổng hợp như những gì mọi người vẫn nghĩ thể hiện rõ trong kết quả bài báo.
Việc tư vấn cá nhân từ giáo viên có kinh nghiệm cho giáo viên trẻ trong cùng một trường học là một cách thiết thực để nâng cao trình độ các giáo viên trẻ và giúp họ trở thành những người thực hành có hiệu quả trong một thời gian ngắn hơn thông qua phát triển kiến thức sư phạm.