Nhiều nguyên nhân khiến đổi mới các môn KHTN kém hiệu quả
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa - cho biết: Trong những năm qua, phần lớn giáo viên đã được tiếp cận với các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực. Các thuật ngữ như phương pháp dạy học tích cực, dạy học dựa trên dự án, dạy học giải quyết vấn đề, phương pháp “Bàn tay nặn bột”...; các kĩ thuật dạy học tích cực như động não, khăn trải bàn, bản đồ tư duy... không còn xa lạ với đông đảo giáo viên hiện nay.
Tuy nhiên, việc nắm vững và vận dụng chúng còn hết sức hạn chế, có khi còn máy móc, lạm dụng. Đại đa số giáo viên chưa tìm được “chỗ đứng” của mỗi kĩ thuật dạy học trong cả tiến trình tổ chức hoạt động dạy học. Cũng chính vì thế nên giáo viên vẫn chủ yếu lệ thuộc vào tiến trình các bài học được trình bày trong sách giáo khoa, chưa chủ động trong việc thiết kế tiến trình xây dựng kiến thức phù hợp với các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực.
Khả năng khai thác sử dụng thiết bị dạy học và tài liệu bổ trợ trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp và tự học ở nhà của học sinh còn hạn chế, kém hiệu quả. Phần lớn giáo viên, những người có mong muốn sử dụng phương pháp dạy học mới đều lúng túng và tỏ ra lo sợ rằng sẽ bị “cháy giáo án” do học sinh không hoàn thành các hoạt động được giao trong giờ học.
Chính vì vậy, mặc dù đã cố gắng nhưng việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực hiện hay chưa thực sự tổ chức được hoạt động nhận thức tích cực, sáng tạo và bồi dưỡng phương pháp tự học cho học sinh; việc tăng cường hoạt động học tập cá thể và học tập hợp tác còn hạn chế; chưa kết hợp được sự đánh giá của giáo viên và sự tự đánh giá của học sinh trong quá trình dạy học.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên trong việc dạy các môn khoa học tự nhiên. Ông Lê Tuấn Tứ phân tích một số nguyên nhân chủ yếu. Trong đó có việc dạy học chủ yếu được thực hiện trên lớp theo bài/tiết trong sách giáo khoa. Phạm vi 45 phút của tiết học, không đủ thời gian cho các hoạt động học của học sinh theo tiến trình sư phạm của một phương pháp dạy học tích cực, dẫn đến nếu có sử dụng phương pháp dạy học tích cực đó thì cũng mang tính hình thức, đôi khi còn máy móc dẫn đến kém hiệu quả, chưa thực sự phát huy được tính tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh; hiệu quả khai thác sử dụng các phương tiện dạy học và tài liệu bổ trợ theo phương pháp dạy học tích cực hạn chế.
Bên cạnh đó, sự hiểu biết của giáo viên về các phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học tích cực còn hạn chế, chủ yếu mới dừng lại ở mức độ “biết” một cách rời rạc, thiếu tính hệ thống; chưa làm chủ được phương pháp mới nên giáo viên “vất vả” hơn khi sử dụng so với các phương pháp truyền thống, dẫn đến tâm lí ngại sử dụng. Các hình thức kiểm tra kết quả học tập của học sinh còn lạc hậu, chủ yếu là đánh giá sự ghi nhớ của học sinh mà chưa đánh giá được khả năng vận dụng sáng tạo, kĩ năng thực hành và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, vì thế chưa tạo được động lực cho đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.
Tăng tính chủ động cho người dạy
Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, ông Lê Tuấn Tứ cho biết, Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã chỉ đạo cho giáo viên cần phải chủ động, sáng tạo xây dựng nội dung dạy học phù hợp; các tổ chuyên môn căn cứ vào chương trình và sách giáo khoa hiện hành, lựa chọn nội dung để xây dựng các tiết dạy, các chuyên đề dạy học phù hợp với năng lực của học sinh, phù hợp với việc sử dụng phương pháp dạy học và phù hợp với các phương tiện hỗ trợ dạy học trong điều kiện thực tế của nhà trường.
Sở GD&ĐT giao quyền tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục, phát huy vai trò sáng tạo của nhà trường và giáo viên. Các trường THPT, các tổ chuyên môn và giáo viên được chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng của học sinh. Nhà trường tổ chức cho giáo viên rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kĩ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật.
Kế hoạch giáo dục của mỗi trường được xây dựng từ tổ chuyên môn, tổ chuyên môn thảo luận, trao đổi để thống nhất xây dựng Kế hoạch giáo dục và được Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt để làm căn cứ tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra. Kế hoạch đúng, đủ và phù hợp luôn tạo điều kiện cho các trường được linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục, các phương pháp dạy học tiên tiến mà không bị áp đặt từ cấp trên.
Nhiều giải pháp đổi mới phương pháp dạy học
Trong những đợt bồi dưỡng thường xuyên hè và trong năm học, Sở GD&ĐT Khánh Hòa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo nhằm hướng dẫn, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học tự nhiên.
Những nội dung được chú trọng là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng xây dựng tiết học thân thiện, dạy học phân hoá, phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên, chú ý phân loại các mức độ trong quá trình giảng dạy, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất. Cần tăng cường liên hệ thực tế cuộc sống và sản xuất.
Đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, tăng cường sử dụng phương pháp thực nghiệm - thực hành trong giảng dạy, đảm bảo cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kĩ năng cho học sinh. Thực hiện đầy đủ các thí nghiệm biểu diễn và các tiết thực hành thí nghiệm chính khóa theo phân phối chương trình và các nội dung yêu cầu của sách giáo khoa. Tăng cường tổ chức các hoạt động như tự làm đồ dùng dạy học, làm giải pháp hữu ích, sáng kiến kinh nghiệm, viết và tổ chức giảng dạy các chuyên đề của nhóm… nhằm động viên giáo viên và học sinh tăng cường sử dụng hợp lý, khai thác tối đa các thiết bị dạy học, đồ dùng thí nghiệm, phòng học bộ môn.
“Sở GD&ĐT luôn nhấn mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho bài giảng, sử dụng các phần mềm dạy học, thí nghiệm mô phỏng, tư liệu dạy học điện tử, soạn và dạy học bằng giáo án điện tử. Cùng với đó, lưu ý không lạm dụng công nghệ thông tin để biến “đọc chép” thành “chiếu chép” mà phải biết kết hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống và ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho bài giảng. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Trường ĐH Khánh Hòa, Trường ĐH Nha Trang, Viện Nghiên cứu Thủy sản… hướng dẫn học sinh tích cực tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật học sinh trung học do Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm” - Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho hay.
“Chúng tôi khuyến khích thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày ở các trường trung học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý giáo dục học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm - học thêm không đúng quy định ở các nhà trường; tăng cường giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống cho học sinh” - ông Lê Tuấn Tứ chia sẻ.