Các trường THCS của Hà Nội đang giảm tải chương trình học tập cho học sinh thông qua Hướng dẫn 791 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Theo đánh giá của nhiều giáo viên, chủ trương giảm tải của bộ là hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của xã hội nói chung đối với giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Bớt nặng nề, trùng lắp
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thịnh Liệt, cho rằng chủ trương giảm tải của Bộ GD&ĐT cũng như sở GD&ĐT là rất tốt cho học sinh.
“Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện giảm tải đúng theo hướng dẫn của bộ, sở. Nhà trường bám vào văn bản của cấp trên để triển khai đến các giáo viên, bài nào cắt bỏ phần nào, chuyển đổi nội dung ra sao thì chúng tôi đều tập huấn cho các giáo viên. Nội dung kiểm tra cũng đổi theo nội dung giảm tải nên bớt nặng nề mà học sinh cũng đỡ vất vả hơn”, ông Thành nói.
Là một trong bảy trường phổ thông trên cả nước được thí điểm chương trình phát triển giáo dục nhà trường theo Hướng dẫn 791/HD-BGD ĐT của Bộ GD&ĐT, từ nhiều năm nay, trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành đã thiết kế nội dung dạy học và các hoạt động giáo dục.
“Dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, mỗi tổ chuyên môn của trường đã tiến hành rà soát chương trình và sách giáo khoa để xây dựng các môn học theo định hướng phát triển năng lực học sinh phù hợp với bối cảnh của nhà trường.
Chúng tôi chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng về hình thức tổ chức dạy học. Học sinh được tạo điều kiện để bày tỏ quan điểm của bản thân trước tập thể, trong các giờ học.
Ngoài ra, chúng tôi còn đổi mới kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực. Chú trọng đánh giá quá trình dạy học, đánh giá qua phiếu đánh giá, thống nhất các yêu cầu về ma trận đề kiểm tra, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, thông tin.
|
Học sinh trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) trong một tiết học tích hợp về lịch sử và mỹ thuật qua tranh dân gian. Ảnh: Người Lao Động. |
Thiếu sự thống nhất
Không phải trường nào cũng dễ triển khai thực hiện việc giảm tải. Không ít lãnh đạo các trường cho rằng việc giám sát giảm tải chương trình học còn nhiều khó khăn và cũng chưa có sự thống nhất thực hiện giảm tải giữa các trường.
Trên thực tế, cấp THCS còn quá nhiều môn học nặng nề về kiến thức. Hầu hết trường học đều quen với việc đánh giá học sinh dựa trên kiến thức và chưa quen với cách đánh giá theo năng lực.
Mặc dù Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những hướng dẫn và tập huấn cho giáo viên nhưng nhiều người vẫn chưa nắm rõ được mức độ giảm tải chương trình học để phù hợp, đầy đủ về khối lượng kiến thức cũng như hiệu quả khi thực hiện.
Thực tế, rất nhiều giáo viên chưa quen chủ động giảm tải chương trình học nên việc thực hiện hiệu quả giảm tải chưa cao. Giáo viên một trường THCS đóng tại quận Ba Đình thừa nhận bản thân cũng chưa chủ động để cắt bỏ những bài học, kiến thức hay bổ sung kiến thức ngoài chương trình sách giáo khoa vào bài giảng trên lớp.
Trước những khó khăn khi thực hiện giảm tải chương trình học, bà Lê Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm Hà Nội, bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý giáo dục có thể trao nhiều quyền chủ động giảm tải chương trình học, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá học sinh cho nhà trường và giáo viên hơn.
Theo bà Hương, cách lên lớp kiểu “thầy đọc - trò chép” chỉ là truyền thụ kiến thức nên chưa tạo được sự hứng thú trong học tập cho học sinh.
Lãnh đạo một trường THCS của quận Cầu Giấy cho rằng ở nhiều trường, các giáo viên đã và đang được tiếp cận những kiến thức mới, từ đó có thể xây dựng những chủ đề để cho học sinh đi học thực tế ở nhiều nơi khá hiệu quả. Vì thế, nếu bộ, sở trao thêm quyền tự chủ cho các trường để giáo viên mạnh dạn thay đổi cách thức giảng dạy mới thì nhân rộng.
Thế nhưng, để các trường THCS khác thực hiện cách thức giảng dạy, sáng tạo bài học, cắt giảm những phần kiến thức trùng lặp, kết quả giảm tải sẽ rất khả quan.