Sử dụng hợp lý thơ ca, ca dao, tục ngữ vào trong bài học Địa lí là một cách làm đa dạng hóa các phương pháp dạy học, tránh hiện tượng HS bị nhàm chán với cách thức tổ chức lớp học; góp phần đa dạng hóa các kênh thông tin, làm bài học trở nên gần gũi hơn với cuộc sống, HS cũng nắm bắt nhanh hơn, hiểu sâu hơn, dễ học thuộc bài.
Là một giáo viên trẻ, yêu nghề, cô Nguyễn Thị Trang – giáo viên Trường THPT B Hải Hậu, Nam Định – đã khiến giờ học Địa lý trở nên hấp dẫn, sinh động với kho tàng ca dao, tục ngữ, những bài hát, câu thơ gần gũi, quen thuộc.
Sử dụng ca dao, tục ngữ là phương pháp dạy học, không chỉ là ví dụ cho bài học
Cô Nguyễn Thị Trang chia sẻ, bản thân của ca dao, tục ngữ có đặc điểm là câu nói ngắn, có ý nghĩa, có vần điệu nên khi nghe HS dễ nhớ. Khi giáo viên (GV) lồng ghép, liên kết với kiến thức địa lí thì trong quá trình tư duy học sinh sẽ có sự gắn kết các kiến thức với ngôn ngữ ca dao, tục ngữ, như vậy sẽ vừa dễ hiểu, dễ nhớ, tăng thêm phần thuyết phục cho bài học. Tùy từng bài, từng phần nội dung bài học, giáo viên sử dụng những câu ca dao, tục ngữ có liên quan.
Tuy nhiên, việc sử dụng thơ ca, ca dao, tục ngữ vào bài học địa lí yêu cầu GV phải nắm vững các nguyên tắc sư phạm, nắm vững lí luận dạy học; đảm bảo tính vừa sức của HS.
“Phương pháp dạy học hiện đại với xu thế lấy HS làm trung tâm là phương pháp HS chủ động chiếm lĩnh tri thức. Ca dao, tục ngữ là một kho tàng kiến thức của nhân loại, được đúc kết và truyền miệng qua nhiều thế hệ.
Vì vậy, việc sử dụng ca dao, tục ngữ vào trong dạy học địa lí là một phương pháp dạy học cụ thể chứ không đơn giản chỉ là một ví dụ minh họa cho bài học.Vậy trong quá trình dạy học, ta phải biết cách dùng các câu thơ ca, ca dao, tục ngữ một cách linh động, hiệu quả.
Vì vậy, phải để học sinh tự phân tích các câu ca dao, tục ngữ để tìm lấy tri thức. Đây là phương pháp dạy học nhanh và hiệu quả, đồng thời tạo cho học sinh hứng thú hăng say học tập và ngày càng thích thú hơn bộ môn” – cô Nguyễn Thị Trang cho hay.
Cô giáo Nguyễn Thị Trang
Lưu ý để không sa đà, làm mất đi tính đặc thù của bộ môn
Lồng ghép sử dụng thơ ca, ca dao, tục ngữ vào bài dạy như thế nào để đạt được kết quả cao nhất và không sa đà làm mất đi tính đặc thù của bộ môn là một việc rất khó khăn và cần phải cân nhắc, cẩn trọng. Nhấn mạnh điều này, cô Nguyễn Thị Trang chia sẻ kinh nghiệm của mình như sau:
Đối với giáo viên: Trong khi soạn bài phải cân nhắc thật kỹ những nội dung cần đưa vào bài giảng, phải khéo léo lồng ghép để làm rõ được nội dung mà mình muốn cho học sinh đạt được
Bên cạnh đó, phải hệ thống câu hỏi rõ ràng, rành mạch; chịu khó sưu tầm những câu văn, câu thơ, tục ngữ, ca dao liên quan đến bài dạy; đảm bảo tính chính xác của những nội dung mình cần đưa vào bài dạy.
Sử dụng triệt để đồ dùng dạy học, kết hợp giữa văn học với các đồ dùng trực quan để hình thành cho các em khái niệm mang tính trực quan cao. Giáo viên phải làm tốt công tác tổ chức giờ học, quán xuyến học sinh, không sa đà vào nội dung văn học.
Đối với học sinh: Phải tích cực tham gia xây dựng bài, chú ý lắng nghe thầy cô giáo giảng bài; tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi khám phá môn học; chịu khó sưu tầm ca dao tục ngữ nói về thiên nhiên, đất nước con người Việt Nam
Sử dụng thơ, ca dao,tục ngữ để giới thiệu bài
Dạy học là một quá trình. Quá trình đó bắt đầu từ khâu thiết kế, biên soạn và lên lớp. Trong đó, khâu biên soạn phần mở đầu sẽ có vai trò to lớn.
Cô Nguyễn Thị Trang cho rằng, yêu cầu với phần giới thiệu bài cần ngắn gọn, súc tích, khái quát cao và gợi mở sự hứng thú của HS. Chính vì vậy việc sử dụng thơ ca, ca dao, tục ngữ trong giới thiệu bài có tác dụng rất lớn đối với định hướng nhận thức HS.
Ví dụ, để vào bài 1“Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ”, GV có thể mở bài bằng hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang/ Cà Mau, mũi đất mỡ màng phù sa”; sau đó đặt câu hỏi: Em nào biết, những địa danh Hà Giang, Cà Mau cho chúng ta biết điều gì?
Hoặc khi dạy bài 37:“Vấn đề khai thác thế mạnh ở Tây Nguyên”, GV có thể giới thiệu Tây Nguyên bằng những lời thơ của Tế Hanh: “Bác Hồ ơi Tây Nguyên giàu đẹp/ Kon Tum, Pleiku, Đắc Lắc, Lâm Đồng/ Màu đất đỏ như tấm lòng son sắt”; sau đó đặt câu hỏi: Vậy sự giàu đẹp và các thế mạnh trong phát triển kinh tế Tây Nguyên như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi trên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bài hôm nay.
Sử dụng thơ, ca dao,tục ngữ để khắc sâu kiến thức
Cô Nguyễn Thị Trang lấy ví dụ bài 8 “Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển” với nội dung hoạt động: Đánh giá ảnh hưởng của biển Đông đến thiên nhiên Việt Nam. Phương pháp được sử dụng đàm thoại gợi mở, phát vấn, thảo luận nhóm. Cụ thể, với nội dung này, GV chia nhóm và giao nhiệm vụ cho các nhóm.
Nhóm 1: Đọc SGK mục 2, kết hợp hiểu biết của bản thân hãy: Nêu tác động của biển Đông tới khí hậu nước ta; giải thích tại sao nước ta lại mưa nhiều hơn các nước khác cùng vĩ độ? Câu ca dao sau nói lên tác động gì của biển Đông tới khí hậu nước ta: “Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang/ Mây kéo lên ngàn, thì mưa như trút”?
Nhóm 2: Dựa vào Atlat địa lý trang 6,7 hãy: Kể tên các dạng địa hình ven biển nước ta? Xác định trên bản đồ Tự nhiên Việt Nam vị trí các vịnh biển: Hạ Long (Quảng Ninh), Xuân Đài (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hoà), Cam Ranh (Khánh Hoà)? Kể tên các điểm du lịch, nghỉ mát nổi tiếng của vùng biển nước ta: “Nước sông Gianh vừa trong vừa mát/ Truông Quảng Bình nhỏ cát dễ đi.”
Nhóm 3: Dựa vào hiểu biết của bản thân và quan sát bản đồ trả lời các câu hỏi: Đoạn thơ sau đây nói lên ảnh hưởng nào của biển Đông tới nước ta: “Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển/ Móng Cái – Cà Mau hình chiếc lưỡi câu/ Câu những túi vàng đen mỏ dầu trong lòng đất” (Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển – Nguyễn Trọng Phú)?
Chứng minh Biển Đông giàu tài nguyên khoáng sản và hải sản? Tại sao vùng ven biển Nam Trung Bộ rất thuận lợi cho hoạt động làm muối? (Do có nhiệt độ cao, sóng gió, nhiều nắng, ít mưa, lại chỉ có một vài con sông đổ ra biển).
Nhóm 4: Dựa vào hiểu biết của bản thân và quan sát Atlat trả lời: Biển Đông ảnh hưởng như thế nào đối với cảnh quan thiên nhiên nước ta? Rừng ngập mặn ven biển ở nước ta phát triển mạnh nhất ở đâu? Tại sao rừng ngập mặn lại bị thu hẹp?
Bước 2: Sau khi các nhóm tiến hành thảo luận, đại diện từng nhóm trình bày; các nhóm khác bổ sung ý kiến.
Bước 3: GV yêu cầu HS đọc câu ca dao sau và cho biết câu ca dao đó nói về ảnh hưởng nào của biển Đông tới nước ta: “Những người đi biển làm nghề/ Thấy dòng nước nóng thì về đừng đi/ Sóng lừng, bụng biển ầm ì /Bão mưa ta tránh chớ hề ra khơi”.
HS trả lời, HS khác nhận xét, bổ sung. GV nhận xét phần trình bày của HS và kết luận các ý đúng của mỗi nhóm và đưa ra kết luận chung.
Sử dụng trong kiểm tra, đánh giá học sinh
Việc sử dụng thơ ca, ca dao, tục ngữ trong kiểm tra, đánh giá sẽ góp phần tạo hứng thú, ham tìm tòi kiến thức của HS. GV có thể yêu cầu HS dựa vào kiến thức đã học để vận dụng trong việc giải thích các câu ca dao, tục ngữ, thơ ca. Sử dụng thơ ca, ca dao, tục ngữ trong việc hình thành bài tập về nhà, kiểm tra bài cũ và kiểm tra định kỳ.
Cô Nguyễn Thị Trang chia sẻ các hình thức ra đề như sau:
Đưa ra các bài thơ ca, ca dao, tục ngữ và yêu cầu giải thích. Ví dụ: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt, bên mưa quây”. Dựa vào kiến thức đã học, hãy giải thích câu thơ trên?
Đưa ra các bài thơ ca, ca dao, tục ngữ và cho biết đặc điểm nào của địa lý Việt Nam được thể hiện, ví dụ: Câu tục ngữ sau nói về đặc điểm nào của gió mùa mùa đông: “Tháng giêng rét đài/ Tháng hai rét lộc/ Tháng ba rét nàng Bân”?...
Ngoài việc sử dụng thơ, ca dao, tục ngữ vào các hoạt động trên, cô Nguyễn Thị Trang cũng áp dụng phương pháp này khi giảng dạy và tìm hiểu về địa lý địa phương tỉnh Nam Định. Với cách làm này, HS tích cực, chủ động trong tìm tòi các bài thơ ca, ca dao, tục ngữ gắn với kiến thức bài học. Giáo viên chuyển từ vai trò chính trong giảng dạy sang người hướng dẫn, gợi mở và tư vấn, hỗ trợ học sinh.
Cô Trang cho biết đã tổng hợp kiến thức bài học với các bài thơ, ca dao, tục ngữ thành một cuốn sổ tay Địa lí: “Địa lí trong thơ ca, ca dao, tục ngữ”, phục vụ rất hiệu quả trong quá trình giảng dạy.