Khi thiết kế bài dạy, cần phải:
Bước 1: Xác định mục tiêu
Mục tiêu giáo dục không chỉ giới hạn trong việc truyền thụ hệ thống tri thức chuyên môn mà nhằm phát triển toàn diện nhân cách của người học, thông qua việc phát triển các năng lực cho học sinh.
Trong việc soạn giáo án, ngoài việc xác định các mục tiêu dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ trong chương trình; giáo viên cần chú ý xác định mục tiêu phát triển năng lực một cách rõ ràng, có thể đạt được và có thể kiểm tra đánh giá được.
Do đó, khi mô tả mục tiêu dạy học của bài học cần xác định mục tiêu kiến thức, kĩ năng và mục tiêu năng lực của bài học đó.
Ví dụ: Mục tiêu bài 22 (môn Công nghệ 11) - Thân máy và nắp máy:
Mục tiêu kiến thức, kĩ năng: Biết được nhiệm vụ và cấu tạo chung của thân máy và nắp máy. Biết được đặc điểm cấu tạo của thân xilanh và nắp máy động cơ làm mát bằng nước và bằng không khí.
Mục tiêu năng lực: Nhận biết được thân máy, nắp máy động cơ qua thực tế hoặc qua bản vẽ. Phân biệt được thân máy động cơ làm mát bằng nước hay bằng không khí, nắp máy động cơ 2 kì hay 4 kì. Giải thích được tại sao trên thân máy, nắp máy lại có cánh tản nhiệt. Năng lực đọc sơ đồ cấu tạo.
Bước 2: Chuẩn bị của giáo viên và học sinh
Dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ càng của cả giáo viên và học sinh. Trong mỗi bài dạy, giáo viên cần nghiên cứu nội dung bài học và tham khảo thông tin có liên quan tới nội dung bài học trong các tài liệu tham khảo.
Bên cạnh đó, giáo viên cần khai thác, lựa chọn, cập nhật các thông tin trên mạng có liên quan đến nội dung bài học. Ngoài ra, giáo viên cần giao nhiệm vụ cho học sinh (từ tiết học trước) để học sinh có một tâm thế tiếp thu bài học tốt khi đã có sự chuẩn bị ở nhà.
Công nghệ 11 là môn học có tính ứng dụng cao, hầu hết các nội dung môn học đều gắn với thực tiễn đời sống. Vì vậy, dạy học môn Công nghệ 11 theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, giáo viên cần có sự trang bị đầy đủ về phương tiện dạy học.
Việc chuẩn bị đầy đủ các phương tiện dạy học giúp học sinh hiểu rõ hơn về bản chất của mọi khái niệm trừu tượng, là cơ sở khoa học minh chứng có sức thuyết phục, là sự vật trực quan sinh động nhất, giúp việc học trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả...
Để tăng cường cơ sở vật chất cho môn học, giáo viên bộ môn Công nghệ có thể đề xuất mua một số thiết bị dạy học để phục vụ cho bài dạy hoặc khuyến khích học sinh sưu tầm một số thiết bị có trong thực tế, hoặc khuyến khích học sinh và giáo viên tự làm thiết bị dạy học, …
Ví dụ: Trong phần Động cơ đốt trong môn Công nghệ 11, có thể tìm mua động cơ xe máy 4 kì (xe Honđa) và động cơ xe máy 2 kì (xe Simson). Thiết bị này có thể dùng làm phương tiện trực quan cho các bài dạy: Bài 20 - Khái quát về động cơ đốt trong; bài 21 - Nguyên lí làm việc của động cơ đốt trong; bài 22 - Thân máy và nắp máy; bài 23 - Cơ cấu trục khuỷu thanh truyền; bài 24 - Cơ cấu phân phối khí; bài 31 - Thực hành: Tìm hiểu cấu tạo của động cơ đốt trong; bài 34 - Động cơ đốt trong dùng cho xe máy.
Bước 3: Thiết kế các hoạt động dạy và học
Việc thiết kế các hoạt động dạy và học phù hợp với kiến thức đã có, động lực và mức độ quan tâm của học sinh bằng cách lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học một cách khoa học và hợp lí. Bên cạnh đó, cần sử dụng các phương tiện và thiết bị dạy học phù hợp với từng hoạt động học tập nhằm phát triển năng lực cho học sinh.
Phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ chú ý tích cực hoá học sinh về hoạt động trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên và học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội.
Trong hệ thống các phương pháp dạy học quen thuộc hiện nay, có nhiều phương pháp tích cực. Về hoạt động nhận thức, các phương pháp thực hành là “tích cực” hơn phương pháp trực quan, còn các phương pháp trực quan thì lại “tích cực” hơn các phương pháp dạy học dùng lời.
Bởi vậy, trong các bài dạy, giáo viên nên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực như: Phương pháp dạy học trực quan, phương pháp dạy học dự án, phương pháp dạy học nhóm, ….
Có thể khẳng định rằng: Muốn thực hiện dạy học phát triển năng lực cho học sinh không thể chỉ áp dụng một phương pháp dạy học tích cực nào đó mà cần kết hợp và khai thác những lợi thế, ưu điểm của nhiều phương pháp dạy học khác nhau.