Khó nhưng vẫn làm được
Theo tôi, giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh có thể được tích hợp vào các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân, Vật lý, Sinh học, Công nghệ ở cấp THCS.
Có nhiều ý kiến cho rằng, dạy tích hợp bảo vệ môi trường trong các môn học là rất khó, tuy nhiên bản thân tôi cũng là giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy, tôi nghĩ: Khó nhưng vẫn có thể làm được.
Thông qua giáo dục môi trường, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về các yếu tố môi trường, vai trò của môi trường đối với con người và tác động con người đối với môi trường, phát triển kỹ năng bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Một lời nói của thầy cô có thể tác động trực tiếp và lớn lao hơn cả những chương trình truyền thông khô cứng.
Không chỉ trên bài giảng, nếu trong cuộc sống hàng ngày, các thầy cô giáo luôn đi tiên phong trong việc tiết kiệm năng lượng, nước, giấy, phân loại rác thải… thì hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều…
Các thầy giáo có thể làm gương cho các học sinh bằng việc không hút thuốc lá trong trường học. Không chỉ kêu gọi và làm gương, các thầy cô khuyến khích học trò tự giám sát việc bảo vệ môi trường của nhau.
Chỉ bằng những hành động nhỏ như nhắc nhở, tuyên dương cũng đã góp phần hình thành ý thức môi trường ở những công dân trẻ.
Nhà trường cũng cần đầu tư các thiết bị tiết kiệm điện, khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng các phương tiện công cộng; xây dựng các quy định về tiết kiệm năng lượng, giấy, nước sạch….
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo
Theo tôi để tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong các môn học, giáo viên cần đáp ứng các yếu tố sau:
- Thứ nhất, giáo viên cần có định hướng, kế hoạch từ các cơ quan chuyên môn: Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT ngay từ đầu năm học.
- Thứ hai, Tổ chuyên môn và giáo viên trong tổ xác định rõ mục tiêu, từ đó lựa chọn nội dung, thiết kế hình thức thực hiện bằng các hoạt động giáo dục ngoại khóa hoặc một số hoạt động trải nghiệm thực tế….
Xác định thời gian cho từng việc cụ thể tương ứng với nội dung, nhưng phải phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh nhà trường, từng địa phương và năng lực của giáo viên.
- Thứ ba, giáo viên không nhất thiết phải tổ chức những chuyên đề mang tầm quốc gia, mà chỉ cần lựa chọn những nội dung có tính giáo dục cao của địa phương để tổ chức cho các em tích hợp kiến thức bảo vệ môi trường thiết thực và hiệu quả.
Giáo viên cần....
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng, dạy học tích hợp bảo vệ môi trường giáo viên cần:
Một là, lập kế hoạch cụ thể các kiến thức cần tích hợp bảo vệ môi trường ngay từ đầu năm. Giáo viên phải chuẩn bị bài chu đáo, nghiên cứu nội dung bài, những tài liệu có liên quan đến từng bài, tránh áp đặt, máy móc.
Hai là, lựa chọn nội dung tích hợp, hình thức tích hợp: Cần phải có một hệ thống câu hỏi lồng ghép phù hợp trong từng bài nhằm phát huy tinh thần tự học và tìm tòi học hỏi của học sinh.
Ba là, giáo viên phải đầu tư công sức, sưu tầm tranh ảnh, những tài liệu có liên quan đến bài học; tích cực hướng dẫn học sinh chuẩn bị theo các nội dung và hình thức ở mỗi tiết học như: Sưu tầm tư liệu hình ảnh có liên quan đến bảo vệ môi trường, thuyết trình, vẽ tranh, clip...