Làm rõ năng lực đọc, nói đúng tiếng Việt
Theo tiến sĩ Phạm Văn Khanh, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh Tiền Giang, ngay từ chương trình tổng thể, năng lực đọc, nói đúng tiếng Việt của học sinh (HS) cần được xác định rõ. Ông Khanh giải thích: “Dự thảo chỉ nêu mục tiêu sử dụng thành thạo tiếng Việt mà chưa nhấn mạnh, làm rõ việc nói, đọc đúng tiếng Việt của HS trong năng lực sử dụng tiếng Việt. Tổng thể ghi như vậy thì việc đọc - nói đúng có thể sẽ bị bỏ qua trong biên soạn chương trình chi tiết môn học tiếng Việt của các cấp và lớp học khi cụ thể hóa. Thực tế là HS cả 3 miền khi hát Quốc ca không hát đúng âm tiết câu đầu tiên. HS miền Bắc hát Việt Lam, miền Trung hát Việt Nem, Sài Gòn hát Diệt Nam”.
Ông Khanh còn góp ý nên gọi tên môn tiếng Việt thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12, không cần phải gọi tiếng Việt ở tiểu học, ngữ văn ở THCS và THPT như trong dự thảo chương trình tổng thể…
Cần coi trọng hơn phương pháp đánh giá tự luận
Nhiều chuyên gia tuy không hoạt động trong lĩnh vực toán học nhưng đã lên tiếng “bất bình” vì sự đánh giá không đúng vai trò của môn toán được thể hiện trong dự thảo chương trình tổng thể.
Theo ông Bùi Gia Thịnh, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục VN, người từng tham gia viết sách giáo khoa môn vật lý chương trình hiện hành, việc xác định năng lực chuyên môn của môn toán nếu chỉ ghi như trong dự thảo là “năng lực tính toán” thì hoàn toàn không đủ. Ông Thịnh khẳng định: “Nếu ghi vậy thì không nói lên được vai trò của môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông, vì thiếu hẳn các yếu tố hình học cũng như tư duy và lập luận toán học để giải quyết vấn đề”.
Còn GS Nguyễn Cương cũng cho biết ông là người ủng hộ việc Hội Toán học VN không đồng ý với Bộ GD-ĐT tổ chức thi trắc nghiệm môn toán. Vì thế, vấn đề này nếu không kịp giải quyết với kỳ thi THPT quốc gia thì có thể điều chỉnh ở chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, cần coi trọng hơn phương pháp đánh giá tự luận, đặc biệt khi xây dựng chương trình các môn học và viết sách giáo khoa.
“Cần nói rõ không thể chỉ dùng phương pháp đánh giá trắc nghiệm khách quan khi kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS, đặc biệt đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục công dân, lịch sử, địa lý. Cần phải coi trọng hơn tự luận. Bởi trong đánh giá năng lực, khi chúng ta chú ý tới mục tiêu đánh giá năng lực sáng tạo, thì rõ ràng đánh giá bằng phương thức trắc nghiệm khách quan không đạt yêu cầu”, GS Cương nói.
GS Ngô Việt Trung, Viện Toán học, cũng bày tỏ mối lo ngại về khả năng tự luận, khả năng sáng tạo nhưng lại giỏi học thuộc lòng của người học hiện nay. “Quan trọng là phải dạy các em tư duy logic, trên cơ sở những hiểu biết tối thiểu để từ đó có khả năng biểu đạt suy nghĩ của mình thông qua ngôn ngữ”, GS Trung nói.
GS Bạch Thành Công, Hội Vật lý VN, cũng tán thành ý kiến này: “Có thể thấy sản phẩm giáo dục phổ thông của chúng ta kỹ năng thực hành rất yếu, dù có thể điểm thi đầu vào ĐH của các em cao. Dự thảo chương trình cho thấy chúng ta chuyển giảng dạy truyền thụ kiến thức sang tiếp cận năng lực là đúng đắn, nhưng vấn đề là phải hiện thực hóa được ý tưởng đó”.
Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là điều tốt
Điểm mới nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là đã được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, áp dụng phương pháp sơ đồ ngược: mục tiêu giáo dục - chuẩn đầu ra - nội dung giáo dục - phương pháp giáo dục - phương pháp đánh giá. Chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông được đưa ra dưới hình thức “chân dung” HS mới với 6 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi.
Điểm mới thứ hai là sự xuất hiện của những môn học mới và những môn học tích hợp như học tập trải nghiệm và sáng tạo, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, khoa học máy tính, thiết kế và công nghệ... Cuối cùng là sự xuất hiện của các môn học tự chọn ở lớp 11, 12 theo ý đồ phân hóa và định hướng nghề nghiệp. Cũng theo ý đồ của những nhà thiết kế chương trình thì sau khi triển khai ổn định chương trình mới, sẽ tiến đến việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với cách thi và cách tổ chức giảng dạy theo định hướng thi cử như hiện nay thì bỏ kỳ thi này sẽ là một điều tốt. Thực sự nếu vẫn còn kỳ thi này thì những thay đổi tích cực trong chương trình mới sẽ mãi chỉ là trên giấy vì mọi tập trung của thầy, trò, phụ huynh rốt cuộc cũng hướng về các kỳ thi. Chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông sẽ được đánh giá một cách khách quan qua các kỳ thi có tính độc lập như IELTS, TOEFL, SAT, các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH VN, các buổi phỏng vấn học bổng... Thay đổi hình thức đánh giá sẽ có tác động ngược trở lại với cách dạy và học. Lúc đó sẽ không cần phải hô hào, vận động nhiều vì chương trình phổ thông mới sẽ tự động phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, việc xuất hiện các môn học mới, các môn học tích hợp cũng như các môn học tự chọn vừa là điểm mới tạo ra sự khác biệt nhưng cũng là điểm gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Về tổng thể, phải có một sự chuẩn bị kỹ càng trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Về chi tiết, mỗi trường phải linh động trong việc bố trí, sử dụng giáo viên, lên kế hoạch đào tạo và tái đào tạo thì mới đáp ứng được những yêu cầu mới.
Trên thực tế, khi triển khai học chế tín chỉ ở các trường ĐH cho thấy việc cho tự chọn các môn học sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề, trong đó cụ thể và rõ ràng nhất là ta sẽ không dự đoán trước được số lượng đăng ký của HS và chắc chắn sẽ nảy sinh ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên. Và chắc chắn sẽ dẫn đến tình huống các trường (đặc biệt là các trường nhỏ, ít HS) phải giảm “món ăn” tự chọn của HS xuống. Với điều kiện ngân sách eo hẹp hiện nay, chắc chắn đây sẽ là khó khăn số một.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng (Giảng viên Khoa Toán - tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
|