Con người không chỉ có tri thức mà còn phải biết sống đúng, sống đẹp, sống có ích. Ban chi ủy, Ban giám hiệu Trường THPT Gia Viễn A (Ninh Bình) đã xác định giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh là nhiệm vụ giáo dục toàn diện của nhà trường, từ đó có kế hoạch chỉ đạo thực hiện giáo dục kỹ năng sông cho học sinh thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Tăng cường chỉ đạo, định hướng công tác giáo dục kỹ năng sống
BGH Trường THPT Gia Viễn A phân công 1 phó hiệu trưởng phụ trách công tác ngoại khóa thiết kế các chủ đề giáo dục KNS phù hợp với nội dung hoạt động thực hiện chủ đề hoạt động ngoài giờ lên lớp theo công văn chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Các chủ đề giáo dục KNS được thiết kế phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và phù hợp với đối tượng học sinh.
Nhà trường cũng tổ chức tập huấn cho cán bộ và giáo viên trong trường về vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục kỹ năng sống, cung cấp tài liệu về các kỹ năng sống cần thiết đối với học sinh THPT cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn. Định hướng phương pháp rèn kỹ năng sống cho học sinh
Phân công các chủ thể tham gia vào hoạt động giáo dục KNS cho học sinh là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn học, cán bộ đoàn chuyên trách trong nhà trường. Mỗi lực lượng tham gia chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục KNS cụ thể, chi tiết, khoa học, thiết thực và phù hợp.
Chỉ đạo các bộ phận có liên quan sử dụng linh hoạt các loại hình hoạt động, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đa dạng, sinh động, hấp dẫn để thực hiện mục tiêu giáo dục KNS đã được tích hợp
Đặc biệt nhà trường đã chỉ đạo thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao...; xây dựng được quy ước ứng xử văn hóa, xây dựng nội quy, quy định phù hợp với quy định của pháp luật và đặc thù riêng của học sinh nhà trường. Những nội quy và quy ước ứng xử được niêm yết trong các phòng học để học sinh thực hiện.
Bên cạnh đó, BGH nhà trường tích cực chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” với những hoạt động cụ thể thiết thực như: Chăm sóc bồn hoa cây cảnh, làm vệ sinh môi trường, triển khai chương trình phát thanh học đường…cũng là giải pháp góp phần trang bị thêm nhiều kiến thức kỹ năng sống cho học sinh.
Tch hợp giáo dục KNS qua các môn học
Từ năm học 2014 – 2015, nhà trường đã chỉ dạo giáo viên bộ môn giảng dạy theo hướng tích hợp, tăng cường đầu tư nhiều hơn cho công tác chuẩn bị như: xác định nội dung, địa chỉ tích hợp và các kỹ năng cần tích hợp. Tùy đặc thù của từng bộ môn để tích hợp nhiều nội dung như giáo dục môi trường, giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng chống tham nhũng, giáo dục pháp luật…
Để hoạt động tích hợp đạt hiệu quả, giáo viên dạy các môn học đã linh hoạt và mềm dẻo trong việc lựa chọn nội dung bài học và kỹ năng sống cần thiết để tích hợp.
Trong giáo án, giáo viên đã thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng và chi tiết định hướng giảng dạy của mình từ mục tiêu giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đến hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh. Nhờ đó, giáo viên có thể làm chủ được quá trình truyền thụ tri thức và hạn chế thiếu sót trong quá trình giảng dạy.
Trong khi thiết kế nội dung dạy học tích hợp kỹ năng sống, giáo viên đã thiết kế cụ thể các hoạt động mà bản thân dự kiến sẽ tổ chức và ước lượng thời gian tổ chức để tránh ảnh hưởng đến việc truyền thụ và lĩnh hội nội dung kiến thức của học sinh.
Sau mỗi bài học, giáo viên bộ môn tiến hành hoạt động kiểm tra đánh giá người học theo mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng các kỹ năng đã được trang bị vào để giải quyết những tình huống cụ thể.
Giáo dục kỹ năng sống qua giờ sinh hoạt lớp
Vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp đối với sự hình thành nhân cách, đạo đức của học sinh là vô cùng quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm lớp là cầu nối giữa hiệu trưởng nhà trường với học sinh, với cha mẹ học sinh và các đoàn thể mà các em sinh hoạt.
Giáo viên chủ nhiệm người gần gũi với học sinh nhất cũng là người đóng vai trò cầu nối và giáo dục kỹ năng sống cơ bản cho học sinh. Chính vì vậy mà gánh nặng giáo dục kỹ năng sống hiện nay đặt lên vai giáo viên chủ nhiệm ngày càng lớn. Trong công tác giáo dục kỹ năng sống, giáo viên chủ nhiệm có những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất là tư vấn, giáo dục kỹ năng cơ bản: Giáo viên chủ nhiệm cần sẵn sàng lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của lứa tuổi học sinh, nắm bắt được những vấn đề cơ bản, cùng các em vạch ra những phương án, tự đương đầu với những khó khăn trước mắt thay vì xấu hổ, rụt rè, tự ti để tâm lý luôn được thoải mái và học tập có hiệu quả.
Thứ hai: Giáo viên chủ nhiệm có thể giúp học sinh tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm trí thông qua sự kết hợp với các nhà tham vấn, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, những học sinh đang có khó khăn tâm lý, đặc biệt là những học sinh “thường xuyên lo lắng và bất an” nên nỗ lực tìm cách vượt qua hoặc tìm kiếm dịch vụ trợ giúp phù hợp để tránh những tác động tiêu cực do khó khăn tâm lý gây ra.
Ý thức được sự cần thiết của việc trau dồi các kiến thức tâm lý học và các kiến thức xã hội khác để hiểu được tâm lý của bản thân và tự nhận ra vấn đề khó khăn của mình.
Học sinh có thể chuẩn bị tâm thế trước mọi hoàn cảnh, sẵn sàng đón nhận thử thách, khó khăn trong cuộc sống, học tập và nỗ lực tìm cách khắc phục chúng. Khi cần trợ giúp nên tìm đến những dịch vụ hay những loại hình trợ giúp tâm lý chuyên nghiệp để tránh những rủi ro khác không mong muốn.
Từ những nhiệm vụ trên, trong kế hoạch chủ nhiệm các thầy cô giáo chủ nhiệm căn cứ tình hình thực tiễn của lớp mình để xây dựng những chủ đề chủ điểm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Qua mỗi chủ đề chủ điểm sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm trang bị cho các em các kỹ năng sống căn bản, cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng chia sẻ và hợp tác….
Giáo dục kỹ năng sống qua hoạt động ngoài giờ
Có thể triển khai các hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các khối lớp như:
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa: Vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các buổi truyền thông các giá trị sống, kỹ năng sống theo từng chủ đề như: Giáo dục đạo đức qua các tác phẩm văn học dân gian, phòng chống nghiện game, ma tuý, HIV/AIDS và các tệ nan xã hội, kỹ năng giao tiếp ứng xử có văn hoá, các hình thức lợi dụng và xâm hại trẻ vị thành niên, tình bạn, tình yêu học trò và sức khoẻ sinh sản vị thành niên, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm...
Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ: Đây là một loại hình hoạt động quan trọng, không thể thiếu được trong sinh hoạt tập thể. Hoạt động này bao gồm nhiều thể loại khác nhau: Hát, múa, thơ ca, kịch ngắn, kịch câm, tấu vui, độc tấu, nhạc cụ, thi kể chuyện.
Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao: Vui chơi, giải trí là nhu cầu thiết yếu của học sinh, đồng thời là quyền lợi của học sinh. Nó là một loại hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với học sinh ở bậc THPT.
Hoạt động này làm thỏa mãn về tinh thần cho các em sau những giờ học căng thẳng, góp phần rèn luyện một số phẩm chất: tính tổ chức, kỉ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái.
Tổ chức các hoạt động xã hội: Bước đầu đưa học sinh vào các hoạt động xã hội như chăm sóc di tích động Hoa Lư xã Gia Hưng, thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng xã Liên Sơn, huyện Gia Viên… Hoạt động này khi tiến hành thường xuyên sẽ khai thác một cách triệt để nhằm phát triển tối đa nhân cách ở học sinh.
Tổ chức các hoạt động lao động công ích: Đây là một loại hình đặc trưng của hoạt động ngoài giờ lên lớp. Lao động công ích giúp học sinh vận dụng kiến thức vào đời sống như: Trực nhật, vệ sinh lớp học, sân trường, làm đẹp bồn hoa, cây cảnh cho đẹp trường, lớp. Đây là hoạt động tưởng như là thường xuyên nhưng thực ra trong nhà trường hiện nay học sinh ít được tham gia.
Tổ chức hoạt động tiếp cận và sáng tạo khoa học - kĩ thuật: Đây là hoạt động giúp học sinh tiếp cận được những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến và bước đầu sáng chế những máy móc, thiết bị từ những vật liệu tái chế.
Thông qua hoạt động này, nhà trường đã tạo điều kiện cho các em làm quen với việc nghiên cứu khoa học, tạo cho các em sự say mê, tìm tòi, kích thích học tập tốt hơn đồng thời hình thành ở các em đức tính cần, kiệm và kỹ năng tự khẳng định mình.