Theo chia sẻ của TS Lê Thị Nhã - Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông (Trường ĐH Đại Nam), một cuộc thảo luận nhóm thường trải qua quy trình chung, bao gồm các bước cơ bản sau đây:
Lựa chọn vấn đề thảo luận
TS Lê Thị Nhã cho rằng, trong một môn học có nhiều nội dung, mỗi nội dung có nhiều vấn dề. Giảng viên trước hết phải biết chia nhỏ các nội dung cơ bản thành nhiều vấn đề thảo luận và phân bổ một cách hợp lý qua mỗi buổi học, thậm chí từng tiết học. Có chủ đề có thể thảo luận ngay trên lớp, có chủ đề giảng viên phải yêu cầu sinh viên chuẩn bị trước ở nhà để vấn đề thảo luận được mở rộng và đi vào chiều sâu.
Chủ đề thảo luận nên tập trung vào vấn đề chính trị của bài học. Chủ đề thảo luận cũng có thể bắt đầu từ các luận điểm, các tình huống, câu chuyện, nhưng thường được cụ thể hóa qua các câu hỏi chủ chốt. Ví dụ, giảng viên có thể nêu câu hỏi thảo luận: Các chức năng cơ bản của truyền thông đại chúng là gì? Hoặc “Bạn quan tâm đến chức năng nào của truyền thông đại chúng? Vì sao?”
Việc lựa chọn và diễn đạt vấn đề cần phù hợp, không quá đơn giản nhưng cũng không nên quá quá đối với sinh viên. Tốt nhất, lựa chọn được vấn đề thảo luận hấp dẫn, dễ chia sẻ, dễ huy động được nhiều ý kiến khác nhau, có tính chất kích thích tính tích cực, chủ động làm việc của sinh viên. Lưu ý, câu hỏi thảo luận nên là câu hỏi mở.
Chia nhóm, bố trí chỗ ngồi
Có hàng chục cách chia nhóm khác nhau, như chia ngẫu nhiên, chia theo vị trí chỗ ngồi, chia theo danh sách, chia theo đặc điểm chung, chia theo năng lực, chia theo kinh nghiệm, theo giới tính, sở thích, chia qua tình huống, qua trò chơi…
Việc chia nhóm nếu không có kinh nghiệm sẽ tốn khá nhiều thời gian vì một số sinh viên “cố thủ” với nhóm cũ hoặc lại có quá nhiều lựa chọn khác nhau. Khi chia nhóm cần chú ý đến trình độ, số lượng, năng lực của sinh viên. Không chia nhóm này quá đông, nhóm kia quá ít hoặc nhóm này tập trung nhiều sinh viên giỏi, năng động, nhóm kia phần đông lại kém hơn, rụt rè, im lặng…
Nếu lớp không quá nhiều sinh viên, vấn đề thảo luận có những ý kiến trái ngược nhau, tạo sự tranh luận, nên chia 2 nhóm. Ví dụ, chủ đề “Quan điểm về sống thử trước hôn nhân”, có thể chia 2 nhóm: Ủng hộ và không ủng hộ sống thử.
Mỗi nhóm đều phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ để phân công trách nhiệm cho từng thành viên; trong đó quan trọng nhất là nhóm trưởng và thư ký.
Việc bố trí chỗ ngồi cũng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc thảo luận. Nên bố trí để các thành viên trong nhóm ngồi quay mặt vào nhau, vị trí ngồi đủ gần để có thể trao đổi, chia sẻ với nhau một cách thuận lợi. Nên có khoảng cách giữa các nhóm để sự trao đổi của các nhóm không bị ảnh hưởng tới nhau.
Giao nhiệm vụ và giới hạn thời gian thảo luận
Trước khi tiến hành thảo luận giảng viên phải giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng nhóm và phải có hướng dẫn cụ thể và định hướng cách thức thảo luận và trình bày.
Thời gian thảo luận cần được giới hạn và phải tương ứng với nội dung, yêu cầu vấn đề đặt ra. Thời gian giới hạn phải đủ để sinh viên suy nghĩ, trao đổi. Nếu thời gian quá ít, thảo luận nhóm sẽ sơ sài, không đi vào cốt lõi vấn đề, có thể chỉ mang tính chất đối phó. Thơi gian quá dài sẽ tạo sự lơ đãng, phân tán và làm loãng không khí thảo luận.
Giám sát hoạt động thảo luận của từng nhóm
Khi sinh viên tiến hành thảo luận, giảng viên chuyển từ vị trí người hướng dẫn sang người giám sát.
Giảng viên phải di chuyển vòng quanh các nhóm, nắm bắt tình hình hoạt động của mỗi nhóm, quan sát, lắng nghe, nhắc nhở hoặc có thể xen lời gợi ý khi cần.
Trong thảo luận, có nhóm không hiểu rõ yêu cầu vấn đề cần thảo luận dẫn đến lạc đề; có nhóm trao đổi sôi nổi nhưng tranh cãi căng thẳng và không đưa ra được quyết định cuối cùng… giảng viên cần quan tâm và kịp thời điều chỉnh.
Trình bày kết quả thảo luận
Hình thức trình bày, tùy điều kiện cụ thể có thể lựa chọn một hoặc kết hợp những cách sau: Thuyết trình miệng, viết trên bảng, trình bày trên khổ giấy lớn, trình bày qua máy chiếu…
Người trình bày có thể do nhóm tự cử một đại diện (thường là trưởng nhóm hoặc thư ký); giảng viên cũng có thể cử một sinh viên bất kỳ lên thuyết trình. Tùy vào vấn đề, giảng viên có thể cho các nhóm tham gia phản biện, tương tác lẫn nhau… Giảng viên phải sắp xếp thời gian để các nhóm được trình bày kết quả thảo luận của mình một cách công bằng.
Tổng kết, đánh giá
Đây là khâu cuối cùng nhưng khá quan trọng của hoạt động thảo luận. Giảng viên phải là người nắm vững tri thức lý luận và thực tế, công tâm, linh hoạt… thì việc đánh giá mới đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác.
Giảng viên là người chịu trách nhiệm đánh giá, nhưng trước khi kết luậ, có thể yêu cầu các sinh viên tự đánh giá kết quả làm việc của nhóm và các nhóm đánh giá kết quả làm việc của nhau.
Giảng viên tổng kết lại các vấn đề đã thảo luận, đánh giá những ý kiến và giải quyết mọi câu hỏi của sinh viên xung quanh vấn đề đó. Qua kết luận, chốt lại vấn đề sẽ giúp sinh viên nắm bắt, ghi nhớ được những nội dung cơ bản, cần thiết.
Việc đánh giá chủ yếu là nội dung đạt được, nhưng bên cạnh đó cần đánh giá ý thức, thái độ, năng lực làm việc của sinh viên. Giảng viên nên nhận xét cụ thể và cho điểm để khích lệ tinh thần học tập của sinh viên. Khi cho điểm, có căn cứ, tiêu chí rõ ràng. Với trường hợp đặc biệt, khi cho điểm cần phân tích rõ lý do, tránh tình trạng gây băn khoăn, thắc mắc trong sinh viên…
Bài viết được biên tập từ tham luận của TS Lê Thị Nhã - Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông (Trường ĐH Đại Nam) trong kỷ yếu hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo ĐH ngoài công lập”.