Thầy Nguyễn Quốc Hùng.
Điều này có khả thi hay không, giải pháp nào để chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ được nâng cao, đồng đều giữa các vùng miền? Vì sao điểm môn Ngoại ngữ thấp 'thảm hại' ?
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội), chuyên gia hàng đầu về giảng dạy tiếng Anh.
PV: Điểm trung bình môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua chỉ đạt 3.3, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Thầy có bình luận gì về con số này?
Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Đây là kết quả đáng buồn sau khoảng 30 năm phát triển tiếng Anh. Tiếng Anh được đưa vào giáo dục phổ thông như một bộ môn từ lớp 3 đến lớp 12, được quy định cho cán bộ viên chức theo Đề án 422 của Chính phủ từ năm 1994, được đưa vào chương trình học của hầu hết các trường đại học và sự ra đời của hàng nghìn trung tâm; và đặc biệt có cả một dự án hàng nghìn tỷ đồng đã thực hiện 6/10 năm, để cuối cùng nhận được trình độ dưới trung bình của giới trẻ Việt Nam về tiếng Anh. Thật sự đáng phải suy ngẫm…
PV: Tại 1 cụm thi do ĐH Sư phạm Huế chủ trì dành cho học sinh tỉnh Hà Tĩnh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2016, môn Tiếng Anh ở phần tự luận có đến 11.684 bài làm bị điểm 0 trên tổng số 15.728 bài thi đã chấm. Nguyên nhân chủ yếu do các em không chịu làm bài ở phần thi tự luận này. Theo thầy, vì sao lại có hiện tượng học sinh “né” phần thi tự luận ở môn ngoại ngữ?
Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Rất khó có thể đưa ra lý do chung cho việc học sinh tránh né loại hình tự luận. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân. Trong việc học ngoại ngữ có sự phân hóa lớn giữa các cá nhân: người thì giỏi nói, người thì giỏi đọc, người thì giỏi viết... không giỏi cái gì thì họ “né” cái đó.
Tuy nhiên có hai điểm chung là yêu cầu của một bài tự luận thường khó và quy trình dạy học có thể không đúng phương pháp. Ví dụ một bài đọc, nếu giáo viên hướng dẫn học sinh "dịch ra tiếng Việt để hiểu" thì quả thật là nguy hiểm, với một bài viết nếu giáo viên dạy học sinh học theo kiểu "template", tức là dựa vào bài mẫu mà viết, thì cũng là nguy hại.
Chuẩn hóa giáo viên dạy tiếng Anh là một giải pháp then chốt từng bước nâng cao chất lượng môn học này trong nhà trường phổ thông.
PV: Có chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải nhìn lại việc ra đề thi môn ngoại ngữ. Việc thi trắc nghiệm có xác suất may rủi lên tới 25% (vì chỉ cần tích bừa, thí sinh cũng có thể đạt tới 2,5/10 điểm). Nếu tăng tỉ lệ thi tự luận (để đánh giá thực chất trình độ của thí sinh), thì điểm ngoại ngữ sẽ thấp thảm hại. Vậy giải bài toán giữa tự luận và trắc nghiệm trong đề thi ngoại ngữ như thế nào là tối ưu, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Tuy không một loại hình nào là hoàn thiện, nhưng loại hình trắc nghiệm (multiple choice questions) là loại hình kiểm tra rất ưu việt. Nó xuất hiện từ giữa thế kỷ XX khi máy xử lý dữ liệu ra đời. Nó được dùng trong các loại hình thi cử của giáo dục, trong nghiên cứu thị trường và trong bầu cử.
Còn theo nghiên cứu của Trường Đại học Minnesota, ta thấy có 9 điểm ưu việt từ thi trắc nghiệm (tính đa năng, hiệu quả, chấm điểm chính xác và tiết kiệm, đáng tin cậy, có khả năng chẩn đoán, khống chế được độ khó, giảm bớt khả năng phỏng đoán của người làm bài, không bị định kiến chi phối, dễ chỉnh sửa khi thiết kế) và có 5 điểm yếu (khó thiết kế và mất nhiều thời gian, người thiết kế thường có xu hướng hỏi về kiến thức hơn là kỹ năng, bị chi phối bởi khả năng khác nhau của học sinh như khả năng suy diễn, năng lực đọc, các câu MC phụ thuộc vào đầu mối, và MC không đánh giá được năng lực tổ chức và diễn đạt ý tưởng). Tuy nhiên những điểm khiếm khuyết đó có thể khắc phục nếu người thiết kế đề thi được đào tạo...
PV: Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thì cho rằng, những em dân tộc thiểu số hoặc sống ở miền núi, ở vùng nông thôn, những nơi chất lượng dạy học môn ngoại ngữ chưa tốt, kết quả thi ngoại ngữ sẽ không cao. Nhưng điểm thi ở các cụm thi tại các TP lớn như Hà Nội, điểm ngoại ngữ cũng không cao. Như vậy có phải là do chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ đang có vấn đề không? Và giải pháp khắc phục ở đây là gì, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Ở miền núi, ở vùng nông thôn, những nơi chất lượng dạy học môn ngoại ngữ chưa tốt, kết quả thi ngoại ngữ sẽ không cao. Điều này là tất yếu vì điều kiện sống, điều kiện học tập, khả năng tiếp cận với cái hiện đại, tổ chức học tập ở những nơi đó có nhiều khó khăn.
Còn điểm thi ở các cụm thi tại các TP lớn như Hà Nội, điểm ngoại ngữ cũng không cao thực sự do nhiều nguyên nhân như về phía học sinh, phía giáo viên... Để khắc phục được những điều này không thể một sớm một chiều, và cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố, nhiều cấp quản lý.
PV: Chúng ta có cả một đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 với số tiền đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng. Là một chuyên gia về ngoại ngữ, thầy có thể đánh giá những thành quả từ đề án mà giáo viên và học sinh được thụ hưởng, đồng thời có cảnh báo gì từ những bất cập của đề án này?
Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi, đề án ngoại ngữ 2020 đã làm được nhiều việc lớn như: Ban hành Bộ tài liệu đánh giá giáo trình. Đây là công cụ để biên soạn và xét duyệt giáo trình có chất lượng đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân. Tiến hành một quy trình huấn luyện giáo viên một cách bài bản (trong nước và ngoài nước), kể cả đào tạo mặt đối mặt và đào tạo online...
Tuy nhiên thời gian triển khai các chủ trương và các cuộc huấn luyện, đặc biệt huấn luyện giáo viên không thể huấn luyện một lần cho mãi mãi. Vì thế nó đòi hỏi một thời gian dài, không thể trong một vài năm có thể nâng chất lượng của học sinh toàn quốc lên được. Bên cạnh đó nên đặt mục tiêu về năng lực ngoại ngữ của học sinh ở mức khả thi vì ở Việt Nam tiếng Anh là ngoại ngữ, là ngôn ngữ quốc tế, không giống như Singapore, Philippines, Ấn Độ, những nơi mà tiếng Anh là ngôn ngữ hai.
Một điều chúng ta cần quan tâm, theo tôi, là rà soát hiện tượng tiêu cực xem nó có không, có ở mức độ nào, việc học thêm ở các trường, việc lựa chọn sách giáo khoa của khu vực tư nhân… Những vấn đề này cần được rà soát một cách bài bản và nghiêm túc nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn thầy!