Bước 1: Lựa chọn những đoạn văn, chi tiết, tiêu biểu… trong các tác phẩm văn xuôi được học để ra đề bình giảng.
Bước 2: Học sinh làm bài dưới nhiều hình thức (trên lớp hoặc ở nhà, tùy từng điều kiện ôn tập, tùy từng dạng đề)
Bước 3: Chấm chữa bài:
Cô Lê Thị Biên nhấn mạnh: Đây là khâu hết sức quan trọng, đòi hỏi
giáo viên cũng phải chuẩn bị kỹ đáp án bình giảng của mình, phải có độ
ngấm sâu, để đánh giá bài viết cho các em, sao cho có tính thuyết phục.
Đối với học sinh lớp 11, 12, sau khi đã thành thục kỹ năng, giáo viên
có thể sử dụng hình thức tráo bài so le, cho các em tự chấm lần một.
Sau đó, giáo viên chấm lại, như vậy có thể nhận xét được cả hai đối
tượng học sinh. Bản thân các em cũng có hứng thú hơn, có trách nhiệm và
nghiêm túc hơn với công việc; đồng thời, kích thích khả năng nhận xét,
đánh giá bài văn của học sinh, từ đó có thể học tập được những mặt tốt
của bạn, cũng như tránh được những lỗi sau không đáng có.
Bước 4: Cho học sinh viết lại sau khi chấm đối với một số đề hay và
trọng tâm cả về kiến thức lẫn kĩ năng. Điều này giúp các em củng cố sâu
hơn về kiến thức và kĩ năng. Bên cạnh đó, giáo viên cũng rèn cho học
sinh đức tính kiên trì rất tốt.
Kiến thức giáo viên rất quan trọng, song phương pháp giảng dạy mới là yếu tố quyết định
Cùng với 4 bước thực hành trong dạy bình giảng viên, cô Lê Thị Biên
đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm mình rút ra về dạy bình giảng văn
qua thực tế nhiều năm dạy ở lớp chuyên Văn và ôn đội tuyển học sinh
giỏi.
Đó là: Trong quá trình giảng dạy cho đối tượng là học sinh năng
khiếu, giáo viên phải xác định: Kiến thức của giáo viên là hết sức quan
trọng, song phương pháp giảng dạy mới là yếu tố quyết định tới kết quả
học tập của các em.
Rèn kỹ năng bình giảng văn xuôi cho học sinh, không những giúp học
sinh tìm con đường khám phá tác phẩm văn chương một cách thú vị, mà còn
trang bị cho các em phương pháp cảm thụ chủ động có tính nghệ thuật để
các em tiếp cận tác phẩm đúng hướng, phát hiện những giá trị của tác
phẩm một cách thỏa đáng và sáng tạo. Sản phẩm đạt được là một bài viết
vừa có sự thăng hoa của cảm xúc vừa có sự đào sâu của trí tuệ.
Bên cạnh những tiết rèn kỹ năng, thì trong các tiết học giáo viên
phải luôn tạo được hứng thú trong giờ học để khơi gợi niềm say mê đối
với văn chương của học sinh bằng cách:
Người thầy dạy chuyên Văn phải là những nhà sư phạm say mê và có năng
khiếu bộ môn. Năng khiếu của người thầy dạy Văn không nhất thiết là
năng khiếu sáng tác mà có thể là năng khiếu cảm thụ, năng khiếu diễn
đạt, năng khiếu tổ chức hoạt động trong giờ học Văn… Việc học Văn của
học sinh chỉ thực sự có hiệu quả khi các em cảm phục tài năng, tâm huyết
của người thầy thể hiện qua mỗi bài giảng, mỗi lời phê, mỗi lời căn
dặn.
Tâm huyết, niềm say mê nghệ nghiệp sẽ tạo ra động lực tiếp thêm sức
mạnh giúp chúng ta vượt qua được những thử thách, khó khăn của mỗi thầy
cô giáo dạy Văn trong thời buổi cơ chế thị trường.
Giáo viên dạy chuyên Văn hôm nay còn phải là những nhà hướng đạo sinh
có kinh nghiệm cho học sinh về tương lai. Hiện nay, học sinh ít chọn
các ngành khoa học xã hội, thiếu tâm huyết với môn học, không muốn tham
gia đội tuyển. Lúc này, giáo viên phải bằng tấm lòng và sự hiểu biết của
mình để giảng giải, thuyết phục, khơi gợi lên cho học sinh và phụ huynh
niềm tin, định hướng tương lai. Việc làm này sẽ tạo lập được mối quan
hệ thầy trò gắn bó, thầy cô đã trở thành chỗ dựa tinh thần tin cậy cho
học sinh.
“Cuối cùng, dạy Văn và dạy học sinh giỏi Văn là một niềm vinh dự, tự
hào, một niềm say mê, hạnh phúc cũng là một trách nhiệm nặng nề đối với
mỗi thầy cô dạy Chuyên.
Để làm được “cái nghiệp” ấy, mỗi thầy cô giáo dạy Văn cần biến mình
thành một ngọn nến cháy hết mình trong quan hệ với nghề, với trò. Và có
một điều chắc chắn là ánh sáng của tài năng, tâm huyết ở người thầy luôn
có khả năng khơi gợi, phơi mở những tài năng và tấm lòng tri ân với
văn chương của học sinh. Đấy cũng là cái mà chúng ta mong đợi!” – cô Lê
Thị Biên chia sẻ.