2 bước để có bộ câu hỏi sáng tạo
Thạc sĩ Hoàng Thị Liên - giáo viên Hóa học, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - cho rằng, để có một hệ thống câu hỏi như ý muốn, điều đầu tiên giáo viên cần làm là xác định rõ mục đích hỏi.
Câu hỏi tốt, trước tiên phải có mục đích hỏi rõ ràng, xác định rõ thông tin nào bạn muốn biết, vấn đề nào bạn sẽ hỏi. Hỏi có thể để thúc đẩy người tham dự tìm hiểu các lĩnh vực tư duy mới, thách thức các ý tưởng hiện đại, thăm dò kiến thức hoặc hỏi đơn thuần chỉ để trao đổi thông tin, kinh nghiệm.
Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Liên, trong một bài học thường có hai dạng câu hỏi: Câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Câu hỏi đóng chỉ có một dạng câu trả lời là đúng/sai hoặc có/không, được sử dụng chủ yếu để đánh giá kiến thức đã có, trong trường hợp cần trả lời chính xác, cụ thể, không cần tư duy nhiều. Dạng câu hỏi này thường sử dụng trong phần kết luận bài hoặc cuối phần giới thiệu bài để kiểm tra xem học sinh đã hiểu nhiệm vụ hay chưa.
Câu hỏi mở là dạng câu hỏi có nhiều cách trả lời. Khi đặt câu hỏi mở, giáo viên tạo cơ hội cho học sinh chia sẻ ý kiến của mình. Một câu hỏi mở có thể bắt đầu bằng các từ: Ai, khi nào, cái gì, như thế nào, ở đâu?
Sau khi xác định rõ mục đích hỏi, bước tiếp theo là đặt câu hỏi. Việc đặt câu hỏi, theo Thạc sĩ Hoàng Thị Liên, phải đảm bảo các yêu cầu: Câu hỏi phải có nội dung chính xác, rõ ràng, sát với mục đích, yêu cầu của bài học, không làm cho người học có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Câu hỏi phải sát với từng đối tượng học sinh, nghĩa là phải có nhiều câu hỏi ở các mức độ khác nhau như mức độ biết, hiểu, vận dụng...
Bên cạnh đó, câu hỏi phải cùng một nội dung học tập, cùng một mục đích. Giáo viên có thể sử dụng nhiều dạng câu hỏi với nhiều hình thức hỏi khác nhau. Bên cạnh câu hỏi chính, cần chuẩn bị cả những câu hỏi phụ (trên cơ sở dự kiến các câu trả lời của học sinh, trong đó có thể có những câu trả lời sai) để tùy vào tình hình thực tế mà dẫn dắt tiếp. Ngoài ra, cần đặt các câu hỏi mở để đưa ra nhiều phương án trả lời và phát huy được tính tích cực sáng tạo của học sinh.
Thạc sĩ Hoàng Thị Liên đưa ra 6 loại câu hỏi theo thang phân loại mức độ nhận thức Bloom, gồm: Câu hỏi biết, câu hỏi hiểu, câu hỏi áp dụng, câu hỏi phân tích, câu hỏi tổng hợp và câu hỏi đánh giá. Mỗi loại câu hỏi có mục tiêu, cách thức dạy học và tác dụng đối với học sinh khác nhau.
Nghệ thuật hỏi quan trọng không kém việc sáng tạo câu hỏi
Là giáo viên môn Vật lý - Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - Thạc sĩ Nguyễn Văn Vĩ quan tâm đến việc đặt câu hỏi dựa vào mức độ nhận thức của học sinh để đảm bảo học sinh được tư duy mở các cấp độ khác nhau; từ đó thể hiện và rèn luyện tư duy, phát triển các kĩ năng, tính logic trong nhận thức.
Để đạt được mục đích này, cần tăng câu hỏi then chốt nhằm vào mục đích nhận thức cao hơn; câu hỏi đòi hỏi sự thông hiểu, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, hệ thống hóa; câu hỏi mở có nhiều phương án trả lời...
Nghệ thuật hỏi cũng quan trọng không kém việc sáng tạo ra bộ câu hỏi. Để tăng hiệu quả bài học, các thầy cô nên dừng một chút sau khi đặt câu hỏi, nhận xét một cách khuyến khích câu trả lời của học sinh; tạo điều kiện cho học sinh trả lời mọi câu hỏi; đưa ra gợi ý nhỏ cho các câu trả lời hoặc dựa trên một phần nào đó của câu trả lời để tiếp tục đặt câu hỏi; yêu cầu học sinh giải thích câu trả lời của mình, liên hệ câu trả lời với kiến thức khác...
Để bài giảng thành công hơn, Thạc sĩ Nguyễn Văn Vĩ gợi ý, giáo viên cần tạo điều kiện cho mỗi học sinh bộc lộ khả năng tự học nhằm đạt mục tiêu học tập; học sinh ghi kết quả ra nháp, ra vở hoặc phiếu học tập, cũng có thể chỉ trong tư duy rồi làm việc chung với cả nhóm, giúp nhóm hoàn thành nhiệm vụ; giáo viên cần động viên, khuyến khích kịp thời; cố gắng làm các câu hỏi sống động và nổi bật logic khoa học.
“Đặc biệt, khi học sinh bế tắc, cần có nghệ thuật đặt câu hỏi, dẫn dắt hài hước nhằm tạo tình huống thư giãn” - Thạc sĩ Nguyễn Văn Vĩ cho hay.
Giáo viên không nên nhắc lại câu hỏi của mình cũng như tự trả lời câu hỏi của mình đưa ra; không nên nhắc lại câu trả lời của học sinh, chê mắng khi học sinh trả lời chưa chính xác.