Đa dạng kỹ thuật dạy học tích cực
Theo các thống kê thì hiện nay có khoảng hơn 30 kĩ thuật dạy học tích cực như: Chia nhóm, Động não, Đặt câu hỏi, Khăn trải bàn, Phòng tranh, Công đoạn, Các mảnh ghép, Trình bày một phút, Hỏi chuyên gia, Bản đồ tư duy, Đọc hợp tác, 3 lần 3, Viết tích cực, Đọc tích cực, 635, Chia sẻ nhóm đôi, 5W1H, Bể cá, Ổ bi, Giao nhiệm vụ, Chia nhóm, Kipling, Phân tích phim video, Nói cách khác…
Kĩ thuật dạy học tích cực là những động tác, cách thức hành động của giáo viên và học sinh trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học theo hướng phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Các kĩ thuật dạy học chưa phải là các phương pháp dạy học độc lập. So với khái niệm “phương pháp dạy học”, khái niệm “kĩ thuật dạy học” hẹp hơn. Nếu phương pháp chú ý tới cả quá trình thì kĩ thuật là việc chú ý chủ yếu tới một thao tác, ở một thời điểm nhất định nào đấy trong quá trình đó.
Dưới đây là 4 trong nhiều kỹ thuật dạy học tích cực gồm: “Động não”, “Tia chớp”, “Trình bày một phút”, “3 lần 3”. Giáo viên có thể vận dụng nhiều kĩ thuật dạy học trong bộ môn Ngữ Văn nhằm đạt hiệu quả cao trong từng tiết dạy - học.
"Nhập môn" kỹ thuật động não
Kỹ thuật động não còn gọi là công não hay tập kích não (brainstorming): Đây là một kỹ thuật dạy học tích cực, thông qua thảo luận, nhằm huy động những ý tưởng mới mẻ, độc đáo về một chủ đề, của mọi thành viên tham gia thảo luận.
Các thành viên được cổ vũ tham gia một cách tích cực, không hạn chế các ý tưởng, nhằm tạo ra "cơn lốc" các ý tưởng. Các ý niệm/hình ảnh về vấn đề trước hết được nêu ra một cách rất phóng khoáng và ngẫu nhiên theo dòng suy nghĩ càng nhiều, càng đủ càng tốt.
Các ý kiến có thể rất rộng và sâu cũng như không giới hạn bởi các khía cạnh nhỏ nhặt nhất của vấn đề mà những người tham gia nghĩ tới.Trong động não thì vấn đề được khai thác từ nhiều khía cạnh và nhiều cách (nhìn) khác nhau.Sau cùng các ý kiến sẽ được phân nhóm và đánh giá.
Các dạng kỹ thuật động não
Thứ nhất: Động não, hay động não công khai. Đây là hình thức thông thường của động não, các thành viên công khai phát biểu (bằng miệng) suy nghĩ giải quyết của mình về vấn đề đã được đưa ra, cùng với sự tham khảo và phát triển những ý tưởng của thành viên phát biểu trước đó.
Thứ hai: Động não viết. Đây là một hình thức biến đổi của động não. Trong động não viết thì những ý tưởng không được trình bày miệng mà được từng thành viên tham gia trình bày ý kiến bằng cách viết chung vào giấy, bảng … bằng các từ khóa thành bản đồ tư duy, hay một bài viết hoàn chỉnh về một chủ đề.
Thứ ba: Động não không công khai. Đây là một hình thức của động não viết. Mỗi một thành viên viết riêng ra giấy, nhưng chưa công khai, những ý đồ giải quyết vấn đề theo cách riêng của mình, mà không có sự tham khảo ý kiến hay bị tác động của người khác. Sau đó nhóm mới tập hợp các ý tưởng riêng đó và thảo luận chung về các ý kiến hoặc tiếp tục phát triển các ý tưởng tốt.
Cách thức tiến hành như sau: Người điều phối dẫn nhập vào chủ đề và xác định rõ một vấn đề. Sau đó, các thành viên đưa ra những ý kiến của mình: trong khi thu thập ý kiến, không đánh giá, nhận xét. Mục đích là huy động nhiều ý kiến tiếp nối nhau.
Tiếp đến là kết thúc việc đưa ra ý kiến và cuối cùng là đánh giá. Việc đánh giá nhằm lựa chọn sơ bộ các suy nghĩ, chẳng hạn theo khả năng ứng dụng (có thể ứng dụng trực tiếp, có thể ứng dụng những cần nghiên cứu thêm, không có khả năng ứng dụng), rút ra kết luận hành động.
Quy tắc của kỹ thuật động não
Không đánh giá và phê phán trong quá trình thu thập ý tưởng của các thành viên; liên hệ với các ý tưởng đã được trình bày. Khuyến khích số lượng các ý tưởng. Cho phép sự tưởng tượng và liên tưởng sáng tạo.
Ứng dụng của kỹ thuật động não là dùng trong giai đoạn nhập đề vào một chủ đề; tìm các phương án giải quyết vấn đề; thu thập các khả năng lựa chọn và ý nghĩ khác nhau…
Ưu điểm của kỹ thuật này là dễ thực hiện; sử dụng được hiệu ứng cộng hưởng, huy động tối đa trí tuệ của tập thể;huy động được nhiều ý kiến; tạo cơ hội cho tất cả thành viên tham gia.
Nhược điểm: Có thể đi lạc đề, tản mạn; có thể mất thời gian nhiều trong việc chọn các ý kiến thích hợp; có thể có một số HS "quá tích cực", số khác thụ động. Do đó, GV cần kiểm soát tốt tình trạng lớp học và nhanh chóng, chủ động xử lí việc thu thập, đánh giá các ý tưởng.
Bài viết đã được biên tập, lược ghi từ báo cáo chuyên đề "Vận dụng một số kỹ thuật dạy học tích cực trong chương tình Ngữ văn 10" của cô giáo Lê Phan Quỳnh Trang - Trường THPT Lê Quý Đôn (Đà Nẵng).