Chia sẻ câu chuyện của đồng nghiệp, thầy giáo Sơn Quang Huyến tiết lộ lý do vì sao học sinh lại ghét tiết sinh hoạt, đồng thời, đưa ra một số kiến nghị giải pháp.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hôm trước, cô giáo M. “vừa đi, vừa khóc” bước vào phòng “Em chịu hết nổi rồi thầy ạ, cái lớp gì mà lì như…, tuần trước lãnh cờ trắng rồi, tuần này cũng vậy. Tháng này em xếp hạng B mất.”.
Tôi đưa cho cô giáo ly nước rồi ôn tồn chỉ ghế, M. ngồi. Tôi hỏi “Chuyện chi rứa, kể đầu đuôi mình nghe, xem giúp được gì không?”
M. gạt nước mắt “Em vào lớp, trên bảng có nguyên hàng chữ: Ghét tiết sinh hoạt. (xin đừng xóa); nó ghét tiết sinh hoạt, chẳng khác nào nó ghét em, gần ba mươi phút, chẳng đứa nào chịu nhận viết”.
Có bao nhiêu % học sinh ghét tiết sinh hoạt? Chắc con số đó không nhỏ. Tại sao vậy?
Phần lớn tiết sinh hoạt, giáo viên chủ nhiệm tổ chức na ná nhau; lớp trưởng lấy số liệu từ “sao đỏ” cổng trường, “sao đỏ” trực lớp, tuần này có bao nhiêu bạn bị trừ điểm vì không đi giày, bỏ quai hậu, …viết lên bảng.
Giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào số điểm bị trừ và “hát bài ca không quên”.
|
Làm thế nào để tiết sinh hoạt lớp không trở thành áp lực với học sinh? Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại |
Tiết sinh hoạt cuối tuần trở nên nhàm chán, vô bổ, học sinh vô tình trở thành “bị cáo”, giáo viên chủ nhiệm thành “quan tòa” bất đắc dĩ. Tiết học như thế, học sinh không ghét mới là lạ.
Vậy làm sao để học sinh không ghét tiết sinh hoạt mà vẫn giữ được kỉ luật, nề nếp?
Hộp tự phê bình là tên của cái hình hộp chữ nhật đặt trên bàn giáo viên. Tất cả học sinh vi phạm nội quy trong tuần đều biết, tự giác viết nguyên nhân, biện pháp khắc phục vào giấy.
Giáo viên chủ nhiệm có thể đọc bất cứ khi nào, góp ý với các em biện pháp khắc phục nếu cần thiết. Tiết sinh hoạt, chỉ còn triển khai kế hoạch tuần mới, tổ chức các hoạt động vui chơi khác.
Tiết tư vấn tâm lý, giáo viên chủ nhiệm sử dụng tiết học để tư vấn cho các em, giải đáp các thắc mắc nảy sinh trong tuần.
Tổ chức tiết học thân thiện, dân chủ; cho các em đặt câu hỏi trực tiếp hay gián tiếp qua Mail, điện thoại.
Nếu câu hỏi đặc trưng thì tư vấn chung, nếu câu hỏi mang tính riêng tư thì tạo điều kiện gặp riêng giúp đỡ các em.
Tiết giáo dục văn hóa đọc, giáo viên chủ nhiệm phải biết đọc và lựa chọn sách hay giới thiệu cho học trò; cùng với sách là các câu hỏi để học sinh trả lời được sau khi đọc cuốn sách.
Đến tiết sinh hoạt, giáo viên cho cá nhân hay nhóm, trả lời các cảm nhận của mình về bài học rút ra từ tác phẩm…v.v, để làm tốt, thư viện nhà trường phải có đầu sách phong phú, cập nhật.
Tiết dạy kiến thức, văn hóa giao thông nên tổ chức cho cả khối hay vài lớp cùng tham gia. Chuẩn bị các bảng chỉ dẫn, sa bàn… cho học sinh các lớp thi hiểu biết, thuyết trình tham gia giao thông cho đúng luật, an toàn, văn hóa.
Tiết dạy kĩ năng sống, tự bảo vệ mình trước các cám dỗ ma túy, ấu dâm, bạo lực học đường: Giáo viên có thể cho học sinh hay nhóm tự tìm hiểu đề tài, trình bày trước tập thể các vấn đề mình tự học được, các phương án xử lý tình huống của các em có thể chưa đạt, lúc này mới cần đến vai trò của thầy cô.
“Hôm nay ai đến?”. Nếu có thể, mời học sinh cũ, phụ huynh đến nói chuyện với các em, thông qua câu hỏi của giáo viên.
Từ câu hỏi, câu trả lời của nhân vật, học sinh sẽ tự giáo dục chính mình.
Có những vấn đề, giáo viên nói học sinh không tin, học sinh cũ, khách mời nói lại có tác dụng lớn hơn.
Tiết sinh hoạt không nhất thiết ở trong lớp học, có thể chọn góc cây râm mát trong sân trường… hay nơi nào các em thích tụ tập.
Kéo học sinh ra khỏi lớp, cùng sinh hoạt, vui chơi; giáo dục các em nhẹ nhàng, tự các em thấu cảm là phương pháp giáo dục đơn giản, thành công nhất.
Làm được vậy, quả là khó, nhưng thương yêu học trò, tin chắc chúng ta khắc phục khó khăn để làm được.
Để giáo viên sáng tạo, không gì hơn, hiệu trưởng cũng phải sáng tạo trong quản lý của mình. Đừng gây áp lực thành tích cho giáo viên, vì những vi phạm trẻ con của học trò.
Hãy giảm áp lực cho đồng nghiệp của mình, đang giảm áp lực cho học trò; thuận theo tự nhiên, chúng ta mới giáo dục được những công dân toàn cầu tương lai.