Theo đó, chương VI gồm các tiết: Tiết 1- Khúc xạ ánh sáng; Tiết 2- Bài tập; Tiết 3- Phản xạ toàn phần; Tiết 4- Bài tập. Chương VII: Tiết 5- Lăng kính.
Với cách tiếp cận với từng đơn vị kiến thức học sinh đạt được kĩ năng làm bài tốt nhưng khả năng tổng hợp chuỗi kiến thức chưa tốt. Đặc biệt là hứng thú với việc nghiên cứu không cao.
Từ thực tế trên, các giáo viên: Hà Thị Thu Hường, Phạm Thị Thủy, Mai Thị Thu - Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) chia sẻ cách dạy học mới những nội dung này.
Sắp xếp lại phân phối chương trình cho phù hợp
Dự án dạy học theo chủ đề được xây dựng như sau:
Tiết 1: Khúc xạ ánh sáng
Tiết 2: Phản xạ toàn phần
Tiết 3: Lăng kính
Tiết 4: Bài tập
Tiết 5: Nhận xét đánh giá các vấn đề mà gv yêu cầu
Ở phương án 2 mỗi bài lí thuyết chúng tôi đều đưa ra trước các vấn đề để học sinh về nhà nghiên cứu và tìm tòi khám phá kiến thức theo các nhóm. Sau mỗi tiết đều có hướng dẫn học sinh thu hoạch kiến thức và hướng đến giải quyết các nhiệm vụ mới sau mỗi bài học. Từ đó hình thành khối kiến thức thông qua tư duy theo chủ đề.
Xác định mục tiêu dạy học của chủ đề
Về kiến thức:
- Trình bày được: hiện tượng khúc xạ ánh sáng, phản xạ toàn phần, tính thuận nghịch trong sự truyền ánh sáng, Cấu tạo và cách xác định đường đi của tia sáng qua lăng kính
- Vận dụng được định luật khúc xạ ánh sáng.và áp dụng trong hiện tượng phản xạ toàn phần, lăng kính, nêu các công thức của lăng kính
- Phân biệt được chiết suất tỉ đối và chiết suất tuyệt đối của môi trường và hiểu vai trò của các chiết suất trong hiện tượng khúc xạ ánh sáng.
- Giải thích được một số ứng dụng của hiện tượng phản xạ toàn phần, của lăng kính
Về kỹ năng:
- Vận dụng được các hiểu biết về hiện tượng khúc xạ ánh sáng, phản xạ toàn phần để và công thức lăng kính để giải các bài tập
Ngoài những mục tiêu trên, đề tài còn mong muốn bồi dưỡng tư duy cho học sinh, nhất là tư duy sáng tạo. Cụ thể đạt được các kĩ năng sau:
- Đề xuất ý tưởng về vấn đề ô nhiễm ánh sáng
- Tìm tòi và tổng hợp kiến thức một cách hệ thống
- Giải được bài tập có nội dung thực tế.
- Giải được bài tập với nhiều phương pháp khác nhau.
- Giải được bài tập thí nghiệm.
Về thái độ:
- Học sinh có hứng thú học tập vật lý, yêu thích, tìm tòi khoa học, có thái độ khách quan trung thực, tác phong tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác, có ý thức vận dụng những hiểu biết vật lý vào đời sống.
-Xem xét bài toán từ nhiều góc độ, quan sát hiện tượng một cách linh hoạt, nhạy bén,…
- Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Xây dựng hệ thống câu hỏi, hướng dẫn vấn đề nghiên cứu
Tiết 1: Khúc xạ ánh sáng
Học sinh cần thực hiện nhiệm vụ sau trước khi vào tiết học về khúc xạ ánh sáng:
1. Làm thí nghiệm khi cho 1 ống hút vào cốc chưa có nước, quan sát hiện tượng khi cho nước vào. Vẽ hình mô tả hiện tượng.
2. Lấy nguồn đèn laze chiếu vào cốc nước và làm ngược lại chiếu từ đáy cốc lên không khí, nhận xét góc tạo bởi tia tới và pháp tuyến và tia sáng trong môi trường thứ 2 với pháp tuyến.
3. Tìm các thông tin về tốc độ ánh sáng trong chân không, trong các môi trường khác như: nước, thủy tinh...
4. Quan sát con cá dưới bể nước bằng cách nhìn từ phía trên các em nhìn thấy con cá gần hơn hay xa hơn nhìn ngang?
Học xong học sinh được giao Phiếu hướng dẫn về nhà, ví dụ với tiết Khúc xạ ánh sáng như sau:
Bài được trích từ sáng kiến “Dạy học theo chủ đề trong giảng dạy Vật lí” của các giáo viên: Hà Thị Thu Hường, Phạm Thị Thủy, Mai Thị Thu - Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình).
Sáng kiến đã được báo cáo trong chuyên để dạy học cấp tỉnh tháng 4/2015, với sự tham dự của lãnh đạo sở GD&ĐT, chuyên viên phòng THPT và đại diện 27 trường THPT trong toàn tỉnh. Chuyên đề được đánh giá rất công phu, sáng tạo và có thể áp dụng rộng rãi trong tất cả các trường THPT.