Tiết dự giờ trong giáo dục phổ thông cần sát với yêu cầu đổi mới
Với người dạy, dự giờ sẽ giúp cho họ chủ động, tích cực, tự tin hơn trong bài giảng của mình. Thực tiễn đã chứng minh, mỗi khi có người đến dự giờ, các giáo viên đều có tinh thần chuẩn bị bài kĩ lưỡng hơn, thậm chí còn có sự trao đổi về bài dạy trước khi lên lớp. Khi có người tới dự giờ, lớp học cũng diễn ra sôi nổi hơn, ý thức học tập của các em sẽ tốt hơn. Đây là điều kiện tốt nhất để giáo viên phát huy tính sáng tạo của HS.
Việc dự giờ không chỉ giúp cho nhà giáo đi dự giờ học tập, đúc kết kinh nghiệm từ tiết dạy của đồng nghiệp, mà còn giúp cho họ sáng tạo khi vận dụng, xử lí tốt những tình huống nảy sinh trong các tiết dạy trên lớp của mình... Tuy nhiên, tình trạng “diễn” mang tính chất hình thức, đối phó trong các tiết dự giờ, thao giảng của giáo viên vẫn còn đâu đó, trở thành vấn đề đáng quan ngại ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Tại sao nhiều thầy cô giáo lại làm vậy? Trước hết, đó là lỗi của người dạy. Do “căn bệnh” sính thành tích, thích thể hiện mình mà ra cả. Tiết dạy bình thường thì không chuẩn bị gì mấy, nhưng đến các tiết thao giảng, tiết dạy được báo trước, có đồng nghiệp, đoàn thanh tra cấp trên đến dự thì tấp nập, nháo nhào đi chuẩn bị đủ thứ. Nào làm đồ dùng dạy học, nào soạn giáo án điện tử, trình chiếu PowerPoint; nào nhờ đồng nghiệp trong, ngoài trường góp ý; nào dạy thử năm, ba lần để nhuyễn giáo án, nào sắp xếp, “mớn, gà” bài trước cho HS, em A trả lời câu hỏi này, em B lên bảng trình bày câu kia…
Các thầy cô giáo dự giờ và các em HS đều biết rõ thầy, cô giáo và đồng nghiệp của mình đang đối phó như thế nào trong tiết dự giờ. Có giáo viên “diễn” rất “vào vai”, rất tròn trịa; nhưng có những người quá mất tinh thần hoặc mất tự nhiên, khiến tiết dự giờ thua xa những buổi dạy bình thường.
Để loại bỏ được “bệnh diễn” trong các tiết thao giảng, tiết dạy có người dự thì trước hết, mỗi thầy cô giáo cần nâng cao nhận thức, hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của hoạt động dự giờ, thăm lớp. Dạy đúng với năng lực của mình, phù hợp với trình độ của HS ở từng khối, lớp. Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, các thầy cô giáo khi đi dự giờ đồng nghiệp nên tránh tình trạng “bới lông tìm vết”, không yêu cầu, bày vẽ hoặc áp đặt đồng nghiệp phải dạy như thế này, chuẩn bị như thế kia, cứ để họ dạy tự nhiên. Đánh giá, nhận xét tiết dạy lấy việc góp ý, xây dựng, động viên… là chính trên cơ sở khách quan, công tâm, chân thành và thuyết phục nhất…