Lập kế hoạch tiết dạy
Ở công đoạn này, cô Hoàng Thị Mai lưu ý, giáo viên cần nghiên cứu kỹ các nội dung tiết dạy từ sách giáo khoa (SGK), sách giáo viên (SGV), vì SGK, SGV là cơ sở quan trọng để giáo viên hoạch định giảng dạy cho tiết học.
Việc nghiên cứu kỹ SGK, SGV sẽ giúp cho việc giáo viên tổ chức, điều khiển tiết dạy nghe đi đúng trọng tâm, trọng điểm, phân bố thời gian cho các bước, các giai đoạn nghe một cách khoa học.
Sau đó, giáo viên nghiên cứu mục đích yêu cầu của tiết dạy: Mục đích, yêu cầu của tiết dạy là đích mà cả giáo viên và học sinh cần phải đạt được sau mỗi tiết học.
Đối với tiết dạy nghe, thông thường mục đích yêu cầu của tiết dạy là giúp học sinh luyện tập và phát triển các kỹ năng: Listening (nghe); Speaking (nói); Reading (đọc); Writing (viết) (trong đó kỹ năng nghe là chủ yếu).
Sau khi kết thúc phần nghe học sinh hiểu được nội dung chính của bài nghe và thực hiện một số yêu cầu hay bài tập ngôn ngữ nào đó.
Tiếp theo, giáo viên lựa chọn và phối hợp các kỹ thuật dạy nghe (Listening Techniques) một cách linh hoạt và phù hợp (dựa vào nội dung tiết dạy, đặc điểm, năng lực của lớp học và các giai đoạn trong tiến trình dạy nghe: Pre-listening, While- listening, Post- listening).Trong mỗi giai đoạn có các kỹ thuật dạy nghe đặc trưng riêng.
Việc sử dụng tốt các phương tiện, đồ dùng dạy học phục vụ cho tiết dạy nghe cũng vôc ùng quan trọng. Ví dụ, với máy cát sét, trước khi thực hiện dạy học cần chuẩn bị máy tốt, băng và đĩa có chất lượng tốt và pin dự phòng khi mất điện; phải đảm bảo tính an toàn khi thao tác; xem xét sự cần thiết, hiệu quả mang lại, thời gian cụ thể cho từng công đoạn…
Hoặc khi sử dụng tranh minh hoạ, nên tận dụng đến mức tối đa các tranh hình trong SGK để giúp học sinh hiểu bài học. Tranh hình minh hoạ phải có sự liên hệ thực tế gần gũi với nội dung bài học.
Giáo viên cũng cần phải soạn giáo án hợp lý, khoa học, hoạch định rõ hoạt động của thầy, hoạt động của trò, các yêu cầu của từng bài tập, các phương án trả lời của học sinh. Trao đổi thảo luận về phương pháp giảng dạy với đồng nghiệp.
Đối với học sinh, giáo viên yêu cầu học sinh chuẩn bị tốt cho tiết học sau bằng cách: Ra hệ thống các câu hỏi gợi mở về bài mà các em sắp được học để học sinh có thời gian suy nghĩ, tìm hiểu tài liệu.
Yêu cầu học sinh thực hiện một số bài tập liên quan đến nội dung tiết dạy. Khuyến khích, động viên học sinh tự tin, chủ động, sáng tạo nêu ra những vấn đề, câu hỏi có liên quan đến bài dạy.
Thực hiện tốt tiến trình dạy nghe
Theo cô Hoàng Thị Mai, tiến trình của một tiết dạy nghe bao gồm ba giai đoạn: Pre-Listening,While-Listening, và Post-Listening. Tiến trình này không những giúp học sinh nắm hiểu bài mà còn giúp các em sử dụng kỹ năng nghe trong giao tiếp thực tế.
Song vấn đề tiên quyết là giáo viên cần phải xác định rõ ràng mục đích yêu cầu của từng bài nghe cụ thể để từ dó định hướng cho học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ trong những giai đoạn tiếp theo.
Pre-Listening (7 phút): Đây là giai đoạn giúp học sinh định hướng, suy nghĩ về đề tài hay tình huống trước khi học sinh nghe. Trong giai đoạn này giáo viên cần tập trung những công việc sau:
Tạo tâm thế chuẩn bị nghe cho học sinh bằng cách dẫn dắt gợi hỏi về chủ đề bài nghe, yêu cầu học sinh quan sát tranh, đọc từ và đoán xem các em sẽ nghe chủ đề gì, ai sắp nói với ai…;
Yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm đoán sơ bộ về nội dung sắp nghe thông qua tranh hay tình huống bài nghe. Có thể các em nói không chính xác với những gì sắp nghe, nhưng vấn đề đặt ra là các em có hứng thú trước khi nghe;
Giúp các học sinh lường trước những khó khăn có thể gặp phải về phát âm hay cấu trúc mới, các kiến thức nền;
Giáo viên nói rõ cho học sinh biết các em sẽ được nghe bao nhiêu lần và hướng dẫn yêu cầu nhiệm vụ khi nghe (chọn đúng, sai, trả lời câu hỏi …);
While-Listening (20 phút): Đây là giai đoạn học sinh có cơ hội luyện tập. Ở giai đoạn này, giáo viên đưa ra các dạng bài tập, yêu cầu học sinh thực hiện. Học sinh có thể mắc lỗi ở giai đoạn này vì vậy giáo viên chú ý cần sữa lỗi cho học sinh và đưa ra các phương án đúng.
Giáo viên bật băng hay đọc 2 đến 3 lần (nếu nội dung khó có thể nhiều lần hơn. Lần đầu giúp học sinh với bài nghe hiểu và bao quát nội dung bài nghe (pendown). Lần thứ hai nghe thông tin chính để hoàn thành bài tập. Lần thứ ba nghe và kiểm tra lại bài tập đã làm.
Mục tiêu chính của nghe hiểu là học sinh nghe lấy nội dung chính hay thông tin chi tiết đồng thời hiểu được thái độ quan điểm của tác giả.
Do đó giáo viên cho học sinh nghe cả bài để nắm được ý chung cũng như bố cục bài và làm bài tập, sau đó có thể cho nghe lại từng đoạn để nắm kết quả hoặc nghe lại những chỗ khó để khẳng định đáp án. Nên hạn chế cho học sinh nghe từng từ vì làm như vậy sẽ khiến người học có thói quen phải hiểu từng câu từng từ trước khi nghe.
Post-Listening (10 phút): Đây là giai đoạn luyện tập sau khi nghe. Ở giai đoạn này học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ đã được luyện tập ở giai đoạn “While – Listening” vào các tình huống giao tiếp thực tế, có ý nghĩa.
Sau khi nghe học sinh cần thực hiện một số bài tập như báo cáo trước lớp hay trong nhóm về kết quả bài tập, các học sinh khác nghe, cho ý kiến nhận xét, hoặc chữa bài cho bạn. Giáo viên cần kết hợp các kỹ năng khác như recall, write-it-up, discussion…