Giáo viên ngày nay đóng vai trò định hướng và cố vấn cho học sinh tìm ra chân lý
Trăm dâu đổ đầu... thầy
Theo TS Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 11 (TPHCM) thì nguyên nhân của hiện tượng này đến từ quan hệ ngày một lỏng lẻo giữa giáo viên và học sinh. Các thầy cô giáo mắc lỗi thường không tạo dựng được sự liên kết tích cực với các học sinh của mình và khiến mâu thuẫn thầy trò lan rộng, kéo dài, dẫn đến các sự việc đáng tiếc.
ThS Đào Thị Duy Uyên, giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM lại cho rằng nguyên nhân của những sự việc đáng tiếc trên phần lớn xuất phát từ áp lực quá lớn mà xã hội hiện nay đè nặng lên đôi vai các thầy cô giáo. Bà nêu nhận xét: “Xã hội Việt Nam hiện đang có nhiều vấn đề phức tạp, các giá trị đạo đức đang bị đảo lộn, nhiều vấn đề mới nảy sinh do quá trình thay đổi hình thái kinh tế xã hội, xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa.
Trong vòng xoáy của công nghệ, giáo dục phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Trong đó nhiệm vụ giáo dục về tri thức và đạo đức cho thế hệ trẻ của nhà trường ngày càng lớn và có xu hướng thay thế cho vai trò của gia đình vì chức năng xã hội hóa cá nhân - chức năng chăm sóc giáo dục cá nhân của gia đình đang bị suy giảm.
Áp lực và thách thức vì thế đặt lên vai người giáo viên ngày càng lớn. Nếu giáo viên chỉ đơn độc trong quá trình tương tác với học sinh như trước đây mà không nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía và nhiều mặt thì sẽ rất khó để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bản thân giáo viên hiện nay cũng đối diện với rất nhiều áp lực khác từ cá nhân, gia đình, xã hội, môi trường… bên cạnh các vấn đề chuyên môn”.
Đồng tình với ý kiến này, ThS tâm lý Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường phát triển tính cách John Robert Power cho rằng chính những áp lực nói trên khiến giáo viên thường rơi vào trạng thái căng thẳng, thiếu bình tĩnh trước những tình huống sư phạm hóc búa.
Khi đó, năng lực giao tiếp và ứng xử sư phạm còn hạn chế của người giáo viên sẽ khiến họ dễ rơi vào trạng thái bị động về mặt tâm lý và phản ứng theo những cách thức không phù hợp, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Theo các chuyên gia, điều cần thiết nhất hiện nay là cải thiện mối quan hệ giữa thầy và trò thông qua các giải pháp giúp giáo viên nâng cao năng lực giao tiếp và ứng xử sư phạm với học sinh.
Những giải pháp thiết thực cho giáo viên
TS tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng dạy học là một quá trình giao tiếp, tương tác giữa giáo viên và học sinh. Hiệu quả dạy học không chỉ phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và khả năng sử dụng các phương pháp dạy học mà còn nằm ở phong cách, thái độ ứng xử của nhà giáo đối với học sinh. Tác động giáo dục của người thầy sẽ có sức cảm hóa lớn nhờ phong cách giao tiếp ứng xử thuyết phục, công bằng và khéo léo với học sinh ở từng tình huống cụ thể. Vì vậy giao tiếp và ứng xử sư phạm là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc năng lực sư phạm của người thầy.
Tại Trường ĐHSP TPHCM, môn “Giao tiếp ứng xử sư phạm” đã chính thức trở thành môn học chung (bắt buộc) với tất cả các sinh viên từ năm học 2015-2016. Tuy nhiên trước đó, đây chỉ là môn tự chọn và có không ít sinh viên sư phạm do chưa đánh giá đúng vai trò của nó nên đã không tiếp cận được với môn học này một cách thật đầy đủ và và chuyên nghiệp như một năng lực nghề nghiệp quan trọng.
Do đó nhà trường cũng như các cơ sở đào tạo giáo viên cần phối hợp với nhau thường xuyên mở những khóa tập huấn hoặc những chuyên đề bồi dưỡng về giao tiếp sư phạm cho những giáo viên đang làm việc để nâng cao nhận thức và ý thức vận dụng các kiến thức, kỹ năng giao tiếp sư phạm phù hợp với từng học sinh trong từng trường hợp cụ thể.
ThS Đào Thị Duy Uyên gợi ý về việc tổ chức các cuộc thi về ứng xử sư phạm cho giáo viên để giúp các thầy cô có cơ hội trau dồi, học hỏi kinh nghiệm của nhau cũng như tham khảo ý kiến từ các nhà chuyên môn để cùng tìm ra các giải pháp phù hợp nhất cho các tình huống giao tiếp sư phạm. Bên cạnh đó, nhà trường nên xây dựng một bộ quy định chuẩn về cách thức giao tiếp ứng xử trong môi trường sư phạm cho cả giáo viên và học sinh. Các quy định cần được trình bày đơn giản, dễ hiểu, đặt tại các khu vực dễ thấy trong trường để mỗi ngày giáo viên và học sinh được tiếp xúc và dần dần hình thành văn hóa giao tiếp sư phạm ở nhà trường.
Còn theo TS Đặng Đức Hoàng, nhà trường và các thầy cô giáo cần phải xem chất lượng quan hệ “thầy - trò” là một tiêu chí và thước đo về trình độ và phẩm chất của người làm công tác dạy học. Ông cho biết: “Đội ngũ thầy cô giáo luôn là hình ảnh phản chiếu trực tiếp nhất đến học trò. Thầy cô mẫu mực thì học trò học tập, thầy có hành vi tiêu cực thì học trò cũng bắt chước theo. Chính vì vậy trong mối quan hệ gắn kết này, giáo viên phải biết xây dựng không khí lớp học luôn vui tươi, phấn khởi.
Người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là người truyền đam mê học hỏi, phát triển bản thân cho trò và là tấm gương về mặt đạo đức lối sống cho các em, giúp học sinh vừa có ý thức tự giác, hứng thú và say mê trong việc tìm hiểu chân lý và lĩnh hội tri thức, vừa có được nhân cách cao đẹp và chính trực cùng thái độ sống tích cực. Nhà giáo tuyệt đối không được bộc lộ những thái độ, cảm xúc hay hành vi tiêu cực, thiếu kiềm chế trên bục giảng.
Ngoài ra, các thầy cô giáo cần thay đổi quan điểm về vị trí của người thầy trong giai đoạn hiện nay. Sự phát triển chóng mặt của công nghệ và nền kinh tế hội nhập toàn diện đang thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó giáo dục là một trong những yếu tố bị tác động nhiều nhất. TS Đặng Đức Hoàng cho rằng xu hướng của giáo dục hiện nay đã chuyển từ “lấy giáo viên làm trung tâm” sang “lấy học sinh làm trung tâm”, việc dạy học phải hướng vào người học, đặt họ vào vị trí trung tâm của giáo dục.
Người thầy nhường quyền chủ động tìm kiếm và thu thập kiến thức lại cho học sinh, trong khi bản thân chuyển sang vai trò là người dẫn dắt, cố vấn và xác thực thông tin cho học sinh. Do đó đòi hỏi người thầy phải luôn chủ động làm mới kiến thức và nâng cao trình độ nghiệp vụ của mình để định hướng cho học sinh đi tìm chân lý như câu nói nổi tiếng của nhà giáo dục học A.Dixtecvec “Người giáo viên bình thường mang chân lý đến cho trò, người giáo viên giỏi biết dạy cho trò đi tìm chân lý”.
Cuối cùng, các chuyên gia thống nhất rằng phải hỗ trợ cho giáo viên trong việc giải tỏa những áp lực đang đè nặng mỗi ngày, giúp thầy cô giáo khi lên lớp luôn có được trạng thái tâm lý cân bằng. “Một người chỉ có thể có đủ sự bình tĩnh và sáng suốt để đưa ra những cách giao tiếp và ứng xử đúng mực, đạt hiệu quả giáo dục với học sinh trong những tình huống sư phạm phức tạp khi bên trong họ thật sự khỏe mạnh về tinh thần” - ThS Đào Thị Duy Uyên khẳng định.
Do vậy mà giáo viên cần thường xuyên được hỗ trợ về tâm lý bởi các chuyên gia để có thể xác định sớm những dấu hiệu mất cân bằng trong đời sống tâm lý, tinh thần của mình nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời, không để thầy cô giáo chịu đựng một một mình. Nhà trường cũng cần chủ động chăm sóc tinh thần cho giáo viên thông qua các hoạt động ngoại khóa, thư giãn nhẹ nhàng.
Chỉ khi giáo viên có được tinh thần vững mạnh và tâm lý thoải mái thì mới có thể kiểm soát tốt bản thân và không để những áp lực cá nhân ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp với học sinh. ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh đề nghị giáo viên nên học cách tư duy tích cực, làm chủ tinh thần của mình. Dịp hè cũng là thời điểm tốt để thầy cô “sạc” lại cảm hứng làm việc của mình, sẵn sàng cho một năm học mới thành công và hiệu quả hơn.