Tổ chức dạy học, ôn tập theo phân loại học lực
Ông Huỳnh Minh Thuận cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh thi THPT quốc gia 2017, Sở GD&ĐT Gia Lai yêu cầu các trường cần xác định được lực học của các nhóm đối tượng học sinh một cách chính xác. Tổ chức dạy học, ôn tập, phụ đạo cho nhóm học sinh theo học lực đã được phân loại.
Tổ bộ môn của trường/cụm trường được yêu cầu tổ chức biên soạn tài liệu ôn tập 12 bám sát cấu trúc và mức độ đề thi minh họa THPT quốc gia năm 2017, đảm bảo kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, từ mức độ nhận biết đến thông hiểu và vận dụng; và có nội dung, chuyên đề phù hợp để ôn tập hiệu quả. Chú trọng dạy học sinh kỹ năng làm bài thi.
Trong sinh hoạt tổ chuyên môn, tập trung trao đổi nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hướng dẫn phương pháp học tập cho học sinh để nâng cao chất lượng dạy và học.
Sau mỗi bài kiểm tra định kỳ,Sở GD&ĐT yêu cầu các trường cần phân tích, đánh giá thái độ, kết quả học tập của học sinh, để thấy được những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục kịp thời.
“Chúng tôi cũng lưu ý việc bổ sung/cập nhật những đề minh họa từ các nguồn học liệu trên mạng internet và từ các nguồn sách tham khảo khác.
Ngoài ra, một việc rất quan trọng là tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh, học sinh hiểu được giá trị tri thức của môn Tiếng Anh và ý nghĩa của việc học cho tương lai, để học sinh yêu thích, tích cực học tập” – Ông Huỳnh Minh Thuận cho hay.
Đổi mới soạn giảng và kiểm tra đánh giá môn Tiếng Anh
Đối với kiểm tra đánh giá, theo ông Huỳnh Minh Thuận, Sở GD&ĐT thống nhất kiểm tra 100% trắc nghiệm cho lớp 12. Duy trì việc kết hợp giữa kiểm tra trắc nghiệm và tự luận trong các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ với các khối lớp từ lớp 6 đến lớp 11.Đồng thời, chủ động kết hợp giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra.
Tỉ lệ trắc nghiệm và tự luận trong các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ giao cho trưởng phòng GD&ĐT và hiệu trưởng các trường THPT quyết định.
Giáo viên Tiếng Anh đổi mới soạn giảng theo trường/cụm trường và soạn giảng đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh. Chủ động biên soạn nội dung chương trình và kế hoạch dạy học bám sát đối tượng học sinh.
Được biết, với môn Tiếng Anh, hiện tại tỉnh Gia Lai đang thực hiện song song hai chương trình giáo dục phổ thông 7 năm và giáo dục phổ thông 10 năm (dạy học các lớp Tiếng Anh thí điểm).
Công tác triển khai dạy học thí điểm đảm bảo theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, bắt đầu năm 2012 - 2013 đối với cấp THCS và năm 2013 - 2014 đối với cấp THPT.
Đến năm học 2016-2017, tại Gia Lai, cấp THCS đã có 19 trường (ở 9 huyện, thị xã và thành phố), 34 lớp với 1.442 học sinh học Tiếng Anh 10 năm; cấp THPT có 6 trường, 12 lớp và 504 học sinh học chương trình Tiếng Anh 10 năm.