Ngày 22/9, Bộ GD&ĐT cũng kịp thời thông tin phản hồi cho dư luận qua thông cáo báo chí, qua đó đã giải thích khá rõ chủ trương của Bộ GD&ĐT về dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.
Ở góc độ là giáo viên dạy ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Anh) trong thời gian gần 10 năm ở cấp THPT trước đây, rồi là chuyên viên phụ trách dạy học ngoại ngữ ở Sở GD&ĐT và hiện nay là lãnh đạo Sở GD&ĐT, TS Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre – cho rằng cần nói thêm về chủ trương của Bộ GD&ĐT về dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông mà theo ông là rất đúng đắn.
Chủ trương có tính kế thừa
Theo TS Nguyễn Văn Huấn, việc quy định một ngoại ngữ thứ nhất, học sinh chọn một trong số các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ bắt buộc trong các trường phổ thông là chủ trương có từ lâu, không phải là mới, lạ. Năm 2011, có thêm tiếng Nhật được đưa vào giảng dạy thí điểm trong một số trường phổ thông.
Các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật trong thực tế đã được giảng dạy trong các trường phổ thông từ cấp Tiểu học, trong khi tiếng Trung Quốc và tiếng Nga chưa được giảng dạy tử cấp Tiểu học.
Vì vậy trong dự thảo Kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Bộ GD&ĐT muốn đưa thêm tiếng Nga, tiếng Trung Quốc vào giảng dạy từ cấp Tiểu học như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Đây là một chủ trương đúng, không có gì lạ, không có gì khó hiểu.
Không có chuyện ép học sinh phải học thêm ngoại ngữ
TS Nguyễn Văn Huấn nói rõ: Việc chọn học ngoại ngữ nào trong số các ngoại ngữ nói trên là quyền của học sinh căn cứ vào điều kiện về đội ngũ giáo viên của nhà trường. Không có chuyện ép buộc học sinh phải học một ngoại ngữ nào.
Càng không có chuyện bắt buộc học sinh phải học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ nhất.
“Thực tế cho thấy hiện nay, hầu hết học sinh chọn học ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Anh. Cũng có một tỉ lệ nhỏ học sinh chọn học ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Pháp (chương trình song ngữ Pháp-Việt), tiếng Nhật (thí điểm ở một số trường phổ thông) và việc này là hoàn toàn tự nguyện.
Vì vậy xã hội không phải quá lo lắng việc học sinh sẽ bị bắt buộc học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc hay các thứ tiếng khác thay cho tiếng Anh” – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre chia sẻ.
Cho rằng ngoài một ngoại ngữ thứ nhất, học sinh được quyền chọn học một ngoại ngữ thứ hai căn cứ vào điều kiện thực tế về độ ngũ giáo viên (ví dụ học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn tiếng Pháp là ngoại ngữ thứ hai nếu như trường có giáo viên tếng Pháp), TS Nguyễn Văn Huấn nhấn mạnh: Chủ trương này đã có từ lâu, không phải là chuyện mới, lạ.
Thêm đó, việc tổ chức dạy ngoại ngữ thứ hai chỉ thực hiện so le với ngoại ngữ thứ nhất (ví dụ học sinh học tiếng Anh như ngoại ngữ thứ nhất từ cấp Tiểu học thì học ngoại ngữ 2 từ lớp 6 cấp THCS) vì nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh rằng việc học một ngoại ngữ thứ hai chỉ có hiệu quả khi người học đã có một số vốn kiến thức và kĩ năng nhất định đối với ngoại ngữ thứ nhất.
Việc học một ngoại ngữ thứ hai chỉ dành cho những học sinh đã học tốt ngoại ngữ thứ nhất và hoàn toàn tự nguyện, không có chuyện bắt buộc. Vì vậy việc học một ngoại ngữ thứ hai hoàn toàn có lợi và thiết thực cho học sinh.
Đa dạng ngoại ngữ là yêu cầu cầu của hội nhập
TS Nguyễn Văn Huấn bày tỏ quan điểm: Một nền giáo dục chỉ dạy một ngoại ngữ là rất dở. Thật khó tưởng tượng khi tất cả người Việt Nam chỉ biết tiếng Anh! Dù cho tiếng Anh chiếm tỉ lệ 99% thì cũng nên có 1% người Việt Nam biết các thứ tiếng khác.
Trong bối cảnh nước ta đang thực hiện đa dạng hóa quan hệ với các nước, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, thì không ai phủ nhận tiếng Anh là ngoại ngữ cần thiết để thực hiện yêu cầu đó, vì vậy phải tập trung đầu tư cho giảng dạy tiếng Anh sao cho có chất lượng, hiệu quả.
Nhưng qua đó cũng cho thấy sự đa dạng các ngoại ngữ giảng dạy trong trường học là cần thiết (dù chiếm một tỉ lệ nhỏ so với tiếng Anh) tùy theo nhu cầu từng cá nhân, từng địa phương.
Nên tránh tư tưởng cực đoan, chỉ dạy học duy nhất có tiếng Anh. Nếu chúng ta tạo được điều kiện cho học sinh có được sự lựa chọn học một ngoại ngữ thứ nhất trong nhiều ngoại ngữ (thay vì chỉ có duy nhất tiếng Anh) và được tiếp cận một ngoại ngữ thứ hai theo nhu cầu và ngay từ trường phổ thông thì suy cho cùng chỉ có lợi cho học sinh khi học tập, công tác, làm việc về sau.
“Nhiều ý kiến không đồng tình, phê phán, thậm chí cực đoan về chủ trương dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc nhìn chung là do chưa hiểu rõ chủ trương của Bộ GD&ĐT mà theo tôi là hoàn toàn đúng đắn” – TS Nguyễn Văn Huấn bày tỏ.