Cô Phạm Thị Thanh Nhàn - giáo viên Trường THPT C Nghĩa Hưng (Nam Định)
Giáo viên: Khâu rất quan trọng là định hướng các dạng đề
Theo cô Phạm Thị Thanh Nhàn, xu hướng câu hỏi nghị luận văn học trong đề thi THPT quốc gia thường không đơn thuần là phân tích nhân vật hay phân tích đoạn thơ mà có cách hỏi sáng tạo hơn.
Có thể câu hỏi yêu cầu đưa ra ý kiến nhận xét về nhân vật, nhận xét về đoạn thơ, hay nhận xét về một phương diện nổi bật của tác phầm; hoặc cũng có thể là đề so sánh.
Trước đây học sinh thường chỉ nhớ máy móc những vấn đề chính trong văn bản, giáo viên thường cố cho học sinh nhớ những nội dung mà thầy cô đã nhắc đi nhắc lại (thậm chí là học tủ). Cách học này khiến nhiều học sinh thấy học văn là “bắt buộc, nhồi nhét” nên không thể nhớ được. Hiện nay, với xu thế ra đề mới, học sinh cần thật chủ động linh hoạt.
Để ôn tập hiệu quả môn Ngữ văn thi THPT quốc gia, cô Phạm Thị Thanh Nhàn cho rằng: Giáo viên trước hết phải định hướng cho học sinh các dạng đề thường gặp.
Đây là khâu rất quan trong. Ở lớp dưới, học sinh có thể đã biết, nhưng đầu năm lớp 12 thầy cô vẫn phải nhắc lại thật kĩ để học sinh có định hướng cụ thể. Cần hướng dẫn học sinh cụ thể vè kĩ năng giải quyết các dạng đề. Lưu ý đừng quá tham nhiều đề ở nhiều tác phẩm mà hãy cho học sinh nắm chắc kĩ năng dạng đề ở một vài tác phẩm cụ thể, từ đó các em vận dụng vào các văn bản khác.
Ví dụ, với đề về tình huống truyện, có thể hướng dẫn học sinh qua tác phẩm “Vợ nhặt” và định hướng các em tự giải quyết ở văn bản “Chiếc thuyền ngoài xa”.
Hay từ việc hướng dẫn về cái tôi của Nguyễn Tuân qua “Người lái đò sông Đà”, học sinh tự tìm hiểu được cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua “Ai đã đặt tên cho dòng sông”… Dạng đề nghị luận về ý kiến bàn về văn học là phổ biến nhất, thầy cô cần hướng dẫn cho học sinh cụ thể các bước.
Một lưu ý khác, theo cô Phạm Thị Thanh Nhàn, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nắm vững nội dung và nghệ thuật của văn bản. Tiếp đó, hệ thống thành các dạng đề cụ thể ở mỗi tác phẩm (mỗi tác phẩm khoảng 5 đề), hướng dẫn học sinh lập dàn ý một số đề.
Sau khi học xong một chuyên đề lớn như thơ ca, tùy bút- bút kí, truyện ngắn, giáo viên lại hệ thống tổng hợp.
Giáo viên, nhất là những giáo viên mới dạy, cũng cần tham khảo kĩ các đáp án và hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT những năm gần đây để có thể hướng dẫn học sinh cụ thể. Những năm gần đây, đáp án của Bộ hướng rất nhiều về kĩ năng nên giáo viên cần rèn cho học sinh chắc các yêu cầu để tránh mất điểm đáng tiếc.
Những lưu ý với học sinh
Với học sinh, để ôn tập và làm tốt bài thi Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia, cô Phạm Thị Thanh Nhàn đặc biệt nhấn mạnh việc cảm thụ văn chương một cách chủ động, sáng tạo để hiểu được vẻ đẹp của nội dung, nghệ thuật các tác phẩm; phải đọc văn bản nhiều lần để tự cảm thụ được cái hay cái đẹp của văn chương, có như vậy mới viết văn có cảm xúc.
Bên cạnh đó, học sinh cũng cần nắm vững kĩ năng giải quyết các dạng đề theo hướng dẫn của giáo viên. Mỗi dạng đề, học sinh cần hệ thống khoảng 2/3 trang vở ghi (tất cả khoảng 5-7 dạng đề), nắm chắc các bước một cách rõ ràng rành mạch thì khi làm văn sẽ rất chủ động. Học sinh cần cùng với giáo viên hệ thống các dạng đề ở mỗi tác phẩm và ở mỗi nhóm tác phẩm, có như thế mới tiếp cận tác phẩm một cách chủ động.
Một công việc cũng rất quan trọng đối với người học văn, theo cô Nhàn, là cần đọc nhiều, càng đọc nhiều càng tốt (đọc theo định hướng).
Cụ thể, để phục vụ cho kì thi THPT quốc gia, khi đọc tài liệu, học sinh cần lưu ý 2 điểm nổi bật:
Thứ nhất, cần định hướng dạng đề. Mỗi khi đọc bất kì đề nào, học sinh nên trả lời câu hỏi bài văn đó thuộc dạng đề nào? (có đủ các bước không).
Thứ 2, cần thấy điểm gì mới so với nhận thức của mình, từ đó bổ sung vào nhận thức của bản thân.
Khi tiếp cận được 2 vấn đề đó qua một bài đọc thêm, học ính đã có thêm được kiến thức và có tư tuy rất cụ thể về vấn đề mình đang bàn.
"Để có được kết quả tốt trong bài nghị luận văn học trong bài thi THPT quốc gia cần có rất nhiều yếu tố, cả thầy và trò cần thực hiện tốt nhiều công việc. Nhưng theo tôi, một trong các yếu tố quan trọng là thầy và trò phải thật chú ý về dạng đề và có kĩ năng giải quyết các dạng đề. Công việc này mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì , nhiệt huyết vừa tham khảo tài liệu vừa phải từ trăn trở của chính mình".
Cô Phạm Thị Thanh Nhàn