Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, lúc nào thầy cô cũng bắt học trò theo ý mình tức là thiếu tôn trọng học sinh. (Ảnh: Thùy Linh)
Đến nay, nhiều người bức xúc về việc cô Hương - Trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng) phạt trò trong lớp nói chuyện riêng bằng cách bắt uống nước giẻ lau.
Thậm chí, nhiều giáo viên cũng cảm thấy không thể chấp nhận được hành động phản cảm, đặc biệt, một nhà giáo lão thành đã phải thốt lên rằng: “Tôi cảm thấy xấu hổ khi có một đồng nghiệp như vậy”.
Trước đó, một giáo viên ở thành phố Hồ Chí Minh lên lớp im lặng với học sinh suốt bốn tháng nhưng sự việc chỉ vỡ lẽ khi học sinh bật khóc tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/3 vừa qua.
Sau khi những câu chuyện buồn này được thông tin khắp các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người băn khoăn rằng, liệu có phải do áp lực của ngành giáo dục quá lớn khiến tình thầy – trò ngày trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận:
“Đây chính là căn bệnh của giáo dục mà lâu nay nhiều người đề cập đến một cách chưa đầy đủ và hiện nó đang phát huy tác dụng.
Đó là phương pháp giáo dục quyền uy lấy áp đặt, lấy kỷ luật để bắt buộc học sinh phải thế này, thế kia chứ không phải xuất phát từ phương pháp giáo dục hay quan điểm giáo dục tiến bộ”.
Bởi thầy Lâm cho rằng, áp lực về kiến thức của giáo dục là không nhiều bởi hiện nay học sinh có nhiều nguồn thông tin để tìm kiếm thông qua Internet.
Từ đó, theo thầy Lâm, để giải quyết triệt để “căn bệnh” này thì trước tiên phải loại bỏ quan điểm giáo dục coi nhà trường là nhất, coi là thầy cô là nhất để cùng nhau tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng học trò.
“Nếu vẫn giữ quan điểm giáo dục đó thì những câu chuyện buồn sẽ vẫn còn xảy ra.
Lúc nào thầy cô cũng bắt học trò theo ý mình tức là thiếu tôn trọng học sinh.
Cái gốc vấn đề là ở đây chứ không phải do áp lực giảng dạy”, thầy Lâm đánh giá.
Hơn nữa, cần “huấn luyện” đạo đức và năng lực nghiệp vụ sư phạm để mỗi thầy cô phải thực sự trở thành một nhà sư phạm chứ không phải cứ dùng quyền uy của mình để “đuổi học” mỗi khi các em mắc lỗi.
“Làm sao để “đuổi học” không còn trong mỗi trường học nữa chứ hiện nay, học sinh nào ngoan thì được dạy dỗ còn em nào phát triển cá tính riêng thì bị tiêu diệt là không ổn”, thầy Lâm chỉ rõ.
Đặc biệt, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm và mỗi nhà trường hiện nay trong quá trình sử dụng, bồi dưỡng giáo viên cần chú ý cao đến đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng tay nghề sư phạm.
Mỗi nhà trường hãy mang khẩu hiệu mỗi thầy cô mang niềm vui hạnh phúc cho học trò, còn hiện nay đang có tình trạng một số thầy cô mang lại khổ đau, khổ sở cho học trò.
Muốn làm được điều này thì trong các nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở giáo viên về đạo đức nghề giáo, các thầy cô cần thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với nhau để tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp từ đó thay đổi suy nghĩ, cách làm thay vì cứ họp hội đồng là Hiệu trưởng chỉ báo cáo, rao giảng.
Thực tế, hiện nay chúng ta mới chú trọng dạy học sinh giá trị sống, kỹ năng sống cho học trò nhưng rõ ràng thầy cô phải có giá trị sống, kỹ năng sống thì mới dạy dỗ được học trò của mình.
“Vì vậy, các thầy cô phải được học tập, bồi dưỡng, trải nghiệm để có được giá trị tôn trọng, khoan dung, trách nhiệm với học trò của mình.
Bởi người dạy học không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy nhân cách cho các em”, thầy Lâm chỉ rõ.