Học sinh tự thiết kế trang phục, kịch bản để diễn từ các chuyên đề học văn - Ảnh: M.L. |
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, từ năm học này bộ sẽ thiết kế chuyên đề nhiều môn học theo định hướng nghề nghiệp. Tại trường quốc tế nơi tôi công tác, dạy theo chuyên đề đã được thực hiện mấy năm nay.
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp gần 20 năm, tôi thấy việc dạy theo chuyên đề là giải pháp hết sức khả thi mà không cần thay sách.
Lấy học sinh làm trung tâm
Đối với môn văn, chúng tôi bố trí lại toàn bộ bài dạy theo chương trình học (từng khối lớp) thông qua hình thức các chuyên đề. Nghĩa là chúng tôi dựa hoàn toàn vào chương trình sách giáo khoa của bộ để cấu trúc bài theo từng nhóm chuyên đề.
Các chuyên đề bao gồm: Văn học dân gian (được làm trên cơ sở gom các bài học lý thuết về Văn học dân gian, thể loại, các tác phẩm tiêu biểu); Văn học trung đại (có văn xuôi và thơ ca trung đại), Văn học hiện đại; Các phong cách ngôn ngữ; Các thao tác lập luận trong chương trình làm văn - Tiếng Việt; Các phương châm hội thoại.
Học theo chuyên đề, học sinh được xem là trung tâm. Các em hoàn toàn không cần trả bài và làm bài tập về nhà, mà sẽ được giáo viên cung cấp ý tưởng và nội dung chính, sau đó chính các em sẽ tự tìm hình thức phù hợp cho từng chuyên đề sẽ học.
Các em tự phân nhóm thuyết trình, tự viết kịch bản, tự phân vai diễn kịch. Các em còn vẽ tranh minh họa, làm poster, bigbook để lưu lại chuyên đề đã thực hiện.
Các "sản phẩm" này sẽ được luân phiên trưng bày tại sảnh chính và các buổi event, triển lãm của trường. Đây là cơ sở để tính điểm và duy trì động lực, đam mê cho học sinh.
Và cứ thế, học theo từng chuyên đề với cả thầy và trò đều là cơ hội chứng tỏ bản thân, tạo hứng thú học văn. Riêng với học sinh, các em ngày càng tự tin trong phản biện dựa trên thông tin đa chiều về các vấn đề.
Biến giờ học văn thành tiết được vui chơi
|
Học sinh trình diễn từ các chuyên đề học văn - Ảnh: M.L. |
Với học sinh cấp 2, 3 trường tôi, không em nào sợ học văn. Ngược lại, theo lời các em, được tới phòng bộ môn văn là tới "ngôi nhà vui".
Không những được "vẽ" lại bài học theo ý thích, tự viết theo cảm nhận, các em còn làm những dự án vừa sức từ các chuyên đề.
Như ở lớp 9, 11, chúng tôi gom các bài: phong cách ngôn ngữ báo chí, chính luận, bản tin làm thành chuyên đề "Học sinh làm báo", biến mỗi học sinh thành một nhà báo thật sự.
Trước tết cổ truyền, các em đi chụp hình hoạt động đón xuân và viết phóng sự xuân về ở ngôi trường mình theo học. Sau tết, các em viết "Đường hoa Nguyễn Huệ - nạn cướp hoa và giải pháp". Các em lớp 9 thì viết về vấn nạn thuốc lá và bạo lực học đường.
Các em lớp 6 và lớp 10 có chuyên đề văn học dân gian thì có dự án: "Văn học dân gian từ tác phẩm đến cuộc đời". Qua gợi ý, tư vấn của giáo viên văn, các em tự viết kịch bản, phân vai diễn kịch Thánh Gióng.
Chỉ với kinh phí 500.000 đồng, trường chúng tôi đã làm thành công dự án báo cáo cấp cụm. Các thầy cô Cụm 4 TP.HCM tham dự đều rất hào hứng trước việc học sinh từ chuyên đề được học đã tự thiết kế trang phục, kịch bản sân khấu và cả làm phim ngắn. Các em diễn kịch, thuyết trình, phản biện đều sinh động.
Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng phấn khởi với hình thức học tập mới mẻ của con: "Các con thích lắm, phụ huynh thì vui sướng quá đi"...
Từ thực tế ở trường mình, chúng tôi tự tin khẳng định: dạy văn theo chuyên đề không khó, bởi chúng tôi từng làm và đã làm cả chương trình khung.
Chúng tôi cũng khẳng định không cần thay sách giáo khoa vẫn dạy và học văn tốt, vì từ sách giáo khoa chúng tôi tự điều chuyển bài thành chuyên đề.
Chìa khóa cho việc dạy theo chuyên đề, theo thiển ý cá nhân, là giáo viên phải có năng lực điều phối hoạt động để phát huy tốt nhất năng lực từng học sinh. Giáo viên phải tự điều chuyển các bài học thành một chuyên đề, và cam kết không học theo bài mẫu.