Cô Chu Thị Yến trực tiếp lên lớp
"Nếu lãnh đạo nhà trường không quyết liệt, chắc chắn không thể thay đổi, SHCM không những không đem lại hiệu quả và còn mất thời gian" - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lãng Sơn - đặt quyết tâm khi xác định bồi dưỡng đội ngũ giáo viên là khâu then chốt và với định hướng SHCM theo nghiên cứu bài học định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học là trụ cột đổi mới nhà trường.
Thay ghi chép bằng lưu lại khoảnh khắc
Quyết tâm cao, nhưng bắt tay vào việc mới thấy ngổn ngang khó khăn và không còn cách nào khác là trực tiếp hiệu trưởng phải vào việc. Cô Chu Thị Yến chia sẻ: Việc đầu tiên mình làm là phân tích cho giáo viên hiểu sâu, hiểu kỹ nội hàm của SHCM theo nghiên cứu bài học; chuyển nỗi trăn trở, băn khoăn của hiệu trưởng thành nỗi trăn trở của giáo viên.
Đích thân chủ trì các buổi tập huấn triển khai SHCM theo nghiên cứu bài bọc; chưa từng bỏ sót một buổi SHCM nào cùng tập thể giáo viên; trực tiếp tham gia dạy chuyên đề để giáo viên cả trường dự và phân tích tiết học - đó là những điều cô Yến làm bằng cả tâm huyết, để chứng tỏ mình không đứng ngoài cuộc trong SHCM.
"Có thể là bài dạy của hiệu trưởng chưa phải là tuyệt vời, nhưng tôi thấy rõ việc làm của mình đã truyền cảm hứng đến giáo viên. Cán bộ quản lý và giáo viên thực sự gần gũi, gắn kết hơn nhiều khi cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chung" - cô Yên chia sẻ.
Thời gian đầu, giáo viên chưa quen với việc sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, cô Yến cho biết mình phải tập cho giáo viên từng việc nhỏ nhất. Bản thân cô luôn đứng khi dự giờ để quan sát việc học của từng học sinh; bỏ hết ghế dư thừa trong lớp học; tập cách ghi chép theo 4 ý (mô tả thấy gì? Lúc nào? Tại sao? Giải pháp và bài học kinh nghiệm); phân tích mẫu một hoạt động học của học sinh để định hướng cho giáo viên. Sau đó, phân tích một hoạt động học cụ thể, không tham yêu cầu giáo viên phân tích cả bài học.
Ngày nào cũng vậy, cô trò Trường tiểu học Lãng Sơn đã quen với hình ảnh cô hiệu trưởng đến thăm từng lớp học, dùng điện thoại quay, chụp ảnh khoảnh khắc học sinh học tập trên lớp. Những hình ảnh ấy là tư liệu tuyệt vời để biết học sinh có tích cực lắng nghe, cộng tác, chia sẻ, tương tác... với giáo viên trong giờ học.
Tất cả những thước phim, hình ảnh đó được tự tay cô hiệu trưởng lựa chọn, đưa ra phân tích vào các buổi sinh hoạt chuyên môn, vừa để động viên, vừa để giáo viên điều chỉnh. Trong các buổi dự giờ, việc ghi chép tiến trình giờ học cũng được thay đổi bằng lưu lại những khoảnh khắc học tập của học sinh.
|
Một tiết dự giờ của học sinh lớp 4 Trường tiểu học Lãng Sơn |
Lưu lại các câu chuyện sinh hoạt chuyên môn
Một việc làm trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học vô cùng quan trọng và có ý nghĩa, theo cô Yến, đó là việc viết các câu chuyện SHCM.
Tại Trường Tiểu học Lãng Sơn, sau nghiên cứu mỗi bài học, mọi người đều có những cảm nhận sâu sắc về những tình huống học tập của học sinh. Các thầy cô suy ngẫm, viết lại những gì diễn ra trong tình huống học tập đó; phân tích nguyên nhân, chia sẻ giải pháp, bài học kinh nghiệm... Điều này được áp dụng vào thực tế giảng dạy hàng ngày.
"Trong hai năm trở lại đây, mỗi năm nhà trường có khoảng trên 30 bài chia sẻ câu chuyện chuyên môn được đăng tải trên web của Phòng và của Sở GD&ĐT. SHCM theo nghiên cứu bài học thực sự là nhu cầu không thể thiếu của giáo viên Trường tiểu học Lãng Sơn" - cô Chu Thị Yến cho hay.
Một trong những kinh nghiệm thành công được cô Yến chia sẻ, đó là tầm quan trọng của người chủ trì sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học rất cao, nên những ngày đầu, hiệu trưởng phải là người duy trì việc phân tích bài học của giáo viên sau dự giờ.
Người chủ trì phải biết đào sâu suy nghĩ của người phát biểu; liên kết, kết nối các ý kiến của người phát biểu; chỉ ra điểm giống và khác nhau giữa các ý kiến; tìm ra chi tiết quan trọng trên hình ảnh để mọi người cùng suy ngẫm và chia sẻ; rèn và tập cho giáo viên cách chia sẻ vụ thể, rõ ràng tươi mới, thuyết phục, đa chiều; giúp họ rút ra điều quan trọng có thể học được và quan trọng hơn cả là làm cho không khí buổi thảo luận cởi mở, thoải mái, có tính học hỏi; mọi người trong trường đều có thể duy trì buổi thảo luận được.
Chính vì sự gần gũi, hòa đồng của hiệu trưởng, không khí vui vẻ thoải mái nên giáo viên có nhiều cơ hội chia sẻ những băn khoăn suy nghĩ của mình. Mọi giáo viên đều có thể xung phong dạy minh họa trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học.
"Tôi rất vui vì những việc mình đã, đang làm về SHCM theo nghiên cứu bài học đã dần khẳng định được trách nhiệm trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Bởi nghiên cứu bài học để xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng cách thức học hỏi lẫn nhau, tác động đến bài học. Từ đó, giáo viên, học sinh thay đổi và trường học thay đổi. Qua nghiên cứu bài học, việc hình thành và phát triển các năng lực và phẩm chất của học sinh được nhà trường quan tâm" - cô Chu Thị Yến chia sẻ.
Những việc làm cụ thể của cô hiệu trưởng góp phần thổi luồng gió mới vào Trường Tiểu học Lãng Sơn. Trường có 17/23 thầy cô giáo là giáo viên dạy giỏi cấp huyện; trong đó, 5 thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Học sinh mạnh dạn, tự tin, chia sẻ, giúp đỡ, lắng nghe, cộng tác có hiệu quả trong các hoạt động giáo dục.
Nhiều năm liên tục, Trường được công nhận Tập thể lao động xuất sắc, Bằng khen của UBND tỉnh. Năm học 2015-2016, nhà trường đã được Bộ GD&ĐT tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm hoc 2015-2016.