Nhiều lợi thế của mạng xã hội trong nâng cao chất lượng dạy học
Giới trẻ ngày nay mất rất nhiều thời gian vào mạng xã hội. Vậy giáo viên nên định hướng cho học sinh thế nào để sử dụng mạng xã hội một cách hữu ích?
- Cũng như hầu hết mọi người hiện nay, tôi có tham gia vào mạng xã hội là Zalo và Facebook. Mục đích ban đầu cũng chỉ là giải trí và giao lưu với bạn bè, chia sẻ cuộc sống cá nhân với bạn bè và họ hàng.
Trong quá trình sử dụng mạng xã hội, tôi nhận thấy việc sử dụng rất đơn giản, khả năng giao lưu rộng rãi và số học sinh tham gia rất nhiều.
Tuy nhiên, trong khi chúng ta là người lớn, khả năng kiểm soát thông tin cá nhân, cũng như chắt lọc các thông tin đúng sai từ mạng xã hội khá tốt thì các em học sinh do tuổi đời còn quá trẻ và khả năng nhận thức chưa cao, nên hầu hết sử dụng mạng xã hội chưa hiệu quả và còn rất nhiều hệ lụy.
Một trong những hệ lụy có thể kể đến là: Sao nhãng thời gian học tập; lãng phí thời gian với những việc không bổ ích khi lên mạng; chìm đắm trong thế giớ ảo, dần mất đi sự tự tin, năng động vốn có của giới trẻ, suy thoái đạo đức tinh thần khi thường xuyên xem các tin tức và hình ảnh xấu liên quan đến bạo lực, …
Mặt khác, chúng tôi, những người giáo viên, ngoài giáo dục kiến thức cho học sinh thì việc giáo dục về đạo đức, giáo dục kỹ năng sống và định hướng thế giới quan cho học sinh cũng vô cùng quan trọng.
Vậy nên tôi sử dụng mạng xã hội để giao lưu với học trò; định hướng cho các em việc sử dụng mạng xã hội trong học tập và rèn luyện; kiểm soát những thông tin mà các em đăng tải từ đó có định hướng nhắc nhở khi các em có hành động chưa đúng đắn, ...
Nhiều giáo viên đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội vào dạy học và dạy học hiệu quả. Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc nâng cao hiệu quả dạy học với mạng xã hội?
- Giáo viên có thể sử dụng mạng xã hội để giúp học sinh củng cố, nâng cao kiến thức bài học trên lớp; hướng dẫn học sinh tự học ở nhà; thông báo các thông tin liên quan đến học tập, giao lưu tăng tinh thần đoàn kết trong lớp; định hướng các nội dung bổ ích, lý thú giúp học sinh mở rộng thế giới quan và nâng cao hiểu biết.
Ví dụ, để nâng cao kiến thức bài học trên lớp, giáo viên hoặc học sinh tiến hành thành lập nhóm theo đơn vị lớp hoặc khối; bầu một thành viên tích cực trong lớp làm quản trị viên. Nên thêm các giáo viên bộ môn vào nhóm để tăng hiệu quả hoạt động.
Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thông qua nhóm lớp đưa, hỗ trợ thông tin quan trọng về học tập cũng như củng cố bài học, vận dụng nâng cao…
Điều này giúp khắc phục khó khăn khi thời gian học tập trên lớp ngắn, không có nhiều thời gian cho học sinh ôn tập, tự học và rèn luyện thêm...
Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tìm kiếm thông tin học tập, tài liệu tham khảo, các bài tập cơ bản và nâng cao. Ví dụ, trên trang Violet.vn, học sinh có thể tự tìm thêm tài liệu học tập, từ tổng hợp kiến thức, lý thuyết bài học, tới bài tập vận dụng đơn giản tới nâng cao, hoặc các đề kiểm tra và thi thử. Việc này vô cùng hữu ích, đặc biệt đối với học sinh lớp 12 sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia.
Giúp học sinh nâng cao khả năng tự học
Khả năng tự học là điểm yếu của nhiều học sinh, sinh viên. Theo cô, giáo viên có thể giúp học sinh nâng cao khả năng tự học qua mạng xã hội hay không và bằng cách nào?
- Đúng là nhiều học sinh và sinh viên khả năng tự học rất yếu. Do tính tích cực chủ động của học sinh không cao, bên cạnh đó cách giáo dục truyền thống cũng góp phần làm làm khả năng tự học của học sinh, sinh viên ngày càng kém, tính ỷ lại còn cao.
Hiện nay, quá trình đổi mới giáo dục đang dần tác động vào khả năng tự học của học sinh, sinh viên.
Tôi cho rằng, việc giúp đỡ học sinh tự học thông qua mạng xã hội là rất hữu ích, bởi thông tin truy cứu trên internet vô cùng dễ ràng và phong phú. Hình ảnh minh họa mang tính trực quan cao, dễ gây hứng thú cho học sinh....
Chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội để giúp học sinh nâng cao khả năng tự học bằng các cách sau:
Giao các nhiệm vụ mang tính thách thức để các em hưởng ứng theo phong trào xem bạn nào làm được, làm tốt hơn.
Giao các nhiệm vụ về nhà và yêu cầu học sinh thực hiện với các hình thức khuyến khích tâm lý các em.
Có thể hướng dẫn học sinh cách tìm hiểu thông tin và rút ra bài học cần thiết trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Có các phần thưởng động viên khích lệ về mặt tinh thần.
Động viên học sinh tự tìm hiểu thông tin về các vấn đề hay liên quan đến nội dung học tập chia sẻ cho các bạn khác cùng tham khảo, ...
Sau một quá trình rèn luyện, việc tự học trở thành kỹ năng mà học sinh tự trau dồi được.
Lưu ý khi sử dụng mạng xã hội phục vụ dạy học
-Khi sử dụng mạng xã hội trong dạy học, giáo viên cần lưu ý điều gì?
- Để thật sự nâng cao hiệu quả của dạy học khi sử dụng mạng xã hội, giáo viên cần lưu ý: Thông tin đăng tải cần chọn lọc kỹ, chính xác, nguồn dẫn tin cậy.
Đăng số lượng vừa phải mỗi ngày, nội dung tóm tắt, ngắn gọn nhưng đầy đủ, tránh nặng nề dẫn đến học sinh ngại tiếp cận; qui định giờ giấc hoạt động của các nhóm…
Giáo viên cũng cần đa dạng hóa các hình thức thông báo hay triển khai nhiệm vụ học tập. Nên để học sinh cùng tham gia hoạt động bằng cách giao nhiệm vụ, hoặc động viên, kêu gọi từ các học sinh để các em thấy được lợi ích của mạng xã hội phục vụ học tập… chia sẻ các hoạt động của lớp, nhóm, qua đó lưu giữ các kỷ niệm đáng nhớ của tuổi học trò để tăng cường tính đoàn kết …
Đặc biệt, các thầy cô cần thận trọng, không quá lạm dụng mạng xã hội; lưu ý ngôn ngữ đăng tải; trao đổi, thống nhất với phụ huynh để giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội của học sinh.
Sự tham gia của giáo viên dưới hình thức theo dõi kín đáo, chỉ lên tiếng khi những sự việc có dấu hiệu đi xa và có khả năng gây nên hậu quả nghiêm trọng. Tránh trường hợp làm học sinh thấy tù túng và ngột ngạt khi bị theo dõi, giám sát.
Nên có hẳn một buổi trao đổi về những hữu ích hay mặt xấu của mạng xã hội khi sử dụng không đúng cách.
Xin cảm ơn cô!