Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Tươi – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang.
Thưa ông! Được biết, Hậu Giang cũng là một trong những địa phương sớm triển khai dạy học tích hợp, liên môn đối với môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên trong các trường phổ thông. Vậy từ thực tế triển khai ở địa phương, ông có nhận xét gì về những chuyển biến trong chất lượng GD-ĐT mà phương pháp này mang lại?
- Đúng là chúng tôi đã triển khai dạy tích hợp, liên môn đối với tất cả các môn học, trong đó có môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên từ những năm trước. Với những gì mà chúng tôi đã và đang triển khai thực hiện cho thấy, dạy tích hợp, liên môn đối với môn Toán và môn Khoa học Tự nhiên đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong các nhà trường về đổi mới phương pháp dạy và học. Đặc biệt đã tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của giáo viên cũng như là các em học sinh.
Thực tế, từ những lần đi kiểm tra, khảo sát tại các trường chúng tôi nhận thấy, dạy học theo hướng tích hợp, liên môn giúp cho giờ học sẽ trở nên sinh động hơn, vì không chỉ có giáo viên là người trình bày mà học sinh cũng tham gia vào quá trình tiếp nhận kiến thức, từ đó phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Đồng thời góp phần phát triển tư duy liên hệ, liên tưởng ở các em; giúp cho các em hình thành thói quen tư duy lập luận và tạo hứng thú trong học tập, từ đó các em khắc sâu được kiến thức đã học.
Chẳng hạn như, các em học sinh đã giải thích được tại sao khi một người mang, vác vật nặng lại đi nhanh hơn so với bình thường. Nhờ kiến thức Vật lý mà các em đã lý giải được đó là do vận tốc tỷ lệ thuận với trọng lượng. Cũng từ đó mà các em đã biết tư duy, liên hệ hệ về những tác động lợi, hại khi mang, vác vật nặng đối với sức khỏe của bản thân và có những hành động, việc làm phù hợp với khả năng của mình. Đó cũng chính là cách rèn kỹ năng sống cho các em.
Bên cạnh đó, khi chúng tôi tiếp xúc với giáo viên, hầu hết họ đã nhận thức được vấn đề rằng: cần phải không ngừng bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm và đổi phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng với mục tiêu, nhiệm vụ mới của ngành Giáo dục. Bằng chứng là đã có rất nhiều giáo viên đã biết tích hợp kiến thức của môn Toán, Hóa, Vật lý, Sinh học, các môn Khoa học Xã hội và lồng ghép những tình huống thực tiễn vào bài giảng của mình. Chẳng hạn như, có giáo viên đã sử dụng kiến thức của môn Sinh học, mà cụ thể là bài học về gen để giải thích câu thành ngữ “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống” một cách khoa học, logic.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyến biến tích cực nêu trên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, còn không ít những giáo viên vẫn lúng túng khi thực hiện dạy học theo hướng tích hợp, liên môn. Với nhiều giáo viên thì đây vẫn còn là phương pháp mới, trong khi đó họ đã quá quen thuộc với cách dạy truyền thống từ nhiều năm qua vì thế ít nhiều cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu khi tiếp cận với phương pháp mới này.
Vậy Sở GD&ĐT Hậu Giang đã có những giải pháp gì để gỡ khó cho các giáo viên?
- Có thể nói đây chính là lúc mà chúng ta phải đồng hành cùng với các giáo viên dạy Toán và các môn Khoa học Tự nhiên nhằm động viên, khuyến khích họ tham gia dạy học theo hướng tích hợp, liên môn. Theo đó, ngay trong năm học này, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động dự giờ nhằm kịp thời góp ý, điều chỉnh cho các giáo viên. Đồng thời tổ chức các hội thảo, các buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo sở với lãnh đạo các nhà trường và các giáo viên nhằm cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó bổ sung những thiếu sót trong quá trình giảng dạy theo hướng tích hợp, liên môn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các trường duy trì thường xuyên hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng mở và xây dựng những giáo viên cốt cán, những tiết học điển hình, những bài giảng, giáo án mẫu để các giáo viên có thể tham khảo và học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Mặt khác chúng tôi cũng sẽ đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ trong quá trình giảng dạy như: Các thiết bị thực hành, thí nghiệm nhằm tạo điều kiện cho học sinh phát huy được năng lực cá nhân từ những dụng cụ học tập trực quan, sinh động.
Vậy để việc dạy học theo hướng tích hợp liên môn đạt hiệu quả, ông có lưu ý gì đối với các giáo viên hiện nay?
- Theo tôi, khi dạy học theo phương pháp này, giáo viên cần lưu ý, thay vì tham nhồi nhét cho học sinh nhiều kiến thức lí thuyết đủ loại, thì giáo viên nên chú trọng tập dượt cho học sinh vận dụng các kiến thức kĩ năng học được vào các tình huống thực tế có ích cho cuộc sống sau này. VD: Với môn Toán, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tham gia một trò chơi liên quan đến bán hàng, kinh doanh chẳng hạn. Với trò chơi này sẽ giúp học sinh phát triển kỹ năng tính toán, lập kế hoạch và chiến lược phát triển v.v…
Ngoài ra, tùy theo từng môn học mà giáo viên lồng ghép tích hợp ở các mức độ khác nhau như: liên hệ, lồng ghép bộ phận hay là toàn phần. Vì vậy khi tích hợp giáo viên cần sử dụng ngôn từ kết nối sao cho lôgic và hài hòa. Từ đó giáo dục và rèn kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh.
Giáo viên cũng cần hướng dẫn học sinh biết đặt các khái niệm đã học trong phạm vi từng môn học cũng như giữa các môn học với nhau. Thông tin càng đa dạng, phong phú thì tính hệ thống phải càng cao, có như vậy thì các em mới thực sự làm chủ được kiến thức và mới vận dụng được kiến thức đã học khi phải đương đầu với một tình huống thách thức, bất ngờ, chưa từng gặp.
Xin cảm ơn ông!
“Nhằm bổ trợ cho giáo viên, học sinh khi tiến hành dạy và học theo hướng tích hợp, liên môn đối với môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên, chúng tôi đã phối hợp với Đài Phát thanh & Truyền hình Hậu Giang mở chuyên mục “Em yêu khoa học”. Hy vọng đây sẽ là cẩm nang giúp giáo viên trên toàn tỉnh bắt nhịp với phương pháp dạy học mới này” - ông Lê Hoàng Tươi.