Những yêu cầu chung với câu hỏi được cô Nguyễn Thị Châu Loan đưa ra là: Được trình bày rõ ràng; có ít nhất một lời giải; với những dữ kiện cho trước, học sinh có thể tự lực giải được; không thể giải qua đoán mò; đảm bảo tính toàn diện, vừa phát triển năng lực chung, vừa phát triển các năng lực chuyên biệt.
Đặc biệt, câu hỏi cần đảm bảo tính phát triển, do đó có các mức độ khó khác nhau:
Các câu hỏi dạng tái hiện: Yêu cầu sự hiểu và tái hiện tri thức từ tài liệu học tập.
Các câu hỏi vận dụng: Vận dụng những kiến thức trong các tình huống không thay đổi nhằm củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng cơ bản, chưa đòi hỏi sáng tạo.
Câu hỏi giải quyết vấn đề: Đòi hỏi sự phân tích, tổng hợp, đánh giá, vận dụng kiến thức vào những tình huống thay đổi, giải quyết vấn đề. Dạng câu hỏi này đòi hỏi sự sáng tạo của người học.
Các câu hỏi gắn với bối cảnh, tình huống thực tiễn: Vận dụng và giải quyết vấn đề gắn với bối cảnh và tình huống thực tiễn; là những câu hỏi mở, tạo cơ hội cho nhiều cách tiếp cận, nhiều con đường giải quyết khác nhau.
Không nên đặt câu hỏi vụn vặt, nhiều câu hỏi gây nhiễu cho học sinh; hoặc các câu hỏi không phù hợp với năng lực học sinh (câu hỏi quá dễ và có sẵn câu trả lời; câu hỏi quá khó khiến học sinh không hứng thú, chản nản và bỏ qua).
Để xây dựng được hệ thống câu hỏi nhằm phát huy năng lực học sinh, trước tiên, người giáo viên phải xác định mục tiêu bài học hay những năng lực mà học sinh có được sau quá trình học tập. Sau đó, lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để chuẩn bị những câu hỏi phù hợp với năng lực cần hình thành.
Cần chú ý, mục tiêu dạy học được mô tả chi tiết và có thể quan sát, đánh giá được, thể hiện được mức độ tiến bộ của học sinh một cách liên tục;
Giáo viên chủ yếu là người tổ chức, hỗ trợ học sinh tự lực và tích cực lĩnh hội tri thức. Chú trọng sự phát triển khả năng giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp..;
Chú trọng sử dụng các quan điểm, phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, các phương pháp dạy học thí nghiệm, thực hành;
Tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy học;
Tiêu chí đánh giá dựa vào năng lực đầu ra, có tính đến sự tiến bộ trong quá trình học tập, chú trọng khả năng vận dụng trong các tình huống thực tiễn.
Các thành tố quan trọng trong đánh giá việc xây dựng hệ thống câu hỏi nhằm phát huy năng lực học sinh là: Sự đa dạng của câu hỏi, chất lượng câu hỏi, sự phù hợp của câu hỏi với mục tiêu bài học, sự liên kết với nhau của các câu hỏi.
Những loại câu hỏi có thể sử dụng trong dạy học Địa lý
Theo năng lực tư duy của học sinh, cô Nguyễn Thị Châu Loan chia sẻ các loai câu hỏi có thể sử dụng trong môn Địa lý:
Câu hỏi phân tích: Nhằm gợi ý học sinh tách riêng từng phần của sự vật và hiện tượng địa lý, hoặc các thành phần của mối liên hệ.
Câu hỏi tổng hợp: Nhằm làm cho học sinh xác lập tính thống nhất và mối liên hệ của các thuộc tính sự vật, bộ phận hay dấu hiệu của chúng. Câu hỏi tổng hợp không phải là sự cộng đơn thuần các bộ phận của sự vật địa lý. Sự tổng hợp đúng là một hoạt động tư duy mang lại kết quả mới nhất về chất. Do vậy, câu hỏi phân tích và tổng hợp luôn đi kèm với nhau, có quan hệ chặt chẽ với nhau, đôi lúc trong loại câu hỏi này có thành phần của loại câu hỏi kia tham gia.
Câu hỏi so sánh, liên hệ: Nhằm liên hệ các sự vật, hiện tượng địa lý lại với nhau trong tất cả các mối quan hệ có thể có trong địa lý và thiết lập sự giống nhau, khác nhau giữa chúng. Khi đặt câu hỏi so sánh, tránh so sánh khập khiễng. Những đối tượng so sánh có thể có những nét tương đồng hay trái ngược nhau.
Câu hỏi nguyên nhân - kết quả: Là loại câu hỏi nêu lên mối liên hệ nhân quả, một trong những dạng liên hệ có tính chất phổ biến trong bài địa lý.
Câu hỏi khái quát: Là loại câu hỏi nhằm khái quát hóa các kiến thức cụ thể, nêu lên cái chính, cái căn bản, cái “chung”, thường dùng vào cuối chương hay câu hỏi tổng quát cuối bài.
Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của cô Nguyễn Thị Châu Loan - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) tại hội thảo "Kĩ năng đặt câu hỏi và tổ chức các hoạt động nhóm nhằm phát triển năng lực cho học sinh".