Thứ nhất: Thay đổi nhận thức và hành động của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về học tập, phát triển năng lực nghề nghiệp liên tục. Theo đó, cần làm cho từng giáo viên hiểu rằng thay đổi chính là sự sống còn nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Đương nhiên để có nhận thức cũng như hành động của mỗi giáo GV&CBQLCSGD cần có hàng loạt chính sách cũng như hỗ trợ và điều kiện kèm theo.
Việc tự học, tự bồi dưỡng phải được đưa thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học của từng GV&CBQLCSGD, đồng thời có cơ chế hỗ trợ, giám sát, đánh giá kết quả tự học, tự phát triển nghề nghiệp của GV&CBQLCSGD từ đồng nghiệp, từ tổ chuyên môn, từ nhà trường.
Thứ hai: Xây dựng mỗi trường học thành một tổ chức học tập. Các trường chủ động trong tổ chức lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán, bồi dưỡng tại chỗ cho giáo viên với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn.
Việc học tập không chỉ là cử đi tập huấn mà là sự trao đổi nghiệp vụ, học hỏi thường xuyên, liên tục từ đồng nghiệp trong trường và ngoài nhà trường. Xây dựng văn hóa học tập trong nhà trường để GV&CBQLCSGD có thể học tập mọi nơi, mọi chỗ trong trường.
Thứ ba: Xây dựng chính sách khuyến khích học tập cũng như chế tài đối với các GV&CBQLCSGD không thực hiện học tập và phát triển năng lực nghề nghiệp.
Thứ tư: Tổ chức lại hệ thống bồi dưỡng thường xuyên cho GV&CBQLCSGD, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở GD&ĐT (nơi sử dụng GV&CBQLCSGD ở địa phương) với các trường đại học sư phạm/Học viện Quản lý Giáo dục (Trung tâm nguồn đào tạo, bồi dưỡng quốc gia) với các dự án/chương trình giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT để đảm bảo hiệu quả, chất lượng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ năm: Xây dựng hệ thống và thay đổi phương thức đào tạo, bồi dưỡng GV&CBQLCSGD. Các trường sư phạm cần được tăng cường năng lực về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, năng lực quản trị, chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu chú trọng đến phát triển năng lực nghề nghiệp GV&CBQLCSGD theo chuẩn năng lực, phương thức đào tạo bồi dưỡng hiện đại với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến.
Thay đổi phương thức đánh giá nhu cầu học tập và đánh giá chương trình/tổ chức đào tạo bồi dưỡng để người học và cơ quan sử dụng người được cử đi học trực tiếp đánh giá kết quả bồi dưỡng của các trường.
"Với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đòi hỏi phải xây dựng hệ thống giáo dục mở, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người học, thực hiện cơ chế học suốt đời, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chỉ có thể thực hiện tốt nhiệm vụ khi họ chính là người học thường xuyên và suốt đời".
Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận " Làm thế nào để tạo đột phá trong phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay" của GS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng; PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - trích trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế năm 2016 về phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục xu hướng Việt Nam và thế giới.