Năng lực và trách nhiệm của giáo viên là nội dung căn cốt, quan trọng nhất của giáo dục sư phạm, một đặc tính nghề nghiệp và điểm khác biệt lớn giữa các nghề nghiệp trong xã hội so với nghề giáo dục. Đây cũng là yêu cầu, nội dung cơ bản của vấn đề đào tạo lại giáo viên.
GS.TS Phạm Hồng Quang
Mô hình “chuỗi” trong đào tạo lại giáo viên
- Hoạt động đào tạo lại giáo viên hiện nay còn khá nhiều hạn chế, như việc đào tạo và bồi dưỡng khép kín theo năng lực hiện có của các trường; khâu thiết kế, triển khai chương trình đào tạo và bồi dưỡng nặng tính hàn lâm; đào tạo ít gắn với giáo dục phổ thông… Theo GS, liệu có cách khắc phục ?
Cần nhìn nhận vấn đề đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên theo cách tiếp cận khác: Theo quy luật của sự phát triển xã hội, nền sản xuất công nghiệp hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đều được triển khai theo mô hình “chuỗi”. Về phương diện cơ bản, “chuỗi” được tiếp cận ở các phương diện:
Quá trình tạo ra sản phẩm và sử dụng, bảo dưỡng sản phẩm đó như thế nào? Ba công đoạn sau đây cần được gắn kết hữu cơ, gồm: Nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình đào tạo và bảo trì sản phẩm.
Gắn chặt 3 công đoạn trong một quá trình. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm cả 3 khâu, cụ thể: hỗ trợ cho địa phương-nơi sử dụng giáo viên, sản phẩm được sử dụng có hiệu quả và bồi dưỡng thường xuyên, đào tạo lại. Như vậy, nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên là trách nhiệm của nhà trường sư phạm.
Vận dụng các quan điểm kinh tế học trong quản lí theo chuỗi, có thể xác định những trọng tâm của công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng theo chuỗi như sau:
Phải tạo ra giá trị của hệ thống đa cấp trong đào tạo và trong phân phối (sử dụng, bồi dưỡng giáo viên); giảm khâu trung gian; việc sử dụng giáo viên đúng sẽ tác động tích cực trở lại khâu đào tạo.
Nơi đào tạo phải trực tiếp đến cơ sở; do vậy giáo dục cần được xây dựng theo mô hình cung ứng-dịch vụ trong công tác bồi dưỡng.
Phải tạo ra được chính sách để giảm thiểu tối đa sự can thiệp nặng về hành chính của hệ thống gián tiếp (phòng, sở) để trường học phải chịu trách nhiệm trước xã hội. Điều này phù hợp với chức năng sáng tạo của nhà trường với một giá trị bền vững là “vầng trán của cộng đồng”.
Như vậy chuỗi cung ứng của mô hình đào tạo giáo viên phù hợp với nhu cầu của xã hội, là mô hình của thực tiễn đời sống xã hội, nó sẽ có giá trị bền vững cao.
PGS.TS Phạm Hồng Quang
Đổi mới cả chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo lại
- Theo mô hình mới như trên, GS có thể chia sẻ cụ thể hơn những vấn đề cần đổi mới trong đào tạo lại giáo viên, đơn cử như như nội dung, chương trình đào tạo lại…?
Yêu cầu chung là quan tâm đến sự thay đổi căn bản trong phương án đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên, cụ thể:
Thứ nhất: Thay đổi việc đào tạo giáo viên dạy 1 môn sang đào tạo giáo viên có học vấn rộng để tăng khả năng thích ứng cho giáo viên; nội dung đào tạo lại và bồi dưỡng cần cân bằng giữa năng lực và trách nhiệm của giáo viên;
Thứ 2: Thay đổi việc đào tạo trang bị kiến thức sang trọng tâm là đào tạo năng lực sư phạm, trong đó chú ý: các năng lực chẩn đoán, thiết kế, tổ chức, thực hiện và giám sát đánh giá và giải quyết vấn đề nẩy sinh trong thực tiễn dạy học và giáo dục;
Thứ 3: Thay đổi phương pháp dạy sang đào tạo, bồi dưỡng cách dạy phương pháp học. Ở khâu đào tạo, vấn đề chương trình là quyết định đến việc hình thành năng lực cơ bản, nền tảng cho người giáo viên. Ở khâu bồi dưỡng, đào tạo lại, vai trò định hướng của các trường sư phạm rất quan trọng, do vậy mô hình “chuỗi” trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là phù hợp.
Về nội dung trọng tâm cần đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên hướng vào mục tiêu: Hình thành năng lực chuyển hoá tri thức khoa học thành tri thức dạy học, phương pháp khoa học thành phương pháp dạy học, mục tiêu đào tạo chuyên gia giáo dục phải được coi trọng hàng đầu, từ đây sẽ hình thành năng lực phát triển chương trình nhà trường cho giáo viên.
Chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên phải dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu của thực tiễn giáo dục và theo định hướng mới của trường đại học và hướng đến chuẩn mực quốc tế, đảm bảo cho sự phát triển bền vững bởi sự cân bằng và tương thích với các giá trị cơ bản của giáo dục phổ thông ở các nước trong khu vực và thế giới.
Cần có quan điểm đầu tư chiến lược
Có thể nói, đào tạo lại giáo viên là yêu cầu cấp bách. Để có được người giáo viên chất lượng, dù đào tạo ở mô hình 4 năm hoặc nối tiếp đều cần trải qua các giai đoạn cơ bản: Đào tạo cơ bản trong môi trường sư phạm; quá trình tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên trong quá trình hoạt động nghề nghiệp và đào tạo lại là then chốt.
GS.TS Phạm Hồng Quang
- Những kiến nghị của GS liên quan đến chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo lại giáo viên?
Tôi cho rằng chính sách của nhà nước cần thay đổi đồng bộ các khâu: tuyển chọn sinh viên sư phạm (trách nhiệm của trường sư phạm, nhưng “sức hút sư phạm” phải từ chính sách việc làm, lương, đãi ngộ…sau tốt nghiệp); tuyển dụng giáo viên phải do các trường phổ thông tuyển chọn dựa trên chuẩn giáo viên được sát hạch thường xuyên; chế tài quản lí áp dụng biên chế hoặc hợp đồng giáo viên phải tạo ra cạnh tranh và gắn liền với đánh giá, sa thải hoặc thăng tiến…
Các trường phải tạo sự cạnh tranh chất lượng giáo viên bằng các chính sách về lương, khen thưởng, đánh giá (có sự hỗ trợ về tài chính và chính sách); bằng các biện pháp rà soát, đánh giá lại năng lực giáo viên, chuyển đổi vị trí công tác và tạo lập môi trường cạnh tranh tốt (sử dụng đánh giá ngoài) để giáo viên giỏi có thu nhập cao và được khuyến khích. Tiến tới sử dụng hiệu quả phương án hợp đồng giáo viên như các trường tư và quốc tế.
Cần nhấn mạnh: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là trách nhiệm của nhà nước và phải bằng chính sách đầu tư nguồn vốn chủ yếu từ nhà nước. Trước cơn lốc của thị trường và xu hướng hạch toán kinh tế trong mọi lĩnh vực, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chịu cả tác động xấu và dẫn đến hậu quả rất nặng nề.
Do vậy, cần có quan điểm đầu tư chiến lược đối với công tác này, đặc biệt là giáo dục vùng khó khăn, chậm phát triển trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tiễn của giáo dục phổ thông phải được đặt song song với nhiệm vụ “khai sáng” và “dẫn đường” cho xã hội.
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viênphải do Bộ GD&ĐT quản lí trực tiếp; hệ thống quản lí giáo dục theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương thống nhất trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, sa thải, luân chuyển, sát hạch…theo một khung thống nhất trong cả nước.
- Xin cảm ơn GS!