Với nhiều thầy, cô giảng dạy GDCD, việc này thực sự là niềm vui bởi nó sẽ góp phần to lớn trong việc thay đổi và nâng tầm vị thế môn học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời vị thế thầy cô giảng dạy bộ môn GDCD cũng được xã hội nhìn nhận một cách tích cực hơn.
Lựa chọn môn GDCD vào tổ hợp môn thi Khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia lần này cũng thấy được một bước đi quan trọng của Bộ GD&ĐT trong việc cụ thể hóa các kế hoạch, hành động để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Việc giáo dục đạo đức, nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức tuân thủ và thượng tôn pháp luật, các kiến thức về kinh tế, chính trị xã hội của đất nước, của địa phương cho học sinh cần có một thước đo để làm động lực cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn GDCD tiếp tục phấn đấu.
Vậy thì, một câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để dạy và học tốt môn GDCD, đáp ứng tốt nhất cho các em chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để tham gia thi và thi tốt môn GDCD?
Nhất là trong điều kiện chương trình kiến thức pháp luật lớp 12 lại tương đối khó với nhận thức lứa tuổi các em, thời lượng ít ỏi (chỉ có 1 tiết/tuần), lực lượng giáo viên thì mỏng (bình quân mỗi trường chỉ có khoảng 3 đến 4 giáo viên, có đơn vị chỉ có 2 giáo viên, mỗi giáo viên lại phải đến 13, 14 lớp, thậm chí có giáo viên phải dạy đến 18, 20 lớp/học kỳ). Đây thực sự là một thách thức rất lớn với đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn GCDC trong nhiều trường THPT hiện nay.
Nhưng, tạm gác lại những khó khăn ấy sang một bên, qua nghiên cứu và tìm đọc tài liệu, qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh, cá nhân tôi xin mạnh dạn trao đổi với bạn đọc và đồng nghiệp một số vấn đề để dạy và học ôn thi tốt môn GDCD như sau:
Thuận lợi
Thứ nhất: Đa số giáo viên hào hứng, hăng hái với kỳ thi.
Thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ cho 68 giáo viên cốt cán giảng dạy môn GDCD tại các trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh trong đợt tập huấn xây dựng đề thi trắc nghiệm môn GDCD, với hai câu hỏi: Một là: Đồng chí có đồng ý với việc Bộ GD&ĐT đưa môn GDCD vào kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia không? Chúng tôi nhận được 100% ý kiến cho rằng đồng ý thi.
Hai là: Mức độ hào hứng của các đồng chí khi bộ môn lần đầu tiên được tham gia thi tốt nghiệp? Chúng tôi nhận được 60 ý kiến hào hứng, 8 đồng chí còn lại giữ ở mức độ bình thường. Điều này chứng tỏ, đa số cán bộ, giáo viên phụ trách bộ môn thực sự đã chuẩn bị tâm thế cho kỳ thi lần này.
Thứ 2: Ban giám hiệu các trường THPT tạo điều kiện cho hoạt động dạy học và chỉ đạo kịp thời.
Điều này thể hiện ở việc, ngay sau khi công văn 4818 của Bộ GD&ĐT được ban hành, Ban giám hiệu, Ban chuyên môn nhà trường đã tiến hành rà soát lại chương trình bộ môn, tiến hành tổ chức khảo sát và thăm dò nhu cầu của học sinh bằng cách phát đơn cho các em tự nguyện chọn lựa và đăng ký thi các môn Khoa học xã hội hay Khoa học tự nhiên. Từ đó đề ra các phương án kịp thời để tăng cường chất lượng và thời lượng dạy học, đối với cá lớp có học lực học sinh trung bình và yếu thì tăng tiết dạy chính khóa để bồi dưỡng kiến thức cho các em
Thứ 3: Có đề minh họa nhanh để GV-HS tiếp cận tham khảo, rút kinh nghiệm.
Ngay sau khi có đề minh họa mà Bộ GD&ĐT phát hành, giáo viên và học sinh thở phào nhẹ nhõm, bởi họ đã có kim chỉ nam, có hướng đi.
Thứ 4: Nhìn chung đa số học sinh yêu thích môn học và có quyết tâm lựa chọn và theo học môn GDCD.
Như đã trình bày ở trên, trong chương trình GDCD bậc THPT thì chương trình pháp luật khối 12 khá khó đối với nhận thức lứa tuổi của các em, tuy vậy nhìn chung kiến thức pháp luật lại gần gũi và sát với thực tiễn cuộc sống.
Do đó, khi giảng dạy, giáo viên có thể lựa chọn những ví dụ, những tình huống pháp luật phát sinh trong thực tiễn để liên hệ và giáo dục cho học sinh thì các em lại rất hào hứng và thích thú.
Có lẽ chính vì điều này nên khi trao đổi với chúng tôi về đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đưa ra, nhiều học sinh cho rằng đề không khó, việc đạt điểm trung bình là trong tầm tay, nhưng để đạt điểm cao thì lại không hề đơn giản. Chính điều này, chúng tôi tin rằng, nếu được hướng dẫn học và ôn tập một cách bài bản thì việc làm bài thi môn GDCD nằm trong tầm tay.
Thứ 5: Ưu thế của công nghệ thông tin kết nối GV lại gần nhau hơn
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin mà nhất là mạng Internet đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho đội ngũ giáo viên dễ dàng tiếp cận, nắm bắt và trao đổi thông tin; từ đó đội ngũ giáo viên có thể chia sẽ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ cho nhau một cách tích cực. Người học vì vậy cũng sẽ có nhiều kênh thông tin thuận lợi hơn trong việc tiếp cận kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển phẩm chất và năng lực.
Khó khăn
Thứ nhất: Nhận thức tư tưởng của một bộ phận học sinh còn hạn chế. Lâu nay HS ít ưu tiên cho bộ môn nên khó thay đổi nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các em đối với bộ môn. Nhiều em vẫn còn tư tưởng chờ đợi, ỷ lại, thậm chí lười biếng trong học tập và rèn luyện. Việc học của một số em vẫn còn dừng lại ở học đối phó với thầy cô mà chưa nhận thức được rằng, việc học là nhằm để trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển phẩm chất năng lực để mai sau lập nghiệp.
Thứ hai: Lần đầu thi nên tâm lí của HS sẽ có phần hoang mang. Chính tâm lí này mà khi đứng trước việc chọn lựa môn thi, nhiều em vừa muốn chọn nhưng lại vừa không dám chọn. Tâm sự với tác giả bài viết, không ít học sinh cho rằng, mặc dù rất thích môn GDCD vì kiến thức pháp luật gần gũi, dễ hiểu nhưng không dám chọn môn này thi vì sợ lần đầu tiên thi nên sẽ khó hơn vì chưa có tiền lệ.
Thứ ba: Một số GV chưa thật sự hăng hái, thậm chí còn đứng ngoài cuộc. Một số khác thì không mong đợi kỳ thi. Không ít giáo viên thở dài khi biết rằng môn GDCD sẽ là môn thi tốt nghiệp THPT. Chính tâm lí của một bộ phận giáo viên là rào cản trong chất lượng dạy và học GDCD.
“5 phải”, “5 bám” trong dạy học, ôn tập môn Giáo dục công dân
Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, theo chúng tôi để dạy học và ôn tập tốt môn GDCD, thầy cô cần thực hiện tốt các yêu cầu và nguyên tắc sau đây:
Năm phải: Phải đảm bảo nội dung chương trình dạy học không bị cắt xén. Phải đảm bảo không gây áp lực, căng thẳng, quá tải cho học sinh. Phải phát huy tinh thần, trách nhiệm của cá nhân, tổ, nhóm chuyên môn. Phải cung cấp cho HS kiến thức đảm bảo 3 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, và vận dụng. Phải lựa chọn phương pháp và nội dung phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Năm bám: Bám sát Tài liệu GDCD 12. Bám sát Chuẩn kiến thức kĩ năng GDCD 12. Bám sát chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT. Bám sát tình huống, bài tập GDCD 12 và các tình huống pháp luật trong thực tiễn. Bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.
Làm thế nào để dạy - học hiệu quả
Thứ nhất: Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức cho học sinh
Có thể khẳng định rằng, công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức đối với học sinh hiện nay là một vấn đề hết sức cần thiết, cần phải được coi trọng. Bởi thực tế làm công tác giảng dạy và giáo dục chúng tôi nhận thấy, ở đâu và khi nào, nhà trường làm tốt công tác giáo dục tư tưởng nhận thức thì ở đó nền nếp sẽ tốt hơn, tạo thuận lợi cho công tác giáo dục toàn diện của nhà trường.
Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng học tập, thầy cô cần phải quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho học sinh nhận thức được việc học tập đối với bản thân là một nhu cầu tự thân, học để ngày mai lập nghiệp, lập thân chứ không đơn thuần là học để thi cử. Nhất là trong điều kiện môn GDCD lần đầu tiên tham gia thi tốt nghiệp THPT.
Thứ 2: Tăng cường đầu tư soạn giảng, đi sâu khai thác trọng tâm bài học, giúp HS nắm được bản chất vấn đề, chứ không nhất thiết học thuộc.
Luật giáo dục đã khẳng định, người thầy đóng vai trò trong việc quyết định chất lượng giáo dục; chính vì vậy, muốn nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu cho ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia đạt kết quả cao, người thầy cần tăng cường đầu tư soạn giảng có chất lượng cao; tập trung thời gian khai thác trọng tâm bài học, giúp học sinh hiểu và nắm chắc được bản chất bài học, chứ không nhất thiết học vẹt, học thuộc lòng.
Thứ 3: Trong quá trình giảng dạy phải chú ý đến đối tượng học sinh, nhất là học sinh có học lực trung bình, yếu.
Thực tế chỉ ra rằng, trong các lớp học bao giờ cũng có sự phân hóa các đối tượng học sinh. Do vậy, để giúp đỡ các học sinh yếu, kém tiến bộ, giáo viên chủ nhiệm lớp cần phối hợp với thầy, cô giáo bộ môn phải thật sự quan tâm, phát hiện ra những học sinh non về kiến thức, yếu về kĩ năng để giúp đỡ các em khắc phục. Từng bước vươn lên trong học tập để có kết quả như mong muốn.
Thứ 4: Phải thật sự nghiêm túc trong khâu kiểm tra, đánh giá học sinh.
Kiểm tra, đánh giá là khâu cuối cùng của quá trình dạy học. Mục đích của kiểm tra, đánh giá là để phân xếp loại học sinh, kiểm định chất lượng dạy học cuối cùng của thầy và trò. Nếu chúng ta làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ và thường xuyên tốt, phản ánh được một cách khách quan kết quả học tập, để từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học, chúng tôi tin rằng chất lượng sẽ tăng lên.
Ngược lại, nếu công tác kiểm tra, đánh giá không được coi trọng, không được làm bài bản, nghiêm túc, chắc chắn kết quả dạy học sẽ ngày càng trì trệ. Cũng qua khâu kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh giáo viên cũng có thể tiến hành dạy ôn thi, phụ đạo khi cần thiết.
Thứ 5: Tăng cường kiểm tra dạng câu hỏi trắc nghiệm.
Để giúp học sinh làm quen với dạng đề trắc nghiệm và rèn luyện tốt kiến thức, kỹ năng, ngoài việcthầy cô cũng phải tăng cường cho học sinh cả trong phần kiểm tra bài cũ và củng cố bài mới.
Với quan điểm “mưa dầm, thấm lâu”, chúng tôi tin rằng, việc tăng cường kiểm tra, đánh giá bằng câu hỏi trắc nghiệm trong quá trình dạy học sẽ góp phần quan trọng trong việc định hướng và giúp học sinh rèn luyện các kiến thức, kĩ năng cần thiết để các em tự tin hướng đến kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Thứ 6: Tăng cường sử dụng các tình huống pháp luật, video, tòa tuyên án để khắc sâu kiến thức cho học sinh, giúp các em có khả năng vận dụng vào thực tiễn.
Trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay, việc khai thác các tình huống pháp luật, các video hay các phiên tòa xử án trên mạng internet đã trở thành một công cụ để đội ngũ có thể vận dụng vào dạy học.
Muốn vậy, thầy cô cần tranh thủ thời gian để tìm kiếm, chọn lựa những tình huống pháp luật, những video phù hợp với nội dung bài học để triển khai giảng dạy, qua đó khắc sâu kiến thức pháp luật, gắn nội dung bài học với việc vận dụng kiến thức pháp luật vào đời sống thực tiễn một cách hiệu quả nhất.
Thực tế giảng dạy cho thấy, một khi người thầy khai thác tốt phương tiện, thiết bị và công nghệ thông tin vào giảng dạy thì tiết ấy sôi nổi, học sinh tích cực hào hứng. Chất lượng, hiệu quả dạy học vì thế sẽ ngày càng cao hơn.
Qua đó giúp HS biết phân tích, tổng hợp, lý giải, nhận xét đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội. Vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi các em.
Có như vậy, chúng tôi tin rằng, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường nói chung và chất lượng dạy-học môn GDCD nói riêng sẽ đáp ứng được yêu cầu của đổi mới toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW trong những năm tiếp theo