Sát thực
Yêu cầu “sát thực” được Sở GD&ĐT Phú Yên đưa ra với các nội dung cụ thể là: Nội dung chuẩn với thực tế đối tượng và điều kiện giảng dạy, với thời lượng cho phép; biên soạn đủ dạng các bài luyện tập tương đương với các ví dụ nêu trong chuẩn và sách giáo khoa nhằm giúp học sinh rèn luyện kĩ năng giải Toán đạt chuẩn hóa và phân hóa theo mức độ yêu cầu của chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thực hiện chuẩn gắn với chương trình tự chọn của bộ môn.
Cùng với đó, chú trọng các ví dụ và bài toán có nội dung thực tiễn đời sống và gắn với các môn học khác (làm cho học sinh thấy rõ Toán học gắn với cuộc sống và làm quen với việc áp dụng tri thức Toán học để giải các bài toán thực tế, các bài toán của môn học Vật lí, Hóa học, Sinh học… Các đề kiểu PISA là một ví dụ).
Trực quan
Với nội dung này, Sở GD&ĐT Phú Yên làm rõ: Tiếp cận chuẩn bằng phương pháp trực quan nhằm giảm tính hàn lâm, giảm các nội dung nặng nề, đơn giản hóa những vấn đề phức tạp, nhưng không làm mất tính chính xác và suy luận có lý mà chuẩn đề ra.
Đồng thời, dạy và học kiến thức kĩ năng theo chuẩn trên cơ sở dẫn dắt từng bước từ những ví dụ và mô tả khái niệm một cách rõ ràng, tránh áp đặt thiếu tự nhiên.
Đúng chuẩn
Đảm bảo yêu cầu đúng chuẩn, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Phú Yên là đúng kiến thức, kĩ năng, mức độ phức tạp của dạng loại toán minh họa, những lưu ý nêu trong chuẩn.
Trước hết đảm bảo đạt chuẩn hóa và phân hóa theo mức độ yêu cầu của chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; hạn chế các ví dụ và bài tập phức tạp, đòi hỏi kĩ thuật và mẹo mực nội dung khô cứng thiếu tự nhiên khó tiếp thu, giảm bớt số lượng công thức cần nhớ; đảm bảo sự gọn, chặt chẽ và hệ thống kiến thức, kĩ năng mà chuẩn nêu; tăng cường tính chủ động của học sinh trong giờ học.
Đổi mới
Trong đổi mới, vấn đề đầu tiên là đổi mới về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Cụ thể, đổi mới kiểm tra đánh giá theo chuẩn, đổi mới công cụ kiểm tra đánh giá, đổi mới thời lượng, đổi mới thứ tự thực hiện kiến thức kĩ năng chuẩn nêu, đổi mới phương tiện dạy học để đổi mới phương pháp dạy học tăng cường tính chủ động của học sinh trong giờ học, giúp học sinh tích cực, hứng thú học tập.
Cùng với đó, tìm tòi sáng tạo những cách đưa nội dung học tập một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, tự nhiên mà vẫn chính xác. Cần đa dạng hoá các hoạt động thực hiện chuẩn (ôn lại kiến thức, giới thiệu kiến thức mới, học trước ở nhà, làm tại lớp, chia theo đề tài thực hiện cá nhân hay nhóm nhỏ, áp dụng ngay kiến thức vừa học, câu hỏi trắc nghiệm khách quan, sử dụng máy tính cầm tay để giải toán…).
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên - nhấn mạnh: Trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá phải chú trọng căn cứ theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của nội dung chương trình mà Bộ GD&ĐT ban hành.
Những kiến thức, kĩ năng cơ bản và phương pháp tư duy mang tính đặc thù của Toán học phù hợp với định hướng của cấp học THPT. Ngoài ra, tăng cường tính thực tiễn và tính sư phạm, không yêu cầu quá cao về lí thuyết; giúp học sinh nâng cao năng lực tư duy trừu tượng và hình thành cảm xúc thẩm mĩ, khả năng diễn đạt ý tưởng qua học tập của từng môn học.
Về phương pháp dạy học, ông Phạm Văn Cường cho rằng: Cần tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh, rèn luyện khả năng tự học, phát hiện và giải quyết vấn đề của học sinh nhằm hình thành và phát triển ở học sinh tư duy tích cực, độc lập và sáng tạo.
Giáo viên chọn lựa sử dụng các phương pháp phát huy tính tích cực chủ động của học sinh trong học tập và phát huy khả năng tự học; đồng thời, hoạt động hoá việc học tập của học sinh bằng những dẫn dắt cho học sinh tự thân trải nghiệm chiếm lĩnh tri thức, chống lối học thụ động.
Các thầy cô cũng lưu ý tận dụng ưu thế của từng phương pháp dạy học, chú trọng sử dụng phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề; coi trọng cả cung cấp kiến thức, rèn luyện kĩ năng lẫn vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, thiết kế bài giảng, đề kiểm tra đánh giá cần theo khung đã hướng dẫn của Bộ GD&ĐT ban hành. Trong đó, đảm bảo quán triệt các yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học về soạn giảng bài và kiểm tra đánh giá.
Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học thông qua công tác bồi dưỡng giáo viên và thông qua việc dự giờ thăm lớp của giáo viên, tổ chức rút kinh nghiệm giảng dạy ở các tổ chuyên môn, hội thảo cấp trường, cụm trường, địa phương, hội thi giáo viên giỏi các cấp.
Sở GD&ĐT Phú Yên cũng khuyến khích giáo viên áp dụng linh hoạt chương trình và SGK theo đặc điểm vùng, miền và đối tượng học sinh. Tổ chức dạy học kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kĩ năng cần đảm bảo tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập trong hoạt động, để từng đối tượng học sinh đều đạt được chuẩn đó và phát triển được các năng lực của cá nhân bằng những giải pháp phù hợp.