Với dạy học sử thi, việc dạy đọc hiểu văn bản theo hướng tích hợp cần lưu ý cả tích hợp dọc và tích hợp ngang
Tích hợp dọc theo chương trình các cấp học
Tích hợp dọc là tích hợp một đơn vị kiến thức, kĩ năng đã học trước đó theo nguyên tắc đồng trục. Nếu như các thể loại văn học dân gian khác như truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, ca dao đều đã được học ở các cấp học trước thì lên đến bậc THPT hoc sinh mới có điều kiện làm quen với sử thi.
Tuy chưa có nền tảng và về tri thức thể loại, nhưng cũng có được sự liên hệ với những kiến thức liên quan đã học từ lớp dưới, những tri thức về thể loại khác để các em có thể so sánh, đối chiếu. Giáo viên có thể đặt những câu hỏi so sánh trong bài giảng của mình như:
Kể tên các thể loại văn học dân gian? Trong các thể loại đó, thể loại nào chưa từng được học?
Tại sao lại xếp sử thi vào thể loại tự sự dân gian? Vì sao cũng kể về người anh hùng dân tộc nhưng không thể xếp Thánh Gióng vào thể loại sử thi?
Đồng thời trong chương trình Ngữ Văn lớp 10, các tác phẩm sử thi được sắp xếp thành cụm, thuận lợi cho việc so sánh, đối chiếu, hoặc liên hệ các tác phẩm với nhau. Ví dụ khi học xong hai tác phẩm Đăm Săn và Ô đi xê giáo viên có thể tổng hợp cho học sinh thấy tuy cùng viết về những anh hùng của dân tộc nhưng Đăm Săn là sử thi dân gian mang tư duy hồn nhiên, chất phác còn Ô đi xê và Ramayana là sử thi bác học vì thế phong phú, phức tạp, sâu sắc tinh tế hơn. Ô-đi-xê được nhà thơ Hô-me-rơ tăng cường tính nhân bản, thẩm mĩ thì Ramayana được đạo sĩ Van- mi- ki tô đậm hơn chất tôn giáo và tâm linh.
Sau khi học xong các tác phẩm giáo viên có thể cho học sinh lập bảng so sánh
Tiêu chí
|
Sử thi Đăm Săn
|
Sử thi Ô – đi – xê
|
Sử thi Ramayana
|
Loại sử thi
|
Sử thi anh hùng
|
|
Sử thi dân gian
|
Sử thi bác học
|
Sử thi bác học
|
Tác giả
|
Nhân dân Tây Nguyên
|
Thi sĩ: Hô- me- rơ
|
Đạo sĩ: Van- mi-ki
|
Đặc điểm
|
Tư duy chất phác, hồn nhiên
|
Mang tính nhân văn và giá trị thẩm mĩ
|
Mang màu sắc tôn giáo, tâm linh
|
Giáo viên có thể giúp học sinh lập bảng thống kê để thấy điểm tương đồng giữa nội dung các sử thi anh hùng
Tác phẩm
|
Anh hùng
|
Kẻ đối địch
|
Người vợ
|
Người trợ giúp
|
Đăm Săn
|
Đăm Săn
|
Mtao Mxây
|
Hơ Nhị
|
Ông trời
|
Ô- đi- xê
|
Uy-lít- xơ
|
108 kẻ cầu hôn
|
Pê- nê-lốp
|
Gia nhân
|
Ramayana
|
Rama
|
Ra- van- na
|
Xi-ta
|
Đội quân khỉ
|
Giáo viên cũng có thể so sánh hai sử thi anh hùng của văn học nước ngoài bằng bảng thống kê
Tiêu chí
|
Sử thi Ô- đi- xê
|
Sử thi Ramayana
|
Đất nước
|
Hy Lạp
|
Ấn Độ
|
Văn minh
|
Phương Tây
|
Phương Đông
|
Nội dung
|
Cuộc phiêu lưu trên biển của Uy-lít -xơ tiêu biểu cho quá trình người Hy Lạp vươn ra biển mở rộng giao lưu thương nghiệp
|
Hành trình trong rừng sâu của Rama tái hiện quá trình người Ấn Độ hướng tới những suy tư về tôn giáo, triết học, thấy được mối quan hệ giữa con người và vũ trụ
|
Đặc điểm
|
Mang màu sắc thực tiễn
|
Mang tính tôn giáo tâm linh
|
Giá trị
|
Gửi gắm khát vọng trí tuệ
|
Nhấn mạnh phẩm chất đạo đức
|
Khi giảng dạy ba tác phẩm sử thi trong nhà trường, tuy rằng mỗi tác phẩm viết trong thời kì khác nhau với nội dung và ý nghĩa khác nhau nhưng giáo viên luôn cần có ý thức so sánh đối chiếu để học sinh có tư duy cụ thể, rõ ràng về thể loại văn học này
Tích hợp kiến thức liên môn
Tích hợp ngang kiến thức các môn học có liên quan đến nhau hiện nay đang là một phương pháp được sử dụng trong việc đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn trong trường THPT.
Bên cạnh việc tích hợp ba phân môn của môn Ngữ Văn (đọc văn, tiếng Việt và làm văn), giáo viên cần đưa thêm những kiến thức về văn hóa, xã hội, con người vào bài học để gia tăng thêm kiến thức thực tế, tạo nên sự hiểu biết toàn diện cho học sinh.
Khi dạy đọc hiểu về thể loại sử thi trong chương trình THPT, giáo viên khai thác văn bản theo đặc trưng thể loại là một việc làm cần thiết, đúng với yêu cầu của phương pháp dạy học Văn.
Bên cạnh đó, với phương pháp tích hợp kiến thức liên môn không chỉ giúp giáo viên truyền tải nội dung bài học phong phú, mà còn giúp học sinh đi vào khám phá tác phẩm, từ đó thấy hết được cái hay cũng như vẻ đẹp riêng của sử thi so với các thể tự sự dân gian khác.
Có thể thấy các tác giả sách giáo khoa đã lấy chính những tác phẩm đọc văn làm ngữ liệu cho các bài tiếng Việt, làm văn trong chương trình. Tiêu biểu như trong bài: Chọn sự việc chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự, có câu hỏi đặt ra:
Đọc đoạn trích Uy- lit-xơ trở về ( trích sử thi Ô- đi- xê) anh ( chị ) hãy cho biết: Hô- me- rơ kể chuyện gì? Ở phần cuối đoạn trích, tác giả đã chọn sự việc quan trọng đó là sự việc gì, được kể bằng những chi tiết tiêu biểu nào? Có thể coi đây là thành công của Hô- me-rơ trong nghệ thuật kể chuyện khổng, vì sao? (sách giáo khoa Ngữ Văn 10 tập I, trang 64)
Trong bài Văn bản văn học (Sách giáo khoa Ngữ Văn 10 tập I, trang 59), Sử thi Đăm Săn được lấy làm ngữ liệu tìm hiểu đặc điểm của văn bản văn học.
Trong bài: Tóm tắt văn bản tự sự (Sách giáo khoa Ngữ Văn 10 tập I, trang 89) yêu cầu: Có thể tóm tắt chuyện của những nhân vật nào trong đoạn trích Uy-lit-xơ trở về? hãy viết bản tóm tắt chuyện của một nhân vật trong đoạn trích đó.
Hay trong phân môn làm văn, các văn bản sử thi có thể lấy làm đề bài cho các bài viết: thuyết minh, tự sự, hoặc nghị luận văn học.
Giáo viên cần tích hợp kiến thức về lịch sử và văn hóa xã hội khi giảng dạy về sử thi bởi đây là thể loại được hình thành trong thời kì các tác phẩm văn học sử học, triết học rất gần gũi với nhau về nội dung.
Có thể thấy những văn bản trong chương trình học có rất nhiều ngôn ngữ cổ (hiện nay không còn xuất hiện). Đây chính là cách gọi tên định danh sự việc theo tư duy của người cổ đại tạo nên “không khí thời đại sử thi”.
Tuy nhiên chính điều đó cũng gây lên những khó khăn khi học sinh đọc – hiểu tác phẩm. Chính vì vậy việc cung cấp kiến thức về văn hóa xã hội là rất cần thiết để học sinh tiếp nhận văn bản thuận lợi.
Khi hướng dẫn đọc hiểu sử thi Đăm Săn, giáo viên có thể cung cấp cho học sinh những quan niệm trong băn hóa dân gian của người Ê đê. Đó là tục lệ “nối dây” trong hôn nhân xưa, là sinh hoạt mang văn hóa cồng chiêng của nhân dân Tây Nguyên.
Giáo viên có thể giới thiệu những hình ảnh về trang phục truyền thống, cách ăn ở, cách sử dụng những dụng cụ nhạc điệu của người Ê Đê để học sinh hình dung cụ thể hơn cách sống cách suy nghĩ của những dân tộc này.
Không chỉ những kiến thức về văn hóa xã hội của các dân tộc khác trong nước, mà những kiến thức về các quốc gia khác trên thế giới cũng rất cần thiết và gây được sự chú ý, thích thú cho học sinh, tạo hiệu quả cho bài học.
Văn minh Ấn Độ xuất hiện và tồn tại từ rất lâu đời với những nét đẹp truyền thống rất riêng. Người Ấn Độ luôn soi chiếu mỗi cá nhân dưới góc độ đạo lí và tôn giáo.
Vì vậy Ra ma quên đi nguy hiểm để cứu Xi Ta nhưng cũng chính chàng sẵn sàng ruồng bỏ Xi ta để làm tròn bổn phận một vị vua mẫu mực. Xi ta sẵn sàng hi sinh tính mạng để chứng minh sự trong sáng, danh tiết của một người phụ nữ thủy chung.
Việc cung cấp tri thức về đời sống văn hóa xã hội cho học sinh về mỗi dân tộc, mỗi thời đại là rất cần thiết, nhất là trong xã hội hiện đại đã có độ lùi về thời gian khiến việc tiếp nhận giá trị tác phẩm sẽ hạn chế hơn.
Khi giảng dạy về tác phẩm Đăm Săn, giáo viên có thể giới thiệu về quá trình hình thành các bộ tộc các buôn làng. Giới thiệu cho học sinh kiến thức về lịch sử qua các tranh ảnh, số liệu hay những sự kiện trong đại gắn liền với cuộc sống của người Ê đê.
Giáo viên trình chiếu những kiến thức về địa lý, những địa bàn sinh sống chủ yếu của con người Tây Nguyên, cách sống cách sinh hoạt, săn bắn, hái lượm của họ. Về văn hóa, giáo viên giới thiệu với học sinh kiến thức về cách ăn ở, sinh hoạt, lối trang phục, phong tục tập quán của họ để học sinh có thể tượng tượng hình dung được về chân dung của tù trưởng Đăm Săn qua những lời kể trong sử thi.
Hoặc khi dạy về tác phẩm Ô- đi-xê, giáo viên giới thiệu về bộ thần thoại Hy Lạp nổi tiếng với các vị thần tiêu biểu. Giáo viên giới thiệu về cuộc chiến thành Tơ Roa và vai trò của Uy- lit- xơ trong cuộc chiến này. Đây vừa là kiến thức văn hóa, văn học, vừa là kiến thức lịch sử xã hội.
Giáo viên có thể giới thiệu các công trình nghệ thuật đặc trưng cho nền văn minh phương Tây, lối ăn mặc, trang phục của người phụ nữ, đàn ông Hy Lạp thời kì trước. Việc đưa thêm những kiến thức tích hợp như vậy không khiến mất thời gian của tiết học mà càng làm phong phú đa dạng nội dung, tăng thêm hứng thú học tập cho học sinh.