Để thực hiện việc học tập trải nghiệm sáng tạo cần có các nguyên tắc xây dựng cụ thể, để từ đó mỗi giáo viên có được cơ sở xây dựng được các chương trình học tập phù hợp nhất, đem lại hiệu quả cao trong giảng dạy.
Các nguyên tắc để xây dựng thành công các bài học theo hướng học tập trải nghiệm sáng tạo gắn với phát triển năng lực ở người học như sau:
Gắn với các tình huống từ thực tiễn đời sống
Học tập trải nghiệm sáng tạo mang ý nghĩa rộng là các tình huống hay bối cảnh có ý nghĩa vận dụng kiến thức vào giải quyết và nó mang ý nghĩa một hoạt động xã hội.
Học tập trải nghiệm gắn với các tình huống từ thực tiễn cuộc sống đòi hỏi học sinh phải hòa mình vào thực tiễn để giải quyết vấn đề đó. Hơn nữa các nội dung học tập trải nghiệm phải mang tính xã hội có nghĩa là nói tới quy mô rộng lớn của học tập trải nghiệm hướng tới.
Với mục tiêu đào tạo ra những con người mới, thế hệ mới làm chủ nhân tương lai đất nước thì việc đưa học sinh gần hơn tới thực tế cuộc sống, xã hội sẽ làm nâng cao vốn hiểu biết từ đó có được kĩ năng sống và vốn kiến thức cần thiết.
Gắn với những vấn đề cần giải quyết ở địa phương
Cần đảm bảo chủ đề học tập trải nghiệm phải gắn với những vấn đề cần giải quyết ở địa phương nơi tập thể sinh sống và học tập, hoặc những điểm nổi bật. Như các lĩnh vực: Ngành nghề sản xuất cơ bản đang tồn tại trong xã hội, lĩnh vực phục vụ cộng đồng, lĩnh vực khoa học – công nghệ, lĩnh vực thủ công nghiệp, gia đình…
Căn cứ vào đó, giáo viên có thể xây dựng các chương trình học tập trải nghiệm như là: công nghiệp, nông nghiệp, nghề thủ công, công nghiệp – lâm nghiệp – ngư nghiệp, khoa học công nghệ- giáo dục – y tế, văn hóa nghệ thuật – du lịch , kinh tế, giao thông vận tải..
Chủ đề trải nghiệm không không ngoài “tầm với” kiến thức của học sinh
Không nên xây dựng các chủ đề trải nghiệm vượt quá xa nội dung kiến thức của học sinh. Nội dung kiến thức phải trong khuôn khổ kiến thức học sinh đã được học, những kiến thức liên quan có thể tham khảo và kiến thức trong chương trình SGK.
Như thế mới tạo cho học sinh được lòng tin với chính bản thân mình trong việc giải quyết vấn đề, từ đó năng lực người học sẽ dần được nâng cao.
Giáo viên chỉ là người hỗ trợ, hướng dẫn
Trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo viên chỉ là người hỗ trợ, hướng dẫn, nâng đỡ học sinh còn sự tham gia hoạt động, giải quyết vấn đề và nâng cao kĩ năng sống lại đòi hỏi ở người học. Giáo viên khi này đóng vai trò là một cố vấn, dàn xếp nhắc nhở và giúp học sinh phát triển, đánh giá một cách hiểu biết về việc học của mình.
Cả giáo viên và học sinh không chỉ xem kiến thức là một thứ để nhớ mà con xem việc khám phá kiến thức là một niềm vui trong quá trình học tập. Đặc biệt với học sinh thì việc khám phá kiến thức thông qua việc học trải nghiệm giống như mở một hộp quà mà chính học sinh là người tự tìm ra nó.
Chọn được nội dung cho phù hợp với việc học trải nghiệm
Chương trình, kế hoạch học tập trải nghiệm phải được thiết kế để trang bị cho học sinh đầy đủ yếu tố: Kiến thức, kĩ năng, giá trị và cả cách vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
Bởi vậy ngay trong khâu thiết kế giáo án người giáo viên phải chọn được nội dung cho phù hợp với việc học trải nghiệm rồi đưa ra được mục tiêu đầu ra cho sản phẩm của mình về kiến thức, kĩ năng và giá trị của bài học.
Trong quá trình học tập trải nghiệm giáo viên phải chú ý bám sát giáo án cũng như học sinh để bài học đạt hiệu quả cao.
Không quá ôm đồm kiến thức
Qua bài học, học sinh phải nắm vững được kiến thức trọng tâm, tự hoàn thiện kiến thức kĩ năng vận dụng của mình. Điểm mấu chốt sau một bài học là học sinh phải nắm được kiến thức nền cơ bản cũng như những kĩ năng cần thiết mà bài học muốn truyền tải.
Việc ôm đồm quá nhiều kiến thức nhồi nhét cho học sinh sẽ làm bài học trở nên quá tải bởi vậy cần tìm ra được nội dung trọng tâm hướng tới thực tiễn để học sinh có thể khắc sâu và hoàn thiện kĩ năng vận dụng sau bài học mà các em được trải nghiệm.
Cân đối giữa chiều sâu kiến thức và bề rộng vận dụng
Quá trình học tập trải nghiệm phải được cân đối giữa chiều sâu kiến thức và bề rộng trong sự liên hệ và vận dụng trong cuộc sống. Để đảm báo một bài học đầy đủ chiều sâu và bề rộng là một việc làm khó khăn bởi trong một tiết học thời lượng kiến thực có hạn.
Tuy nhiên, đòi hỏi giáo viên phải tận dụng tối đa lợi thế mà học tập trải nghiệm có thể làm được và thiết kế bài học cho tương thích với thời gian và nội dung kiến thức chuyên sâu và có thêm những mở rộng và liện hệ với thực tiễn cuộc sống sẽ làm bài giảng hấp dẫn, phong phú hơn.
Kiến thức đi dần từ thấp lên cao
Bài học được xây dựng bởi những ý tưởng về nội dung rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi và điều kiện nhà trường, địa phương. Nội dung dạy học mang tính thời sự gắn kết đời song thực tiễn của địa phương, đất nước và hòa nhập quốc tế.
Bên cạnh việc bồi dưỡng kĩ năng học tập thì việc đảm bảo nội dung chương trình vẫn là yêu cầu trên hết đối với một bài học. Để đạt được hiệu quả trong bài học thì giáo viên cần lên những ý tưởng nội dung rõ ràng, sắp xếp cho phù hợp với trình tự kiến thức cũng như đưa học sinh đi từ bậc thấp kiến thức nâng dần lên bậc cao hơn.
Khi đó, học sinh sẽ không bị bỡ ngỡ và tập dần thích nghi với phương pháp học mới. Việc cô đọng, rõ ràng về nội dung khiến cho học sinh dễ hiểu và nắm được bản chất vấn đề.
Tính khoa học – giáo dục là nội dung phải đảm bảo tính logic và khoa học, tính giáo dục cũng như thẩm mĩ và đạo đức. Lựa chọn nội dung cần phải có ưu thế để đạt được mục tiêu năng lực đề ra.
Học sinh phải được trải nghiệm ý nghĩa của bài học
Học sinh phải được trải nghiệm ý nghĩa của bài học, tự xác định cách thức, kết quả, và giải quyết vấn đề. Với phương pháp học này học sinh không còn bị động như lối học truyền thống mà các em trở thành trung tâm, những người chủ động đón nhận, tìm thấy kiến thức dưới sự hướng dẫn tự giáo viên.
Việc học này phải xuất phát từ nhu cầu của học sinh trong việc tìm ra giải pháp để giải quyết tình huống học tập và khám phá sâu hơn tình huống đó. Sau quá trình lĩnh hội và tìm hiểu kiến thức học sinh phải tự điều chỉnh lại kiến thức cho bản thân.
Môi trường học tập phải mang tính cộng đồng
Nguyên tắc này muốn nói tới sự hợp tác của học sinh trong quá trình học tập. Hay nói cách khác là cách làm việc nhóm để đảm bảo sự khách quan, học hỏi lẫn nhau cũng như học cách làm việc và chung sống với người khác.