Quán triệt các văn bản của Ngành
Ngay từ đầu năm học, tổ chức quán triệt tới toàn thể thành viên trong trường các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Ngành và các cấp có thẩm quyền để mọi thành viên trong trường đều nắm được trách nhiệm của mình và có nhận thức đầy đủ trong việc xác định trách nhiệm của từng cá nhân để đạt mục tiêu giáo dục của nhà trường.
Tổ chức cho giáo viên học tập Điều lệ trường Trung học, trong đó đi sâu vào nội dung cơ bản về nhiệm vụ của tổ chuyên môn, nhiệm vụ của giáo viên. Học tập các quy chế chuyên môn (quy định về thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học, việc soạn bài, lên lớp, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, hồ sơ chuyên môn, các quy định khác). Tất cả các quy định này là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của các thành viên trong nhà trường trong suốt năm học
Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ và kế hoạch cá nhân
Chỉ đạo tổ chuyên môn tổ chức xây dựng kế hoạch của các tổ chuyên môn và cá nhân đảm bảo được các yêu cầu sau:
Kế hoạch hoạt động tổ chuyên môn phải bám sát kế hoạch nhiệm vụ của nhà trường và phù hợp tình hình thực tế, đặc thù riêng của từng tổ.
Các hoạt động chuyên môn của tổ phải đảm bảo mục tiêu nhiệm vụ chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục của tổ chuyên môn theo mục tiêu của nhà trường.
Kế hoạch chuyên môn phải thể hiện rõ nội dung công việc, nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm của tổ, mục tiêu phấn đấu (cần đạt), thời gian tiến hành, biện pháp thực hiện, lực lượng tham gia, người phụ trách, những kiến nghị, đề xuất với nhà trường. Tất cả các nội dung này phải có sự bàn bạc, nhất trí cao của tập thể các thành viên trong tổ và có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng.
Kế hoạch cá nhân phải thể hiện đầy đủ các nhiệm vụ hoạt động chuyên môn và các hoạt động giáo dục khác nhằm thực hiện mục tiêu của cá nhân đó. Tập trung vào các công việc cơ bản (chất lượng giảng dạy, tỷ lệ học sinh giỏi, khá, trung bình,, tham gia các cuộc thi của giáo viên và học sinh các cấp, danh hiệu thi đua).
Duyệt kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn để có biện pháp chỉ đạo phù hợp, hướng dẫn, điều chỉnh, bổ sung (nếu có). Tập trung vào những vấn đề cơ bản trong kế hoạch là chỉ tiêu, tiến trình thực hiện.
Chỉ đạo tổ chuyên môn hoạch định nội dung sinh hoạt tổ
Hoạt động này thực hiện với 2 bước:
Bước 1: Họp với tổ trưởng chuyên môn duyệt nội dung sinh hoạt trước khi tiến hành họp tổ (trước họp tổ ít nhất 2 ngày)
Với nội dung sinh hoạt theo thời gian: Đảm bảo tính thời điểm, tính mục đích, tính kế hoạch, tính khả thi, tính hiệu quả.
Ví dụ: Tháng 9, tập trung ổn định nền nếp dạy học; nghiên cứu chương trình thời khóa biểu, xây dựng kế hoạch giảng dạy, quy định nền nếp soạn bài và lên lớp, khảo sát chất lượng đầu năm, thảo luận các chỉ tiêu phấn đấu...
Tháng 11: Thống nhất việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, thi đua dạy tốt - học tốt kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thực hiện kế hoạch tổ chức chuyên đề, tổ chức hội giảng đợt 20/11.
Với nội dung sinh hoạt theo chủ đề chủ điểm: Nội dung sinh hoạt trong tuần phải được sắp xếp theo tính chất công việc của từng thời điểm cụ thể, sắp xếp theo thứ tự việc nào cần làm trước, việc nào làm sau để khi đưa ra triển khai các thành viên xác định rõ nhiệm vụ một cách nhanh nhất, tránh ôm đồm công việc mà không xác định được yêu cầu tính chất của nó, trong đó tập trung vào các nội dung chuyên đề sau:
Thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học đảm bảo chất lượng học sinh đại trà; đánh giá, xếp loại học sinh; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; dự giờ, hội giảng, tổ chức chuyên đề; viết và áp dụng SKKN trong giảng dạy; sử dụng và quản lý trang thiết bị, đồ dùng dạy học; tham gia các hội thi cấp trường, huyện, tỉnh của giáo viên, học sinh...
Với nội dung sinh hoạt định kì, cần đảm bảo: Nhận xét, đánh giá công tác chuyên môn (tuần trước); thống nhất công tác chuyên môn tuần tiếp theo; thực hiện chương trình kế hoạch dạy học; thảo luận những bài, phần khó dạy (trọng tâm).
Lưu ý: Yêu cầu các thành viên trong tổ nghiên cứu trước chương trình, nội dung kiến thức của từng bài, từng môn để có thể đưa ra ý kiến trước tổ. Thống nhất công việc giảng dạy trọng tâm trong tuần của khối lớp, các bộ môn của tổ; các ý kiến đề xuất về thực hiện kế hoạch của tổ.
Bước 2: Bổ sung, điều chỉnh định kì (nếu cần thiết) và phê duyệt nội dung sinh hoạt của tổ.
Về chỉ đạo xây dựng quy trình, cách thức tổ chức sinh hoạt tổ: Tổ trưởng (hoặc tổ phó) là người chủ trì điều hành cuộc họp, triển khai nội dung sinh hoạt tới các thành viên trong tổ. Cử thư kí ghi biên bản cuộc họp);
Các thành viên thảo luận, đóng góp, đề xuất ý kiến; tổ trưởng tổng hợp, giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của tổ viên (trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình);
Thư kí thông qua nội dung cuộc họp. Biên bản phải đầy đủ chữ kí của chủ toạ, thư kí và được lưu giữ trong hồ sơ của tổ. Kết thúc cuộc họp, tổ trưởng báo cáo với Hiệu trưởng những vấn đề cơ bản của tổ cần được BGH chỉ đạo, giải quyết.
Về tăng cường kiểm tra nền nếp sinh hoạt tổ chuyên môn: Dự sinh hoạt chuyên môn theo hình thức báo trước và không báo trước để kiểm tra chất lượng cuộc họp cũng như việc phát huy vai trò của các thành viên trong tổ thông qua việc thảo luận, đóng góp ý kiến và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
Kiểm tra sổ ghi chép (sổ Nghị quyết) của các thành viên trong tổ sau buổi sinh hoạt chuyên môn. Nhận xét, đánh giá, tuyên dương kịp thời những tổ thực hiện tốt. Rút kinh nghiệm khi chưa đạt yêu cầu.
Để thực hiện được những giải pháp trên, BGH phải nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ năm học, phải kế hoạch hoá được toàn bộ công việc của nhà trường ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học mới. Xây dựng kế hoạch năm học của nhà trường sát thực tế, rõ mục tiêu làm cơ sở xây dựng kế hoạch chuyên môn của tổ.
BGH phải quan tâm bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức điều hành cho tổ trưởng. Xây dựng đội ngũ tổ trưởng thực sự là những người tận tâm, có trách nhiệm cao trong công việc, uy tín, gương mẫu trước các thành viên trong tổ. . Tổ trưởng chuyên môn phải nắm chắc tình hình thực tế của tổ, những thuận lợi, khó khăn , mục tiêu cần đạt của kế hoạch, kế hoạch phải được tất cả các thành viên quán triệt và thừa nhận.