Mặt khác những điều kiện cung ứng cho nhu cầu con người và hoạt động còn nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt công tác quản lý tổ chuyên môn trong nhiều năm chưa được đề cập tới trong lý luận quản lý; Tổ trưởng chuyên môn - người trực tiếp lãnh đạo của đơn vị cơ sở này trong nhà trường - không được đào tạo quản lý một cách bài bản; nên quá trình chỉ đạo thực tiễn, nảy sinh nhiều hình thức, chủ yếu theo “chủ nghĩa kinh nghiệm”.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân chủ quan như giải pháp quản lý của Hiệu trưởng và tính độc lập sáng tạo của các Tổ trưởng chuyên môn chưa đạt đích yêu cầu.
Luôn luôn coi trọng chức năng kế hoạch hóa
Cán bộ quản lý nhà trường cần chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, trong đó có kế hoạch chỉ đạo tổ chuyên môn như: Xây dựng kế hoạch chỉ đạo hoạt động tổ chuyên môn ngay từ đầu năm học.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đề xuất các biện pháp quản lý đội ngũ giáo viên, quản lý hoạt động của tổ chuyên môn. Phương pháp quản lý theo quan điểm hành vi (thuyết quan hệ con người) được xác định rõ là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quản lý hoạt động của tổ chuyên môn, tiếp cận với những yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Nâng cao nhận thức
Cần chú trọng giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lý thuyết quản lý hành vi - thuyết quan hệ con người trong công tác quản lý, chỉ đạo tổ chuyên môn và các hoạt động giáo dục của nhà trường nói chung.
Từ đó, giúp cán bộ giáo viên nhận thức được tính ưu việt của quan điểm hành vi so với các quan điểm quản lý truyền thống, nhằm đảm bảo thực hiện dân chủ trong trường học, tạo cho cán bộ giáo viên có cơ hội được tham gia vào quá trình ra quyết định trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường.
Đặc biệt là làm cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp Tổ nhận thức rõ vai trò chức năng của mình, từ đó chủ động sáng tạo trong quản lý điều hành tổ chuyên môn đạt hiệu quả cao.
Tạo động lực
Xác định động lực của việc đổi mới phương pháp dạy học; hoạt động đổi mới phương pháp dạy học chỉ có thể thành công khi giáo viên có động lực hành động và chuyển hóa được từ ý chí trở thành tình cảm và tinh thần trách nhiệm đối với học sinh, đối với nghề dạy học.
Giao quyền tự chủ cho giáo viên trong quá trình giảng dạy, tạo điều kiện để giáo viên an tâm công tác, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Ban giám hiệu; quan tâm giúp đỡ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích mọi giáo viên phát huy hết tiềm năng và trách nhiệm trong giảng dạy.
Chú trọng công tác bồi dưỡng
Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm qua tập huấn dạy chương trình, tổ chức và hướng dẫn giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá; dạy học theo chuẩn kiến thức – kỹ năng; sử dụng thiết bị dạy học;
Bồi dưỡng cho giáo viên kiến thức về tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, tổ chức tốt các hoạt động thao giảng, dự giờ đồng nghiệp
Lãnh đạo nhà trường cần chỉ đạo sâu sát các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng theo các nội dung của kế hoạch bồi dưỡng giáo viên thường xuyên.
Hiệu quả của các hoạt động thực hành đổi mới phương pháp dạy học góp phần thiết thực vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ và nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên.
Đồng thời, khi trình độ người giáo viên được nâng cao hơn thì quá trình đổi mới phương pháp dạy học lại càng được tiến hành một cách chủ động, sáng tạo và có chất lượng hơn.
Cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho tổ trưởng chuyên môn, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý cấp tổ tham gia các lớp tập huấn; đào tạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý; xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán đủ khả năng giải quyết những vấn đề về phương pháp dạy học, phát huy vai trò của tổ nhóm chuyên môn trong công tác bồi dưỡng giáo viên.
Một nội dung quan trọng là việc đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt coi trọng hình thức tự bồi dưỡng. Cụ thể, động viên tinh thần cầu thị trong tự bồi dưỡng, giáo dục ý thức khiêm tốn, học hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.
Người cán bộ quản lý phải là người đề xướng phong trào tự học, sao cho tự học, tự bồi dưỡng trở thành nhu cầu cấp thiết của mỗi giáo viên.
Tổ chức các đợt học tập xen kẽ, lồng ghép vào các sinh hoạt chuyên môn, rèn luyện tay nghề hàng tuần, tháng trong tổ chuyên môn, các kỳ hội giảng, thi giáo viên giỏi các cấp;
Tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội học tập và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp ở các trường THPT. Đặc biệt coi trọng việc giáo viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Giáo viên có thể tìm kiếm kinh nghiệm dạy học từ nhiều nguồn khác nhau, tự xây dựng tài liệu chuyên môn phục vụ đổi mới phương pháp dạy học…
Chú trọng kiểm tra, đánh giá
Kiểm tra, đánh giá các hoạt động của tổ chuyên môn về hành chính tuân thủ những quy định hiện hành (qua hệ thống nội quy, quy chế chuyên môn...).
Ban giám hiệu, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ trường học, chú trọng kiểm tra hồ sơ giáo án, dự giờ của giáo viên – đánh giá việc đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực; kiểm tra việc đánh giá học sinh; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đề ra của các tổ chuyên môn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ trong nội bộ trường học;
Kiểm tra, đánh giá các hoạt động của tổ chuyên môn tập trung vào ba nội dung cơ bản: Quản lý hoạt động đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn; quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các tổ chuyên môn; quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên thường xuyên ở các tổ chuyên môn - ứng dụng phương pháp quản lý theo thuyết quản lý hành vi thuyết quan hệ con người) nhằm hướng tới mục tiêu: Tạo động lực, khuyến khích giáo viên ở các tổ chuyên môn tự giác lao động, cống hiến. Theo đó, các nội dung hoạt động của tổ chuyên môn cũng được thực hiện một cách chủ động, sáng tạo, và đạt hiệu quả cao.
Quan tâm đến giải pháp hỗ trợ
Những giải pháp hỗ trợ cho hoạt động của tổ chuyên môn có thể kể đến như tạo môi trường làm việc thân thiện, kích thích động lực làm việc của giáo viên; phát huy các nguồn lực, tăng cường điều kiện tài chính, cơ sở vật chất cho hoạt động của tổ chuyên môn; phát huy hiệu quả công tác thi đua...
Làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục: Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh, với các lực lượng lượng xã hội triển khai thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động giáo dục.
Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong và ngoài nhà trường Xây dựng cơ chế phối hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường nhằm tăng nguồn kinh phí xã hộ hóa giáo dục - tăng cường các điều kiện hỗ trợ cho việc phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ (hỗ trợ kinh phí thi đua khen thưởng; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục).
Cuối cùng, cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng: Cải tiến công tác thi đua trong nhà trường trên cơ sở đánh giá đúng và có chế độ khuyến khích, động viên kịp thời các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả. Khen thưởng đúng người, đúng việc; biểu dương các tổ chuyên môn có nhiều thành tích trong dạy học, giáo dục…