Đảm bảo sự thống nhất giữa tính khoa học và tính giáo dục
Tính khoa học trong quá trình dạy học ở Tiểu học trước hết bằng chính nội dung dạy học ở Tiểu học. Tính khoa học được thể hiện trong phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học.
Đảm bảo tính khoa học trong dạy Toán ở Tiểu học là dạy đúng, dạy đủ những tri thức khoa học được quy định trong chương trình cấp học.
Tính giáo dục là thuộc tính bản chất của quá trình dạy học ở Tiểu học nhằm đạt tới sự phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh. Hình thành ở học sinh thế giới quan khoa học và những phẩm chất đạo đức của con người mới.
Đảm bảo tính thống nhất giữa khoa học và giáo dục là trong quá trình dạy học đồng thời giúp học sinh nắm tri thức khoa học và hình thành phẩm chất đạo đức cho học sinh.
Vì vậy, yêu cầu mỗi giáo viên phải có trình độ chuyên môn vững vàng, kĩ năng ngôn ngữ, tổ chức hợp lí các hoạt động dạy học, xử lí linh hoạt, sáng tạo các tình huống có vấn đề.
Bằng bản thân những kiến thức Toán học ta bồi dưỡng cho học sinh một cách có hệ thống giúp học sinh có tình cảm đúng đắn đối với môn học. Ngược lại, tình cảm yêu mến Toán học giúp các em tiếp tục làm chủ kiến thức Toán học mới.
Đảm bảo sự thống nhất giữa tính khoa học và tính thực tiễn
Trong quá trình dạy học, đồng thời giúp học sinh nắm kiến thức Toán học (kiến thức phù hợp với thực tiễn), hình thành kĩ năng vận dụng thành thạo nhằm góp phần cải tạo hiện thực, cải tạo bản thân.
Qua thực tiễn, nó khẳng định tính đúng đắn của khoa học. Hệ thống các quy tắc, công thức Toán học chính là sản phẩm nghiên cứu tìm ra chân lí của các nhà khoa học.
Đảm bảo tính cụ thể và tính trừu tượng
Học sinh Tiểu học nhận thức từ cái riêng đến cái chung, từ cái cụ thể đến cái khái quát. Vì vậy, giáo viên phải giúp học sinh tìm hiểu, phân tích qua những ví dụ cụ thể rồi mới khái quát thành quy tắc, công thức Toán học.
Đảm bảo sự thống nhất giữa dạy và học
Trong quá trình dạy học, hoạt động học đóng vai trò chủ đạo. Học sinh tự giác, tự lực tiếp thu kiến thức dưới tác động của giáo viên. Thông qua vai trò của người giáo viên, học sinh phát huy được tính tự giác, tích cực, ham mê tìm kiến thức mới.
Đảm bảo tính vững chắc của kiến thức với tính mềm dẻo của tư duy
Tính vững chắc của kiến thức có nghĩa là hệ thống kiến thức mà học sinh lĩnh hội được sẽ vận dụng vào các tình huống tương tự. Học sinh lĩnh hội vững chắc kiến thức làm nền tảng lĩnh hội kiến thức mới.
Tính mềm dẻo của tư duy là khả năng linh hoạt, sáng tạo của học sinh khi vận dụng kiến thức vào từng bài học cụ thể.
Để đảm bảo nguyên tắc này trong quá trình dạy học, đòi hỏi người giáo viên phải làm cho học sinh nắm vững hệ thống kiến thức Toán học và khi cần có thể nhớ và vận dụng linh hoạt trong từng tình huống.
Người giáo viên biết hòa kinh nghiệm của nhân loại với kinh nghiệm bản thân để giúp học sinh nắm được bản chất vấn đề; Giúp học sinh biết nhớ nhiều, nhớ nhanh, nhớ lâu, nhớ chính xác điều đã học.
Đảm bảo tính khoa học với tính vừa sức
Đây là một nguyên tắc vô cùng quan trọng khi bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Bởi yêu cầu, nhiệm vụ học tập phải phù hợp với trí tuệ học sinh. Dạy học phù hợp khả năng, năng lực, trình độ phát triển của đối tượng học sinh, đảm bảo học sinh đều được phát triển ở mức cao nhất.
Những kiến thức toán học chúng ta truyền tải đến học sinh phải được học sinh tiếp thu trên cơ sở phát huy hết khả năng của mình. Bồi dưỡng học sinh giỏi không phải là dạy trước chương trình và cũng không nên dạy những bài quá khó. Mà phải bắt đầu từ dạy chuẩn kiến thức từng khối lớp.
Trên cơ sở chuẩn kiến thức, giáo viên có thể mở rộng, khắc sâu kiến thức cho học sinh có tư duy, tiếp thu nhanh hơn so với các bạn trong lớp, trong khối.
Bồi dưỡng theo nhóm trình độ là mấu chốt của sự thành công bởi trong một lớp có nhiều đối tượng học sinh, không phải đối tượng nào cũng có thể mở rông, khắc sâu kiến thức được.
Nếu đưa những kiến thức quá cao đối với các em, các em không những không hiểu mà còn dẫn đến việc chán học, lâu dần các em sẽ bị mặc cảm với các bạn trong lớp. Hoặc nếu chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức theo chuẩn thì khó có học sinh giỏi và không phát huy được tính sáng tạo, tích cực học tập của học sinh.
Như vậy, để đảm bảo nguyên tắc này đòi hỏi người giáo viên phải có trình độ chuyên môn giỏi, toàn diện, quan tâm đến trình độ phát triển chung của học sinh cả lớp, trình độ phát triển riêng từng đối tượng học sinh. Từ đó mới có nội dung dạy học phù hợp.