Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; theo dự thảo chương trình phổ thông mới sau năm 2015, Bộ GD&ĐT xác định: “Chương trình giáo dục phổ thông nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen, phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần;
Trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo”.
Mục đích chương trình giáo dục phổ thông là đích đến, là đầu ra của sản phẩm giáo dục – nhân cách người học mà nhà trường phổ thông nói chung, hay nhiệm vụ của cán bộ quản lý, cán bộ giáo viên mỗi nhà trường phải góp phần sáng tạo nên.
Liên quan các nội dung trên, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội). Tòa soạn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Những lí do nêu cao vai trò chủ nhiệm
Để đạt mục tiêu trên mỗi thành viên của nhà trường (cán bộ quản lý, cán bộ giáo viên) phải có được những phẩm chất, năng lực nhất định. Mỗi mục tiêu giáo dục của một giai đoạn nhất định sẽ đòi hỏi cán bộ quản lý, giáo viên của mỗi nhà trường phải đáp ứng được những yêu cầu của thời đại giai đoạn đó.
Rõ ràng cán bộ quản lý, giáo viên mỗi nhà trường trong giai đoạn hiện nay phải thật sự thay đổi, phải có đủ phẩm chất, năng lực mới đảm bảo vai trò tự chủ trong việc thực hiện các quá trình giáo dục bằng những quan điểm, phương pháp giáo dục hiện đại mới đào tạo được những “người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời”…
Nếu không biết khẳng định nêu cao vị trí của giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường phổ thông, chúng ta không thể yêu cầu cao để họ hoàn thành sứ mệnh cao cả này.
Thứ nữa là sự thay đổi của đối tượng học sinh cũng như những yêu cầu mới của sự phát triển của khoa học giáo dục hiện đại ngày nay bắt buộc các nhà quản lý, giáo viên các cấp phải thay đổi, phải có những năng lực mới đáp ứng được xu hướng phát triển giáo dục thời kỳ hội nhập.
Nhà trường hiện nay phải đáp ứng yêu cầu học tập của mọi đối tượng học sinh để đảm bảo quyền học tập của mỗi học sinh, đảm bảo phổ cập giáo dục toàn dân.
Quan điểm “kén chọn lớp người tinh hoa” để giáo dục không còn nữa hay quan điểm “giáo dục phải thải loại” các đối tượng cũng không phù hợp. Nhà trường, cụ thể là đội ngũ nhà giáo chỉ có thể thay đổi phương pháp, thay đổi chính mình;
Họ phải có đủ phẩm chất năng lực phù hợp yêu cầu giáo dục mới, với sự thay đổi tâm sinh lý học sinh hiện tại, mới có thể đáp ứng yêu cầu “giáo dục cho mọi người”.
Đã đến lúc phải chấm dứt loại nhà trường “Mackeno”, một nhà trường mà đầu vào học sinh thế nào, đầu ra học sinh vẫn như thế, hết năm học sinh cứ lên lớp, không biết học sinh có thay đổi gì không? Làm sao chấm dứt tình trạng học sinh học đến lớp 7 rồi vẫn phải quay lại học lớp 1, lớp 2.
Cuối cùng vị trí vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp. Đây là căn cứ quan trọng nhất để xem xét, xác định vị trí vai trò của người giáo viên chủ nhiệm trong việc thực hiện các quá trình giáo dục trong các nhà trường phổ thông.
Thực hiện mục tiêu giáo dục, làm nên chất lượng giáo dục phải là công việc của cả hệ thống, nhưng người trực tiếp làm nên chất lượng giáo dục, trực tiếp tác động lên quá trình hình thành, phát triển nhân cách người học thì chỉ có cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm của mỗi nhà trường.
Trước hết, họ phải là những nhà giáo dục chứ không phải những “thợ dạy” hay những “thợ dạy biết phê học bạ” của một số không nhỏ giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm hiện nay.
Chỉ có xác định đúng mỗi giáo viên chủ nhiệm phải là nhà quản lý lãnh đạo tập thể học sinh (lớp học) nhưng họ cũng là nhà giáo dục, phải có đủ tài năng sư phạm mới tác động hỗ trợ từng học sinh hoàn thiện phát triển nhân cách, đồng thời là người tổ chức, phối hợp các lực lượng giáo dục sao cho có hiệu quả nhất trong việc tác động đến sự phát triển nhân cách người học.
Để nêu cao vai trò của nhà giáo dục, người giáo viên chủ nhiệm phải có tài năng, năng lực mới đảm nhận được vai trò của mình.
Những năng lực cốt lõi của giáo viên chủ nhiệm
Chúng tôi quan niệm về năng lực của giáo viên chủ nhiệm khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015 sẽ là:“Tổng hợp những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần có của giáo viên chủ nhiệm khi tham gia các hoạt động giáo dục học sinh ở các cấp học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục của cấp học và hỗ trợ học sinh hoàn thiện phát triển nhân cách”.
Từ quan niệm về năng lực giáo viên chủ nhiệm lớp chúng tôi xác định có hai loại năng lực giáo viên chủ nhiệm cần có hiện nay. Ngoài năng lực chung, những năng lực cần thiết bắt buộc phải có cho mỗi giáo viên chủ nhiệm còn có loại năng lực cụ thể.
Đó là những năng lực riêng để hoàn thành những nhiệm vụ, những nội dung của những chương trình giáo dục cụ thể của nhà trường phổ thông trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục.
Năng lực quản lý, lãnh đạo
Giáo viên chủ nhiệm thường được giao quản lý một lớp từ 25 học sinh đến 50 học sinh trong 1 năm học hoặc cả 3,4 năm của 1 cấp học. Do đó năng lực quản lý, lãnh đạo phải được coi trọng và đây là việc làm đầu tiên cần đến ở người giáo viên chủ nhiệm.
Họ phải có đủ hiểu biết và các kỹ năng để điều tra khảo sát, xây dựng kế hoạch lớp chủ nhiệm, tổ chức thực hiện kế hoạch, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục đến từng học sinh… phần này giáo trình sư phạm các đồng chí đã đề cập.
Tóm lại họ phải có đủnăng lực quản lý của “một hiệu trưởng con” ở mỗi nhà trường. Tuy vậy giáo viên chủ nhiệm còn ít coi trọng, chỉ chờ đợi Hiệu trưởng, hiệu phó nhắc gì làm nấy nhất là vai trò “lãnh đạo”, vai trò “thủ lĩnh” ít giáo viên chủ nhiệm nhận thấy.
Do đó họ chưa quan tâm rèn luyện để họ có đủ năng lực, tầm nhìn phát hiện và giải quyết sớm các vấn đề nảy sinh ở lớp mình chủ nhiệm. Lúc khó khăn hay cần phải triển khai một hoạt động giáo dục mới họ chưa có kỹ năng “truyền lửa” kỹ năng “đọc vị” như các nhà huấn luyện viên của các đội tuyển.
Làm công tác quản lý học sinh, giáo viên chủ nhiệm không thể áp dụng lề lối quản lý “quyền uy”, theo kế hoạch, theo mệnh lệnh mà phải biết “hội tụ” và “lan tỏa”.
Năng lực tác động để phát triển nhân cách người học
Mỗi giáo viên chủ nhiệm phải nhận thức sâu sắc công việcquan trọng của mỗi người là làm sao tạo được những điều kiện thuận lợi nhất để mỗi học sinh mình chủ nhiệm có thể “phát triển hết khả năng vốn có của bản thân, hình thành được những tính cách thói quen” như mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông đã đề ra.
Để làm được việc đó họ phải tự nhận thức vai trò của người giáo viên chủ nhiệm, có đủ kiến thức cơ bản về tâm lý học, về giáo dục học phù hợp lứa tuổi học sinh họ đang làm chủ nhiệm.
Họ không chỉ biết thương yêu, tôn trọng, quý mến học sinh của mình mà căn cứ vào hoàn cảnh, cá tính từng học sinh mà giáo viên chủ nhiệm có cách lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, gợi mở, dẫn dắt học sinh để mỗi trò có đủ những giá trị làm người như: Yêu thương, khoa dung, tôn trọng để chúng luôn biết sống tự chủ, tự tin, tự chịu trách nhiệm về các hành vi của mình.
Điều quan trọng của mỗi nhà sư phạm, mỗi giáo viên chủ nhiệm phải biết tạo cho học sinh của mình phát triển nhân cách trong một tập thể học sinh lành mạnh đồng thời mỗi học sinh lại có đủ khả năng thực hiện các yêu cầu giáo dục theo tinh thần biết “tự giáo dục”.
|
TS. Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung, vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong trường học. Ảnh Xuân Trung |
Nhà giáo dục tài ba đến mấy nhưng không thể đơn độc làm nên sự nghiệp. Họ còn phải có năng lực phối hợp các lực lượng giáo dục.
Năng lực phối hợp các lực lượng giáo dục (hiệu trưởng con)
Đối tượng giáo dục chủ yếu của giáo viên chủ nhiệm là chính những học sinh chủ nhiệm nhưng họ chỉ thành công khi họ có khả năng tập hợp phối hợp các lực lượng giáo dục để cùng tác động giáo dục học sinh sao cho có hiệu quả.
Do đó năng lực phối hợp các lực lượng giáo dục là một năng lực mỗi giáo viên chủ nhiệm cần có để họ có đủ khả năng thuyết phục, lôi kéo, đề xuất để các đối tượng cùng tham gia giáo dục với họ như giáo viên bộ môn, cán bộ đoàn đội, giám thị và đặc biệt cha mẹ học sinh và các lực lượng khác ngoài xã hội cho công việc giáo dục.
Nhiều giáo viên chủ nhiệm ít quan tâm phát triển năng lực này, phần lớn họ trông chờ sự chỉ bảo và kế hoạch của Ban giám hiệu, của nhà trường, ít tự mày mò tìm hiểu để huy động được tối đa các nguồn lực cho sự phát triển của học sinh mỗi lớp chủ nhiệm.
Họ phải biết thế mạnh của mỗi giáo viên giảng dạy của lớp mình để lôi kéo mỗi người vào mỗi việc tác động tạo ra sự thay đổi, nhất là của những học sinh “khó giáo dục”.
Với Đoàn đội họ phải phối hợp chặt chẽ để tạo ra được một đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ Đoàn có khả năng tự quản, có khả năng chủ động tham gia các phong trào thanh niên mà Đoàn phát động.
Với cha mẹ học sinh, không phải chỉ là những địa chỉ để “kể tội học sinh” mà thật sự làm cho phụ huynh thấu hiểu những công việc của nhà trường, lôi kéo họ vào những hoạt động tập thể của lớp để họ có thể vừa đóng góp được công sức lại vừa thấy được ý nghĩa tác động của các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Năng lực “tay trái” của giáo viên chủ nhiệm
Đó là năng lực giải quyết, thực hiện những nhiệm vụ cụ thể trong chương trình giáo dục phổ thông yêu cầu. Một số trường phổ thông hiện nay, sợ giáo viên chủ nhiệm không có năng lực nên thường mời những chuyên gia ngoài nhà trường thực hiện giúp.
Cách làm này sẽ không tạo ra nguồn lực bền vững của mỗi nhà trường, tốn kém, không phát huy hết vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong công tác giáo dục.
Vì thế quan điểm của chúng tôi, sinh viên các trường sư phạm phải được huấn luyện kỹ lưỡng, chu đáo để khi ra trường, được cử làm chủ nhiệm, sinh viên có đủ tự tin để tham gia các hoạt động giáo dục.
Không có mục đích trình bầy cụ thể các năng lực riêng này, chúng tôi xin liệt kê, để nếu thống nhất và thấy cần thiết, các trường sư phạm phải lên kế hoạch xây dựng chương trình trang bị cho sinh viên cũng như tổ chức bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm đương chức có đủ năng lực riêng này khi chương trình giáo dục mới sau 2015 được triển khai. Đó là những năng lực:
- Năng lực giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống
- Năng lực giáo dục định hướng nghề nghiệp
- Năng lực tổ chức hoạt động tập thể trải nghiệm sáng tạo (hoạt động ngoài nhà trường)
- Năng lực giáo dục học sinh kỷ luật tự giác, hoạt động giáo dục giới tính…
Kiến nghị đối với công tác đào tạo bồi dưỡng
Chúng tôi thấy Bộ Giáo dục đào tạo, các trường sư phạm, các Sở Giáo dục đào tạo cần:
Sớm xác định và trả lại đúng vị trí, vai trò của giáo viên chủ nhiệm: nhà quản lý, lãnh đạo, nhà giáo dục trong mỗi nhà trường phổ thông.
Giáo viên chủ nhiệm phải là một chức danh quản lý trong nhà trường phổ thông, được đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và đãi ngộ thỏa đáng, tương xứng lao động sư phạm mà họ bỏ ra. Không để tình trạng đùn đẩy làm công tác chủ nhiệm như ở một số trường hiện nay.
Cần biên soạn lại tài liệu huấn luyện giáo viên chủ nhiệm và phân bổ thời gian nghiệp vụ sư phạm thỏa đáng để hình thành được năng lực cần có của giáo viên chủ nhiệm sau 2015.
Bộ GD&ĐT và các trường sư phạm cần tập hợp những giáo viên chủ nhiệm giỏi (không phải bằng thi giáo viên chủ nhiệm giỏi) có hiệu quả giáo dục tốt được học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh tín nhiệm, từ đó tập hợp kinh nghiệm giáo dục hay cho sinh viên các trường sư phạm học tập, giao lưu hàng năm.